Cách đây đây vài tuần, buổi offline đầu tiên của hội kiểng lá tại TP.HCM cũng như trào lưu săn lùng, sưu tập các thể loại kiểng lá đột biến đã được tổ chức tại Việt Nam.
Ngay lập tức nó đã làm dấy lên rất nhiều luồng thông tin tích cực lẫn tiêu cực, nhưng điểm chung là đa số ai cũng vô cùng kinh ngạc bởi các loại cây kiểng lá trông khá quen thuộc này không ngờ lại “có giá trị” đến thế.
Một số giống, loại được cho là đột biến nặng, có màu sắc hiếm sẽ được bán từ vài trăm triệu, thậm chí cả tỷ đồng cho một chậu.
Với con số vượt xa sức tưởng tượng đó khiến nhiều người bán tín bán nghi, cho rằng phải chăng lại là một trào lưu bị biến tướng tương tự như vài hội nhóm từng xuất hiện trong quá khứ, theo cách bất ngờ nổi lên, rồi vịn vào cớ “đột biến” mà leo giá bất chấp sự hiểu biết?
Nhưng trái lại theo tìm hiểu của chúng tôi, bộ môn “kiểng lá” này không chỉ có tại Việt Nam mà chúng đã và đang tồn tại ở rất nhiều quốc gia khác trên thế giới như: Anh, Mỹ, Thái Lan, Úc,… thậm chí sôi nổi không thua gì nước ta. Nó thu hút nhiều người thuộc mọi tầng lớp, ngành nghề, tùy vào tiềm lực kinh tế mà sẽ có “cách chơi” kiểng lá khác nhau.
Và cũng thật tình cờ trong một lần tìm hiểu về bộ môn này, chúng tôi đã tìm được Việt Đàm – Kiến trúc sư người Việt hiện đang sống tại Liverpool – Anh với bộ sưu tập kiểng lá “không-hề-nhỏ” của mình.

Việt Đàm – Kiến trúc sư hiện đang sinh sống và làm việc tại Anh.
Trồng hơn 200 cây kiểng lá và tôi bày nó ở bất cứ đâu trong ngôi nhà của mình, “ừ thì cả trên giường…”
Chào Việt Đàm, trước tiên bạn có thể cho biết vì sao bản thân lại biết tới môn kiểng lá này? Và vì điều gì mà quyết định theo đuổi nó?
Mình bắt đầu sưu tầm cây cảnh trong nhà từ cách đây 2 năm. Lúc đó, mình chuyển về căn hộ mới và có không gian cũng như điều kiện môi trường phù hợp hơn để nuôi cây. Yêu cây thì mình yêu từ nhỏ, và từ khi mình bị “bứng” khỏi Việt Nam năm mình 14 tuổi, như một cái cây non để đi định cư ở UK khiến mình lúc nào cũng muốn trồng lại những loài cây nhiệt đới. Chúng cho mình cảm giác thân thuộc, an toàn và tất nhiên là vì chúng đẹp. Sau này càng theo đuổi sâu và mở rộng, mình càng quan tâm hơn tới các giống cây bản địa của các khu vực khác, nhưng giống cây nhiệt đới vẫn đứng đầu. Mình cảm thấy có một sợi dây kết nối vô hình với những loại cây này.
Ai mà ngờ được dọc mùng ngày xưa nằm lõng bõng trong bát canh cá giờ lại đang đứng trang nghiêm ở góc nhà như thế!

