Mới đây, vụ việc một công nhân ở TP Nha Trang, Khánh Hòa ra đường mua bánh mì bị mời về trụ sở làm việc. Tại đây, cán bộ cho rằng việc công nhân này ra ngoài mua bánh mì trong giai đoạn này là không cần thiết.
‘Bánh mì đâu phải lương thực, thực phẩm. Lương thực là gạo, rau củ, muối cá, thịt… nhũng cái thức ăn. Bánh mì là món ăn luôn rồi! Từ ngữ lương thực không phải vậy. Em lên google search ra mới hiểu được’ – vị cán bộ nói.
Đoạn clip nhanh chóng được chia sẻ và nhận về nhiều bình luận trái chiều của dân mạng.
Anh công nhân bị mời về trụ sở làm việc vì ra đường mua bánh mì
Lương thực, thực phẩm là cụm từ khá quen thuộc được sử dụng hàng ngày. Tuy nhiên, không phải ai cũng nắm rõ tườm tận về định nghĩa của 2 khái niệm này. Điều đó dẫn đến việc nhận định sai về một số món ăn thường ngày, như câu hỏi gần đây đang được dân mạng đặt ra, bánh mì có phải thực phẩm hay không?
1. Định nghĩa lương thực, thực phẩm một cách dễ hiểu nhất
Lương thực (cây lương thực) là nguồn cung cấp thức ăn cho gia súc, gia cầm và cả con người. Lương thực được tạo ra từ nông nghiệp, cây lúa hay các loại thực vật nói chung.
Trong tiếng Việt ngày nay, cây lương thực được dùng để chỉ toàn bộ nhóm cây lương thực có hạt và nhóm cây củ có bột. Bốn loại cây lương thực chính của Việt Nam là lúa, ngô, sắn và khoai lang.
Ví dụ cụ thể về lương thực: Ngô (bắp), lúa nước, lúa mì, sắn, khoai lang.
Lúa là một trong những cây lương thực quan trọng của nước ta
Thực phẩm hay dễ hiểu hơn là thức ăn. Thực phẩm là bất kỳ vật phẩm nào, bao gồm chủ yếu các chất cơ bản mà con người có thể nạp vào cơ thể như chất bột, chất béo, chất đạm, khoáng chất, hoặc nước.
Các loại thực phẩm được chia theo nguồn gốc như: thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật, thực phẩm có nguồn gốc từ động vật, vi sinh vật hay các sản phẩm chế biến từ phương pháp lên men như rượu, bia.
Ví dụ cụ thể về thực phẩm: Thịt, cá, trứng, gà, vịt, tôm, cua,…
Rau củ quả, đồ tươi sống chưa hoặc đã qua chế biến đều được xem là thực phẩm
Như vậy, có thể thấy thực phẩm một phạm trù rất rộng lớn trong việc ăn uống của con người, còn lương thực là một phạm trù nhỏ hơn, cụ thể hơn so với thực phẩm.
2. Bánh mì có phải là thực phẩm hay không?
Sau khi có được định nghĩa về lương thực và thực phẩm, nhiều người đi tìm câu trả lời cho việc bánh mì có phải là thực phẩm hay không.
Bánh mì là một loại thực phẩm lâu đời và phổ biến tại nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Bánh mì được chế biến từ bột mì hoặc từ ngũ cốc được nghiền ra trộn với nước, thường là bằng cách nướng.
Bánh mì là thực phẩm phổ biến tại Việt Nam và nhiều quốc gia trên thế giới
Bánh mì có thể ăn không hoặc kết hợp với các thực phẩm khác làm nhân bánh mì, để tạo nên một món ăn phù hợp với khẩu vị người dùng.
Tại Việt Nam, bánh mì được xem là đặc sản. Không chỉ biến tấu, sáng tạo thêm nhân bánh sao cho ngon và đẹp mắt, bánh mì còn được ăn chung với các món nước như bò kho.
Như vậy, bánh mì là một loại thực phẩm và chúng khá phổ biến trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta.