Asia Artist Awards (AAA) vốn là một lễ trao giải thường niên tầm cỡ châu Á và trở thành một hiện tượng rầm rộ 4 năm trở lại đây vì quy mô khủng, mỗi lần tổ chức đều như muốn “bê” cả nửa làng giải trí Hàn lên thảm đỏ. Năm nay, AAA được tổ chức ở Việt Nam trong sự mong chờ của hàng nghìn người hâm mộ Kpop nói riêng và làn sóng Hallyu nói chung.
Tuy nhiên ngay từ những ngày đầu cho đến những phút cuối cùng của chương trình, lễ trao giải này lại có quá nhiều vết sạn trong khâu tổ chức, để lại nhiều cảm xúc từ bàng hoàng, phẫn nộ cho đến bất bình trong lòng truyền thông và công chúng. Căng thẳng hơn nữa, sau một lễ trao giải tầm cỡ như thế này, không chỉ fan Việt mà cả giới truyền thông, fan quốc tế cũng đồng loạt gọi đây là lễ trao giải thảm họa. Sau một lễ trao giải lớn như thế này lại là những góc khuất mà không phải ai cũng tỏ nếu chỉ ngồi ở hàng ghế khán giả nhìn xuống sân khấu rực rỡ quy tụ hơn 100 sao Hàn quyền lực và nổi tiếng.
Số lượng giải cũng nhiều đến mức khó hiểu, thiếu minh bạch trong khâu bình chọn đến mức loạt nghệ sĩ Việt tẩy chay
Lễ trao giải hay lễ… chia giải?
Đầu tiên phải nói đến quy mô của AAA. Đây là lễ trao giải được tổ chức thường niên nhưng vẫn còn mới, đến nay “tuổi đời” mới được 4 năm. Tuy nhiên AAA lại được cả châu Á chú ý vì mỗi năm đều mời đến cả “quân đoàn” nghệ sĩ toàn cái tên khủng như Yoona, Ji Chang Wook, Park Min Young, BTS, BLACKPINK, TWICE, GOT7, Super Junior… tới dự. Trên thực tế, tỉ lệ thuận với số lượng khủng sao tham gia là số lượng lớn những hạng mục giải thưởng, chưa kể mỗi năm tổ chức lại “đẻ” ra thêm các hạng mục giải thưởng khác tuỳ theo tiêu chí tự BTC đặt ra.
Năm nay, số lượng giải thưởng đếm sơ sơ đã lên tới con số 46, trong đó có giải “Brilliant Award” (Giải lỗi lạc), “Legend Award” (Giải huyền thoại) và tận 4 giải Daesang (giải thưởng danh giá nhất). Trong 46 hạng mục, giải “Best Star Award” (Ngôi sao xuất sắc nhất), “Asia Star Award” (Ngôi sao châu Á xuất sắc nhất) và “Best Artist Award” (Nghệ sĩ xuất sắc nhất) liệu có gì khác nhau? Đáng nói, tất cả nghệ sĩ đến dự đều có giải, AAA còn thêm cả hạng mục khiến không chỉ khán giả mà chính người đọc tên giải cũng phải phì cười – giải AAA X Dongnam Media & FPT Polytechnic Popularity.
BTS vốn là nhóm nhạc toàn cầu với thành tựu vượt bậc về cả thành tích nhạc số và kỷ lục trên nền tảng mạng xã hội, nhưng họ lại chẳng nhận được giải gì và còn bị AAA réo gọi từ những ngày đầu tổ chức để câu view.
