Từng vướng nhiều tranh cãi về chuyện ăn mặc, phát ngôn…, thế nhưng Angela Phương Trinh đã có sự thay đổi ngoạn mục với hình ảnh giản dị, tích cực tham gia hoạt động cộng đồng và được mọi người yêu mến.
Cuộc sống thường nhật hiện tại của mỹ nhân thị phi có tiếng một thời giờ đơn giản là chuỗi ngày ăn chay, tu dưỡng, chăm sóc gia đình và dành nhiều thời gian hoạt động phúc lợi cho xã hội.
Tuy nhiên, cách đây ít giờ, Angela Phương Trinh bất ngờ đăng tải trên trang fanpage dòng trạng thái dài với quan điểm: ‘Người thích nói đạo lý là người đang học Phật’.
Theo đó, người đẹp lên tiếng khẳng định cô luôn sống thanh nhàn, an yên và không đố kị, không sân si theo giáo lý nhà Phật.
Có điều, dòng trạng thái của Angela Phương Trinh được nhiều cư dân mạng cho rằng, cô đang đáp trả lại bài báo với nội dung đả kích một nghệ sĩ ‘giỏi nói đạo lý nhưng lại thích sân si, hành cả ekip’.
Theo như bài báo này đăng tải, có một nghệ sĩ được yêu mến nhờ ngoại hình xinh đẹp, tính tình hiền lành, khiêm nhường. Tuy nhiên, lại có thái độ không chuyên nghiệp khi bỏ về trong lúc chuẩn bị ghi hình quảng cáo vì phải quay sau một KOL nữ (người có ảnh hưởng – PV) khác.
Cụ thể bài chia sẻ của Angela Phương Trình:
‘NGƯỜI THÍCH NÓI ĐẠO LÝ LÀ NGƯỜI ĐANG HỌC PHẬT
Có lẽ lội ngược dòng để tìm chân lý cho chính mình từ lâu đã là kim chỉ nam cho mọi hoạt động kể cả nghệ thuật hay cuộc sống của Trinh.
Bất kể sự thành công hay thất bại, ‘vinh quang’ hay ‘nhục nhã’ đều là sự nhận lấy quả trên bước đường tu học.
Người ta thường nói:
‘Thà thác vinh còn hơn sống nhục’
Vậy sống để được ‘vinh’ và thác để được ‘vinh’ thì con người giữ tâm như thế nào để sống ‘vinh’ mà không kêu ngạo, thác ‘vinh’ để được nhẹ nhàng linh hồn mình thanh thản?
Câu trả lời còn nằm trong sự đố kỵ, lòng thù hận và sự nhỏ nhen ích kỷ ở đời. Khi bị chỉ trích con người ta theo quán tính sẽ nỗi lòng sân, người học Phật sẽ giữ tâm từ, bình lặng, lắng nghe, theo dõi mọi chuyển biến, ở đây không phải chuyển biến bên ngoài, mà là lắng nghe từ sâu lắng tâm hồn mình, để thấy mình đang ở đâu trên bước đường tìm lại chính mình, cảm ơn tất cả, cảm ơn những điều vi diệu đang tồn tại và hiện hữu trên thế gian này, để biết mình còn chút ân điển của đấng thiêng liêng đang ủng hộ và gia trì cho những người biết tìm nguồn cội trở về.
Chúng sanh thì như nhau, chỉ có điều Phật tánh biểu lộ theo một góc nhìn khác nhau, hôm nay chưa đồng tình nhưng hôm sau có thể nhìn lại, nhưng hãy trân quý những gì thật nhất, đừng hoa mỹ, bởi ‘tốt gỗ hơn tốt nước sơn’, sanh ra đời đôi bàn tay trắng, ra đi rồi cũng trắng đôi tay, miệng lưỡi thế gian thì lấy gì mà che cho nỗi, chỉ có tình thương mới để lại đời.
Mọi sự so sánh đều khập khiểng, bởi chúng ta đến với trái đất này là học sự tha thứ và thương yêu, học sự nhịn nhục để rửa nghiệp phần, ai không sân si? Ai không giống nhau? Chỉ có điều người học Phật sẽ có cái nhìn cận cảnh hơn, rõ hơn vấn đề, và cho ra câu trả lời sáng suốt nhất mà hành sự ở thế gian.
Trên có trời, dưới có đất, vạn vật đồng nhất thể. Cái cây hay con vật đều có linh tánh cả, nhưng tuỳ theo mức độ tiến hoá và nghiệp thức, cho nên tiến hoá chậm hay nhanh tuỳ thuộc vào nhân quả nữa, con người cũng vậy, hôm nay có thể vô minh, nhưng ngày mai phải sáng, phải rèn giũa, phải học nhiều hơn, lắng nghe nhiều hơn, ‘Ngọc càng mài càng trong’ là vậy.
Người im lặng, người ít nói, không phải họ không hiểu đạo lý, không nói đạo lý, mà mỗi người một quan điểm, còn người học Phật muốn ảnh hưởng tầm hiểu biết, ảnh hưởng tình yêu thương chan hoà thì sẽ chia sẻ lại với tất cả những gì họ được học được biết theo Chánh Pháp.
Người ta bảo: “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”. Nhưng ở thời đại 4.0 này, cầm chiếc điện thoại thông minh là bạn đã đi khắp thế giới hay nhìn ngắm những dãi ngân hà bao la ngoài vũ trụ, có lẽ bạn đã được học nhiều hơn lượng kiến thức ban đầu rất nhiều.
Vì thế chọn lọc thông tin nào sai lệch hay nhiễu sóng, còn tuỳ thuộc vào nhận thức riêng biệt của chúng ta, hiểu một vấn đề nó khác biết rõ một sự việc, chỉ vài trang báo lá cải hay thông tin bị nhiễu đã vô tình ghìm một sự cố gắng một chút tìm về sự lương thiện của một con người là vô cùng tàn nhẫn, cho nên từ lâu Trinh không thích sự phô trương, không thích sự giải thích, và không nhờ ai phải share những gì Trinh góp nhặt, mà nhờ sự yêu thương của mọi người đã lan toả những điều Trinh muốn thực hiện.
Và ngay trong thời điểm này, mọi sự việc cứ như vô thường, cứ đến rồi đi, cứ như dòng nước chảy, ta cứ mặc nhiên trôi theo nó để tìm sự an nhiên, và đôi khi ta lại lội ngược dòng để tìm ra đâu là sự trở ngại của chính mình mà khắc phục, chứ có bao giờ lội ngược dòng mà không gặp trở ngại đâu, ta xem sự trở ngại ấy thật sự quý giá và đáng giá biết nhường nào, và Trinh vẫn khẳng lại một lần nữa: ‘Người thích nói đạo lý là người đang học Phật”