Việt Đàm theo bộ môn này vì một phần nhớ về Việt Nam và phần vì cây xanh thật sự giúp con người chúng ta bớt “ngột ngạt” trong khoảng thời gian ở nhà vì Covid.
Theo Việt Đàm, môn này từ đâu lại có và bắt đầu rầm rộ từ khi nào?
Chơi cây cảnh (kiểng) hay hoa cảnh trong nhà không phải là một bộ môn quá mới mẻ, thậm chí ở những nước có sân vườn, nhà cửa rộng rãi như Việt Nam, điều này cực kỳ tự nhiên và dễ dàng. Nhưng phần lớn mọi người chơi cây thế, chơi hoa, chứ ít ai chơi lá. Xu hướng chơi lá cảnh đi theo một vòng tuần hoàn cứ khoảng 20-30 năm lại “trồi lên” một lần tại các nước phương Tây và trỗi dậy trở lại mạnh mẽ vào đầu năm 2020 khi dịch COVID-19 bắt đầu hoành hành và mọi người phải ở trong nhà.
Lúc đó, chắc ai cũng nhìn quanh và thấy nhà mình sao mà đơn điệu, nhàm chán rồi đua nhau mang những chậu cây xanh về để có được cảm giác như đang ở ngoài trời.
Tính đến nay Việt Đàm theo đuổi đã được bao lâu?
Mua cây lẻ tẻ thì chắc được 7 – 8 năm, nhưng thực sự có điều kiện theo đuổi thì chỉ 2 năm trở lại đây. Những năm trước ở nhà cũ có sân vườn, mình trồng nhiều cây ngoài trời (hoa, cây ăn quả, rau, rau thơm…).
Cây kiểng lá đầu tiên Việt Đàm mua là gì, giá cả thế nào?
Những cây đầu tiên mình mua để trồng trong nhà là vài chậu cây rau thơm (bạc hà, rosemary, thyme v.v.), cây tùng thơm và phong lan. Giá thì rẻ thôi, chỉ có vài ba đồng bảng Anh. Chúng được mua tất nhiên là vì công dụng nhiều hơn là vì mình mê lá của chúng, nhưng đó là những loại cây có khả năng kích thích nhiều hơn một giác quan và mùi của chúng thì tuyệt vời!

Một góc trong bộ sưu tập kiểng lá của Việt Đàm được đặt ở phòng khách.
Đến nay bộ sưu tập của Việt Đàm được bao nhiêu cây? Kể tên 1 số giống cây quý nhất?
Bộ sưu tập của mình cũng không ổn định, theo cái nghĩa là mình luân chuyển các loại cây khá thường xuyên để thay đổi hoặc nhường chỗ cho những loài cây mới hơn. Tính riêng mỗi lúc thì chắc quanh nhà có khoảng trên dưới 200 cây lớn nhỏ, nhưng nói thật là mình không đếm. Không-dám-đếm thì đúng hơn, sợ đếm xong nằm… tiếc tiền! Cây hiếm hay quý thì nói thật mình cũng chẳng có nhiều. Mình chọn mua cây, điều kiện tiên quyết là vì chúng đẹp thôi, còn nhiều cây hiếm quý nom èo uột và ngớ ngẩn lắm mà vẫn nhiều người bán sống bán chết để mua!
Về giá thành thì thật sự từ lúc việc chơi cây cảnh rộ lên năm ngoái tới giờ, giá đã bị độn lên gấp 3, 4, thậm chí 9, 10 lần những năm trước đó, nên nói giá cả cũng khá là ảo. Những cây tầm giá cao hơn trung bình mình có như Monstera Borgisiana Variegata, Philodendron El Choco Red, hay Anthurium Regale thì nằm ở mức ba con số (tiền bảng Anh), quy đổi ra thì cũng chỉ tầm một vài chục triệu tiền Việt – chưa là gì so với mức giá đang leo thang (như mình biết) ở Việt Nam – nên mình thấy bản thân còn rất rất may mắn!