Thiếu minh bạch trong khâu bình chọn, mời nghệ sĩ
Số lượng giải lớn đồng nghĩa với việc fan phải bỏ ra số tiền không nhỏ để bình chọn cho idol nhà mình. Vấn đề cũng bắt đầu nảy sinh từ đây. Nếu như năm 2018, AAA khiến fan bức xúc vì thiếu minh bạch trong lượng bình chọn của Yoona và EXO, thì năm nay lễ trao giải này cũng bị đồng loạt sao Việt tẩy chay vì vấn đề tương tự. Được biết, Sơn Tùng M-TP đã rút tên khỏi giải thưởng Asia Artist Awards 2019 với lí do “Vì nam ca sĩ không xác nhận tham gia hạng mục bình chọn của chương trình” theo lời BTC. Chưa dừng lại ở đó, BTC tiếp tục “châm dầu vào lửa” khi đưa cái tên Jack và K-ICM vào trong hạng mục đề cử mà không hề báo trước.
Sau đó, dàn sao Việt đình đám như Soobin Hoàng Sơn, Tóc Tiên, Gin Tuấn Kiệt, Erik đều đồng loạt xác nhận không tham gia chương trình. Erik từ chối dự AAA năm nay vì không nỡ để fan bỏ ra số tiền quá lớn để bình chọn. Chính fan của nhóm nhạc toàn cầu BTS cũng phải ngán ngẩm vì chi phí vote quá đắt, có người tính ra phải bỏ ra hơn 100.000 won (gần 2 triệu đồng) nếu họ vote trong vòng hơn 1 tháng. Trong khi đó nhiều fan cũng cho rằng, việc BTC không đưa ra một tiêu chí cụ thể nào trong vòng bình chọn và đưa 2 cái tên Jack và K-ICM mà không hề thông báo trước có thể là một trong số những nguyên nhân dẫn đến quyết định của Tóc Tiên, Soobin Hoàng Sơn, Gin Tuấn Kiệt.
Tổ chức thiếu chuyên nghiệp: Đằng sau sân khấu khủng, siêu thảm đỏ là hình ảnh láo nháo như chợ vỡ
Vấn đề lớn nhất và cũng gây tranh cãi nhất của AAA 2019 đó chính là khâu tổ chức thiếu chuyên nghiệp. Từ vấn đề hạng mục giải thưởng cho đến phân bố vị trí sân khấu, giờ giấc lộn xộn, an ninh lỏng lẻo… đã biến một lễ trao giải tầm cỡ châu Á thành thảm họa như cách nói của các đơn vị truyền thông, báo chí và người hâm mộ.
Vén màn siêu thảm đỏ
Thảm đỏ năm nay được BTC sắp xếp ở vị trí ngay sau sân khấu, tuy nhiên đây là vị trí đã được thay đổi ở ngay những phút chót của chương trình. Theo ghi nhận của phóng viên tác nghiệp và cả fan Super Junior, BTC không có hướng dẫn cụ thể nào về vị trí thảm đỏ. Fan và phóng viên đều phải tự đi tìm vị trí, nhiều fan đi lạc và đã không được xem thần tượng xuất hiện trên thảm đỏ dù bỏ ra số tiền 4-5 triệu.
Ngoài ra, theo lịch được thông báo từ đầu, thảm đỏ sẽ chính thức diễn ra vào lúc 5h chiều và 7h bắt đầu lễ trao giải. Tuy nhiên đến đúng 5h, thảm đỏ vẫn chưa diễn ra và lúc này đây cả an ninh và các đơn vị kỹ thuật, BTC vẫn không thể trả lời câu hỏi của fan về giờ giấc cụ thể. Đến 6h tối, fan mới được biết rằng lễ trao giải bị lùi giờ thành 6h30 cho thảm đỏ, 7h cho show diễn.
Chưa dừng lại ở đó, hàng chục ngôi sao Hàn lên thảm đỏ nhưng BTC chỉ bố trí 1 MC lên đọc tên một cách cụt lủn như điểm danh, nghệ sĩ chỉ được tạo dáng vài giây rồi đi xuống. Đáng nói, đằng sau những hình ảnh đẹp đẽ của dàn sao trên thảm đỏ là một khung cảnh náo loạn. Khu vực fan xếp hàng xem idol trông không khác gì chợ vỡ. Phông bạt thảm đỏ được dựng sơ sài như hội chợ, liệu có đáng với đẳng cấp của một lễ trao giải tầm cỡ châu Á?
Cảnh fan xô đẩy rào chắn, đẩy cả bảo vệ để lấy chỗ trên thảm đỏ AAA 2019.
Chưa hết, thảm đỏ được diễn ra vào lúc 6h30 tối và ngay khi dàn nghệ sĩ đang mải mê tạo dáng, chương trình lễ trao giải đã đột ngột bắt đầu. Đây là lúc phóng viên tác nghiệp trên thảm đỏ cùng đám đông fan ngỡ ngàng vì không biết chuyện gì đang xảy ra. Đám đông người hâm mộ bắt đầu láo nháo, xô đẩy chạy về phía sân khấu chính nhưng đã bỏ lỡ mất phần trình diễn đầu tiên “ICY” của ITZY.
Từ khu vực thảm đỏ đến sân khấu chỉ có 1 lối đi duy nhất nhưng không có hướng dẫn cụ thể, cả fan và phóng viên đứng hoà vào dòng người, khu vực phân bổ không rõ ràng. Theo ghi nhận từ phóng viên hiện trường, cả bảo vệ và người đeo thẻ BTC đều không trả lời được câu hỏi: “Khu vực báo chí tác nghiệp ở đâu?”, “Fan phải đi lối nào từ thảm đỏ để vào khu vực của mình?”…
Nghi vấn nghệ sĩ bị tiếp đãi tạm bợ, phân biệt đối xử sao Việt
Vốn là giải thưởng tầm cỡ châu lục và mời đến dàn sao hoành tráng, nhưng chất lượng đãi ngộ của AAA dành cho nghệ sĩ lại ngày càng thụt lùi theo thời gian. Nếu 2 năm đầu, nghệ sĩ được dành vị trí ngồi ghế nhà hát, sau đó đến bàn tròn thì đến 2 năm trở lại đây, những chiếc ghế sang trọng cho dàn sao ngồi dự lễ trao giải suốt 3-4 tiếng đã bị đổi thành ghế cứng không khác gì ghế chờ ở cánh gà. Năm nay, khu vực nghệ sĩ ngồi cũng rất nguy hiểm vì bố trí ngay gần khu vực fan đứng để xem thảm đỏ.
Ghế ngồi cho nghệ sĩ ở AAA ngày càng xuống cấp
AAA còn khiến cộng đồng fan phẫn nộ khi sắp xếp vị trí của 3 nghệ sĩ Việt hiếm hoi tham dự lễ trao giải ở góc trong cùng bên phải. Hình ảnh Bảo Thanh, Quốc Trường và Bích Phương ngồi ở góc, không được MC quan tâm đã làm dấy lên làn sóng tranh cãi lớn trên mạng xã hội.
An ninh lỏng lẻo, thiếu chuyên nghiệp: Fan cùng phóng viên đứng hòa vào dòng người, vị trí lộn xộn, fan bị bảo vệ hành hùng và sự cố “vô duyên” nhất lễ trao giải
Lễ trao giải thu hút 20.000 khán giả đến xem chắc chắn phải đòi hỏi xử lý kỹ về khâu an ninh, bảo vệ. Tuy nhiên, AAA lại không đảm bảo được yếu tố an toàn, ổn định cho toàn bộ chương trình năm nay. Điều này thể hiện rõ ở những “cú phốt” đồng loạt xuất hiện sau khi AAA kết thúc.
AAA 2019 được tổ chức quy mô như một concert kết hợp với lễ trao giải, vị trí của fan được chia thành nhiều Zone (khu vực) khác nhau tuỳ theo giá vé. Không ít người đã phải bỏ ra số tiền 4,8-5,5 triệu để được thấy idol cả trên thảm đỏ và trong lễ trao giải tại vị trí gần nhất. Nhưng cũng vì an ninh lỏng lẻo, fan mua vé ở các Zone rìa ngoài vẫn có thể chạy vào khu vực SVIP để xem idol đi thảm đỏ, fan từ SVIP xem thảm đỏ có thể chạy tán loạn vào các khu vực báo chí tác nghiệp được ngăn cách giữa các Zone và thậm chí đeo thẻ media. Fan có thể chưa có ý thức nhưng nếu BTC bố trí chặt chẽ và hợp lý, tình trạng này đã không diễn ra.
Lễ trao giải được chia khu vực như concert, khu vực tuỳ theo giá vé
Nhưng trên thực tế, tình hình tại các khu vực vô cùng láo nháo, lộn xộn. Báo chí, truyền thông không có chỗ đứng vì fan chen hết vào khu vực giữa vốn là media zone
Đến nửa chương trình, rất nhiều fan và người dân không hiểu từ đâu ra, đi vào khu vực giữa của báo chí, che cả tầm nhìn của các bạn fan bỏ ra số tiền 4-5 triệu để đứng gần sân khấu
Cũng vì khâu an ninh lỏng lẻo, hàng chục nghìn khán giả hôm qua đã phải chứng kiến sự cố “vô duyên” nhất lịch sử các lễ trao giải Hàn Quốc. Ngay khi Quốc Trường lên sân khấu nhận giải, một người đàn ông bỗng lao lên sân khấu, giơ điện thoại thản nhiên selfie với nam diễn viên. Đại diện đơn vị tổ chức AAA khẳng định đây là thành viên ekip Hàn Quốc, vì hâm mộ “Về nhà đi con” nên mới có hành động gây tranh cãi. Tuy nhiên sau đó netizen đã tìm ra và xác nhận người đàn ông này là người Việt Nam.
Một vấn đề khác trong vấn đề an ninh xuất hiện trước giờ G, đó là một hàng dài người hâm mộ ở khu SVIP (khu xem được thảm đỏ) bị BTC xoay như chong chóng, chặn ngoài cửa và thậm chí còn bị bảo vệ hành hung đến mức bầm tím chân tay. Bạn V.B.T – một fan Super Junior lâu năm – bức xúc chia sẻ: “Mọi người bị đội bảo vệ và BTC xoay đến mức chạy đi chạy lại qua các cổng đến 2-3 lần. Sau đó vì em bức quá nên đã hô to, chính vì vậy mà đội bảo vệ mới ghét và lôi em lên đánh. Khoảng 3-4 người túm cổ em, đè em ra đường và bắt đầu đánh. Giờ trên tay em vẫn còn vết sẹo, bầm tím vì bị đè ra đường. Chưa hết, lúc họ mở cổng đi vào, có 2 nhân viên bảo vệ còn đá vào người em”.
1001 cú “phốt”, 2 bên BTC Hàn-Việt đổ lỗi cho nhau, vậy ai là chịu trách nhiệm?
Chương trình nào cũng có “phốt”, đây là điều không thể tránh khỏi vì nhiều yếu tố tác động, tuy nhiên một lễ trao giải khiến cả khán giả trong và ngoài nước la ó vì có đến 1001 lời chê bai, hàng chục lỗi bị soi ra thì có lẽ là hiếm hoi. Đáng nói khi fan hay báo chí liên hệ để thắc mắc về các vấn đề lùm xùm, BTC và ekip Hàn đều đổ lỗi liên tiếp cho nhau, tố nhau trên mạng xã hội, khiến fan càng thêm hoang mang.
Lùm xùm thảm đỏ, số lượng ca khúc trình diễn trong chương trình, phiên dịch
Một tài khoản tên tiếng Hàn làm việc cùng Starnews – đơn vị truyền thông Hàn Quốc đồng tổ chức chương trình – tố phía BTC Việt Nam muốn cắt thảm đỏ để làm chỗ trao cúp, tự ý thay đổi kịch bản từ 1 nhóm hát 3 thành 2 bài, phiên dịch của chương trình tự về chứ không có chuyện ekip Hàn Quốc yêu cầu.
