Trọng nội, xem thường ngoại là cách hành xử thiếu công bằng của không ít người chồng vô tâm. Điều này dẫn đến mâu thuẫn vợ chồng bởi phụ nữ kết hôn luôn muốn chồng tôn trọng nhà vợ giống như họ đã hết lòng vì gia đình bên nội. Vì vậy khi chồng có thái độ ứng xử không đúng mực với bố mẹ đẻ của mình, người vợ nào cũng sẽ thất vọng.
Cũng mang nỗi niềm bức xúc vì chồng ăn ở nhất bên trọng, nhất bên khinh, mới đây 1 cô vợ trẻ đã lên mạng xã hội than thở: “Không phải nói xấu chồng đâu nhưng anh nhà em thuộc tuýp người gia trưởng, sống lại tính toán. Chẳng là về mặt kinh tế, nhà ngoại em không bằng bên nội vì bố mẹ chồng đều làm công chức nhà nước, có lương. Bố mẹ em chỉ làm nông, ngoài mấy sào ruộng thì ông bà không có thêm nguồn thu nhập nào. Thành thử, vợ chồng em lấy nhau, ông bà cũng không trợ giúp được về mặt kinh tế, chỉ thi thoảng gửi cho mớ rau, bì gạo hoặc cho con gà nhà nuôi.
Ảnh minh họa
Ngược lại, bố mẹ chồng em khá hơn, thi thoảng lên chơi lại cho con em tiền. Các cháu ốm đau hoặc vợ chồng em bí tiền ông bà luôn cho vay. Chồng em thấy vậy toàn bóng gió bảo không nhờ vả được nhà ngoại. Mỗi lần tới dịp giỗ lễ được nghỉ dài ngày, anh luôn mặc định là vợ chồng con cái phải về nội, còn ngoại họa hoằn lắm anh mới cho vợ con về gọi là đá đưa tí. Em nói, chồng lại bảo: ‘Gớm, ngoại có quý hóa giúp đỡ gì đâu mà phải ở nhiều’.
Cũng vì chuyện này mà vợ chồng cãi lộn to tiếng không biết bao nhiêu lần. Tiếc rằng chồng em vẫn cứ đâu đóng đấy, không chịu thay đổi.
Đầu năm vừa rồi, bố mẹ chồng em được đền bù đất dưới quê nên cho vợ chồng em 1 tỷ mua nhà. Hai đứa quyết định dồn thêm tiền tiết kiệm, vay mượn vào nữa mua căn chung cư 80m về phía khu Hà Đông giá vừa mềm lại tiện đi làm.
Mất hơn tháng sửa chữa, tân trang, cuối tuần vừa rồi tân gia cũng không mở rộng, gọi là đặt 3 mâm mời đại diện họ hàng với 1 số người bạn. Có điều, trước đó cả tuần chồng em thuê riêng xe về đón ông bà nội lên chơi mà không thấy đả động gì tới bố mẹ vợ. Ban đầu em cũng để yên xem thế nào, đợi tới sát hôm đó vẫn không thấy anh nói mời bố mẹ vợ nên em hỏi. Không ngờ chồng em thản nhiên trả lời:
‘Ông bà ngoại có góp tí công sức gì đâu nên không cần thiết phải có mặt’.
Ôi nghe chồng nói, em choáng váng luôn các chị ạ. Thật sự không thể tin nổi chồng mình lại hẹp hòi, sân si tới thế. Ức quá em đáp: ‘Anh ăn nói như vậy mà nghe được à? Thế nào là ông bà ngoại không đóng góp, không cần có mặt. Anh mang tiền để đo tình cảm, sự quan tâm của bố mẹ vợ à? Anh cũng biết bố mẹ em không có điều kiện, tài sản quý giá nhất họ có là cô con gái gả cho anh. Ông bà chỉ có tình cảm, sự quan tâm dành cho con cho cháu. Bao nhiêu năm qua, tuy họ không cho chúng ta tiền bạc nhưng đổi lại anh nghĩ xem bố mẹ em đã vì vợ chồng mình làm những gì? Con 2 đứa đẻ ra, 1 tay bà ngoại chăm, mỗi lần chúng nó ốm đau, anh chỉ ới 1 tiếng là ông bà bỏ ruộng vườn đó lên trông nom. Sự quan tâm ấy tiền bạc nào sánh được. Vậy mà giờ anh nói mấy lời ấy.
Nếu anh nghĩ phải tiền đóng, của góp mới được có mặt trong buổi tân gia ngày mai thì thôi, em cũng xin rút lui vì tự thấy bản thân không đóng góp được gì nhiều’.
Ảnh minh họa
Nói xong, em về phòng, còn anh im lặng sang phòng khác. Lúc sau em lại nghe thấy anh gọi điện về quê mời bố mẹ vợ, bảo gọi xe đón nhưng bố mẹ em bảo sẽ chủ động đi. Hôm sau buổi tân gia nhà em nhờ thế mới được đông đủ, vui vẻ các chị ạ”.
Đối xử hai bên nội ngoại như nhau chính là nguyên tắc đầu tiên, quan trọng số 1 để quan hệ tình cảm vợ chồng được hạnh phúc, bền chặt. Bởi khi đã kết hôn là chúng ta xác định không chỉ gắn bó với riêng với người đó mà phải gắn kết, chăm sóc cả những người thân yêu xung quanh họ.
Muốn cuộc sống trong ấm ngoài êm, dù là chồng hay là vợ đều phải có trách nhiệm vun vén cho mọi mối quan hệ gia đình. Các anh chồng hãy nhớ nhé, nước không bao giờ chảy ngược, một khi các anh không quan tâm, tôn trọng gia đình nhà ngoại thì cũng đừng đòi hỏi vợ mình sẽ sống hết lòng vì các anh.