Chơi kiểng lá nói khó không khó, nói dễ cũng không dễ. Nhưng cũng đòi hỏi rất nhiều kiến thức mới có thể giúp chúng phát triển tươi tốt.
Việt Đàm trưng bày chúng ở những nơi nào trong nhà? Theo sở thích riêng hay có liên quan gì tới kỹ thuật chăm sóc cây không?
Mình đặt chúng quanh khắp nhà ấy mà. Nhìn thì có vẻ lung tung, lộn xộn nhưng bất kỳ cây nào nằm ở đâu cũng đều phải được tính toán kỹ càng. Các yếu tố như hướng sáng, lượng ánh sáng cần, độ ẩm, cách phát triển của cây (cây đứng, cây leo, cây rủ, cây xòe v.v), nhiệt độ, lượng khí lưu thông v.v. đều cần được cân nhắc để tránh cây bị hư, bệnh – không thì sướng mình mà khổ thân chúng nó!
Tất nhiên là cả các yếu tố phụ như màu sắc, hoa văn gân lá phải hài hòa với nhau. Có những chỗ tối hơn trong nhà, mình phải rất vất vả để chọn các loại cây vừa phù hợp với điều kiện, vừa phải có form dáng phù hợp với không gian đó. Cái khó tiếp theo là chừa lại đủ không gian để chăm sóc chúng và quan trọng là việc ngăn chặn sâu bọ, côn trùng gây hại bằng những loại dầu đặc chế và hóa chất xịt thường xuyên; vì với cây cối san sát như thế, một cây có bọ là chả mấy chốc lây lan ra cả nhà. Điều cuối cùng là việc phải xoay cây liên tục để tránh cây bị ngả/vươn về phía ánh sáng quá nhiều, làm cho form dáng của cây bị mất duyên!

Ngoài phòng khách, Việt Đàm còn trồng rất nhiều cây trong phòng ngủ và quanh giường của mình. Cả tấm drap giường thôi cũng đủ thấy anh chàng có niềm đam mê với bộ môn này như thế nào.


“Ngủ với cây” cũng là thật đấy chứ!?
Mình nghe nói những loại cây này không ưa lạnh lắm. Vậy nếu thời tiết ở Anh vào mùa đông thì Việt Đàm chăm sóc chúng kiểu gì?
Mùa thu-đông thì năm nào cũng là những ngày đau tim, vì rất nhiều chi thực vật như Alocasia, Colocasia, Caladium v.v. (thuộc họ Môn) cứ đến mùa đông là sẽ lăn đùng ra chết, lá rụng sạch, bỏ mình ngồi ngắm mấy chậu đất! Với các loại cây khác, mùa đông thì mình phải lắp thêm đèn chuyên dụng, máy sưởi và máy tạo ẩm quanh nhà, đồng thời bật thêm nhạc Uyên Linh để lừa chúng là “mùa đông chưa bao giờ tới”. Nghe thì có vẻ vất vả tốn kém nhưng thật ra cũng rẻ chán, mà có khi còn dễ hơn là nuôi thú cưng.
Giá kiểng lá ở Việt Nam hiện còn cao hơn bên Anh, lo ngại “nổ bong bóng” giá
Hiện tại xu hướng chơi cây kiểng lá ở bên Anh như thế nào? Mọi người có bị cuồng như ở Việt Nam không?
Hiện tại thì thú chơi cây kiểng lá cũng đang mất dần độ hot, khi dịch COVID-19 đang dần được kiểm soát, người người được ra ngoài nhiều hơn, nên họ cũng bắt đầu bớt mua bán cây lại. Điều này có lợi cho mình vì giá cây giảm, mình mua được nhiều loại cây đẹp giá rẻ hơn.
Nhưng ở lúc đỉnh điểm sốt cây, tầm này năm ngoái, mọi người lao tranh mua cây, giá cả leo thang chóng mặt vì ai cũng sợ mất phần. Đất nước nào thì cũng vậy. Mình có bạn bên Châu Âu, Mỹ và Úc, thị trường kiểng lá một năm qua khá giống nhau. Cứ khuyên nhau bình tĩnh yên tâm chờ đợi thôi. Vòng lặp đi lên lại đi xuống, ai trụ lâu được thì sẽ tồn tại, ai chạy theo cơn lốc thì cũng chóng tàn.