Đáp lại nghi vấn này, bà Hồng Nhung – Tổng giám đốc đơn vị BTC AAA 2019 cương quyết phủ nhận và sẵn sàng đối chất với tài khoản trên. Riêng về việc thay đổi tiết mục trong đêm diễn, bà Hồng Nhung cũng đổ lỗi cho ekip Hàn: “Đó là kịch bản do bên Hàn Quốc cung cấp, chúng tôi không thể can thiệp. Bên ghi hình cũng không hề can thiệp, thậm chí họ chỉ cung cấp thiết bị còn toàn bộ ekip quay đều là người Hàn. Bên Hàn đưa danh sách bài hát, nhiều tên không chính xác nên ekip phải chủ động làm lại”.
Đáp lại lời tố cáo của tài khoản tiếng Hàn, phiên dịch Hà Mạnh Trung lại lên tiếng giải thích: “Thật ra là BTC Việt đã bố trí cho tôi làm phiên dịch live trên sân khấu từ cách đây cả tuần. Tuy nhiên thời lượng vốn dĩ rất dài, gần 5 tiếng. Hôm qua, phía Hàn báo lại nếu phiên dịch trên sân khấu thì thành 10 tiếng, không thể đủ thời gian. Vậy nên tôi chỉ dịch ở phía sau sân khấu”. Nhưng trên thực tế, cả chương trình dài 4 tiếng không hề có một dòng phiên dịch nào, chỉ vài phần phát biểu sẵn của nghệ sĩ được chạy trên màn hình theo thứ tự lộn xộn. Fan chỉ biết ngơ ngác vì không hiểu các nghệ sĩ nước ngoài nói gì.
Ồn ào bảo vệ đánh fan, lỗi ở CTV?
ELF hiện giờ có lẽ chưa hết bức xúc vì ồn ào bảo vệ đánh fan bầm dập, nhưng câu trả lời của đại diện Đông Nam Media lại càng khiến họ phẫn nộ hơn. Đáp lại vấn đề này, BTC giải thích: “Chúng tôi biết. Nhưng các bạn bảo vệ này chỉ là CTV được thuê chưa có kinh nghiệm. Hôm qua có nhiều vấn đề bất cập lắm”.
Lùm xùm suất ăn
Ngay chiều qua, không ít fan ELF (fan SUJU) bức xúc vì quà, bánh, nước của đơn vị tài trợ – fandom SUJU bị giấu nhẹm, hình ảnh nghệ sĩ phải ăn đồ tạm bợ trước giờ diễn khiến công chúng vô cùng bức xúc. Vài tài khoản khác tự nhận là phiên dịch cho AAA tố BTC cắt cơm trưa của nhân viên Hàn, khiến họ nhịn đói.
Trước cáo buộc này, đại diện Đông Nam Media phản hồi: “Họ yêu cầu chúng tôi mua 320 suất cơm hộp theo kiểu Hàn Quốc để trưa và tối 26/11 họ ăn tại sân. Chúng tôi cung cấp theo yêu cầu, nhưng đêm 25/11 họ lại bảo không ăn cơm hộp mà phải chuẩn bị phòng tiệc cho nghệ sĩ ăn kiểu buffet tại sân. Làm sao chúng tôi chuẩn bị kịp phòng và cung cấp kịp đồ ăn cho hàng trăm con người chỉ trong ít giờ như thế được”.
Câu hỏi được đặt ra lúc này là, ai chịu trách nhiệm về loạt sự cố này? Chưa biết ai sẽ đứng ra nhận lỗi, tuy nhiên người chịu thiệt và tổn thương nhất sau lễ trao giải chính là người hâm mộ, khán giả – những người bỏ ra số tiền không nhỏ để được tham gia một lễ trao giải vốn được gọi là tầm cỡ châu lục.