Việt Đàm chụp ảnh trong một tiệm kiểng lá tại Anh.
Hôm trước Việt Đàm có chia sẻ với mình là thấy giá kiểng lá ở Việt Nam còn cao hơn bên Anh, cái đó là thật à?
Thật chứ. Tầm này năm ngoái khi cây sốt giá bên này, nhìn về Việt Nam thấy mà ham vì giá rẻ quá. Giờ thì cứ là xin chạy dài!
Hiện tại, mặt bằng chung nếu bỏ qua các loại cây thông dụng giá tiền ở mức một vài đến vài chục Bảng và các loại cây siêu hiếm giá ở mức vài nghìn Bảng một lá, phần lớn cây lá được săn đón dao động từ mức 80 đến 800 bảng (tầm 2,5 triệu đến 25 triệu).
Vậy là vẫn còn khá đắt so với khi mình mới chơi và chúng cũng đang trên đà đi xuống nên có thể trong nửa năm tới, sự chênh lệch với Việt Nam chắc lại càng kinh khủng hơn!

Góc làm việc của chàng kiến trúc sư cũng thật đặc biệt theo một cách rất riêng.
Ngoài kia người ta rao bán kiểng lá nào là vài chục nghìn/lá, có khi vài trăm triệu/lá hay cả tỷ đồng/chậu. Vậy theo Việt Đàm, làm thế nào để “định giá” một cách chính xác giá trị của chúng?
Định giá cây có khá nhiều thước đo, tiên quyết nhất vẫn là nhu cầu chung của thị trường. Điều này được quyết định dựa trên hai yếu tố chính: độ hiếm quý và độ đẹp của cây.
Độ hiếm quý cũng chia ra làm hai nhóm, hiếm “thương mại” (ít cây trên thị trường) và hiếm “tự nhiên” (ít cây trong tự nhiên). Phần lớn khi nói về độ hiếm, người chơi cây ám chỉ hiếm thương mại, tức là cây này có sẵn hay dễ để mua được hay không, và điều này được quyết định bởi nguồn cung là các nhà vườn và các nhà sưu tầm tư nhân. Có một điều ít ai biết, là cũng tương tự với thị trường kim cương, phần lớn các nhà vườn quy mô lớn và các tay bán cây có nghề sẽ giữ cây lại, bán nhỏ giọt theo đợt, để giữ cho giá của cây luôn cao và thế là những câu chuyện truyền miệng về độ hiếm quý của một vài loài cây luôn được tiếp tục lan tràn.
Độ đẹp thì tất nhiên là theo đánh giá chủ quan, nhưng nó được ảnh hưởng rất lớn bởi các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Instagram, Youtube, và Pinterest. Người chơi cây thông thường và KOL chia sẻ những hình ảnh cây và không gian sống đẹp lung linh, thì ai mà chẳng xiêu lòng để lao đi tìm mua. Mà thời COVID-19, chỗ này đóng chỗ kia cấm, có đi đâu mua được đâu, cứ ngồi online mà tìm thôi – và thế là giá cả cứ tăng lên vùn vụt, vượt tầm kiểm soát, vì đã ai kịp quản lý thị trường cây online. Thực tế, với cá nhân mình, đến 50% số cây nhìn long lanh trên ảnh, ra ngoài đời không được như thế – và ngược lại.
Yếu tố đột biến (var, variegation) cũng là một phần của độ đẹp. “Đột biến” là một từ hơi nhạy cảm trong thời điểm hiện tại, nhưng nó chỉ đơn giản là cây lá có những vệt, đốm, hoặc mảng màu loang lổ. Điều này có thể xảy ra tự nhiên hoặc nhờ can thiệp gen nhân tạo. Đột biến cũng có nhiều loại, đột biến trắng, xanh non, vàng, hồng v.v. và nếu là đột biến tự nhiên thì không thể dự đoán trước được chiếc lá mới sẽ có hoa văn đột biến như thế nào, và đó là yếu tố cực kỳ cuốn hút của chúng.
Tuy nhiên, sự đột biến không quyết định giá cây, vì có rất nhiều loại cây lá đột biến rất rẻ – nên quan trọng vẫn là cây gì. Nhưng người trồng và bán cây rất thông minh, họ chọn một vài hoa văn đột biến đẹp và đặt tên rất kêu để thu hút người mua và tăng giá. Ví dụ, trên cây Monstera (Trầu bà lá xẻ) đột biến trắng, một chiếc lá trắng toàn bộ họ gọi là “full moon” (trăng tròn), trắng một nửa gọi là “half moon” (trăng khuyết), loang lổ là “marbled” (cẩm thạch), đốm trắng sữa là “Thai Constellation” (chòm sao Thái lan), hoặc đốm xanh phấn là “mint” (xanh bạc hà). Mỗi loại lại có một mức giá riêng.
Về cá nhân Việt Đàm thì thấy môn này ở Việt Nam và ở bên Anh có điểm chung hay khác nhau như thế nào?
Về thời tiết và khí hậu thì khác nhau rõ ràng giữa hai nơi rồi nhé. Về kỹ thuật chăm sóc và nuôi trồng, hai bên cũng khác nhau, tuy học hỏi lẫn nhau nhiều.
Về thị trường, cá nhân mình thấy thì thị trường nào, đất nước nào cũng vậy. Người chơi cây cũng chia ra làm năm bảy loại, phi lợi nhuận cũng có, vì muốn kiếm lời cũng nhiều. Người chơi cây vì yêu thích cái đẹp, người muốn sưu tầm vì sự đa dạng, người theo đuổi vì đam mê thực vật học và các nghiên cứu, thí nghiệm mang tính khoa học, lại cũng có những người chơi chỉ vì phong trào, người chơi chỉ để săn cây hiếm, hoặc người mua qua bán lại kiếm lời.
Thực ra thì người chơi cây nào cũng có thể là một vài dạng nêu trên, hoặc tiến hóa từ một dạng này sang dạng khác, rất khó để nói xem cái nào là chân chính. Nhưng có hai điểm chung chắc chắn là xấu và đáng lên án ở tất cả các cộng đồng chơi cây, đó là việc khai thác cây rừng/cây hoang dã trái phép, không bền vững để bán lại cho những kẻ săn cây hiếm và việc “flipping”, tức là mua đi bán lại với mức độn giá khổng lồ trong một thời gian ngắn (như với bất động sản), hoặc mua cây to về cắt nhỏ ra để bán cho nhiều người muốn tự ươm trồng. Hai điều này ảnh hưởng nghiêm trọng và tiêu cực một cách trực tiếp lên môi trường, hệ sinh thái và thảm thực vật tại các nước nhiệt đới, đồng thời thúc đẩy bão giá ảo leo thang ở thị trường tiêu thụ.

Tiềm năng phát triển của nó liệu có lâu không?
Với tất cả những điều kể trên, hiện tại thị trường cây kiểng lá ở UK và các nước phương Tây khá bão hòa và “bong bóng” có nguy cơ nổ hoặc xẹp. Nhưng như thế không có nghĩa là chúng sẽ xẹp luôn, chỉ là sẽ bình ổn lại. Trước đây, các nước châu Âu như Bỉ, Hà Lan là nguồn cung cấp cây chính cho UK, nhưng Brexit đã xóa sổ điều đó. Mình thấy rất nhiều shop và cá nhân bán cây nổi lên để nhập mua cây từ châu Á hay châu Mỹ về bán, điều này ảnh hưởng trực tiếp tới nguồn cung ở các nước này và thúc đẩy các chủ vườn làm những điều không đàng hoàng để có đủ lượng cung cấp, hoặc họ độn giá lên.
Điều này chắc chắn là không bền vững và mình có thể thấy trước thị trường kiểng lá ở Việt Nam, nếu không được kiềm hãm và điều tiết thì cũng sẽ đi theo vết xe đổ, với sự bất lợi hơn là chủ vườn ở Thái lan hay Indonesia sẽ ưu tiên cho khách hàng mua sỉ từ châu Âu, thay vì Việt Nam, vì họ bán được giá cao hơn.
Xin cám ơn Việt Đàm vì những chia sẻ rất thú vị và bổ ích từ bạn.