Phát biểu kết luận tại cuộc họp của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 thành phố Hà Nội, Chủ tịch Nguyễn Đức chung nhận định con đường chống dịch phía trước của thành phố còn rất gian nan.
Trước đây, nguồn lây ở giai đoạn 1 chỉ xác định từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, nhưng theo ông Chung, hiện nay ta phải đối mặt với nguồn lây nhiễm từ rất nhiều nước. ‘Nguy cơ lây nhiễm có từ tất cả các quốc gia, chỉ cần lọt 1 trường hợp vào, như Bình Thuận, có thể lây nhiễm cho 9 người’, ông Chung dẫn chứng.
Ngoài ra, bắt đầu có trường hợp lây nhiễm chéo dịch Covid-19 trên địa bàn, điển hình như ca bệnh ở Bình Thuận hay nữ bệnh nhân ở Trúc Bạch.
Thông tin về các nguồn lây nhiễm trên địa bàn thành phố, ông Chung cho biết có 3 nguồn lây nhiễm.
Nguồn lây nhiễm thứ nhất chính là từ việc tiếp nhận, phân loại và xét nghiệm ngay sân bay Nội Bài. Với hành khách nhập cảnh vào đây theo đường bay quốc tế đã được kiểm soát, còn khách quá cảnh hay vào bằng đường bộ vẫn chưa được kiểm soát chặt chẽ.
Bởi vậy, ông Chung cho rằng nguồn lây nhiễm này còn có nguy cơ gia tăng, rất có thể tới đây Hà Nội sẽ có thêm 6-8 ca nhiễm mới, vì hiện đã có 6-8 trường hợp xét nghiệm dương tính lần 1 với Covid-19.
Nguồn lây nhiễm thứ hai được ông Chung nhắc đến là trong cộng đồng dân cư, khi có nhiều học sinh, sinh viên và khách du lịch vào Việt Nam từ ngày 3/3 và ở trong các khu này.
Nguồn lây nhiễm thứ ba là các cán bộ phải tiếp xúc trực tiếp với công dân diện cách ly. Dù họ có quần áo bảo hộ nhưng tỷ lệ lây nhiễm của người tiếp xúc gần và thực thi công vụ là cao nhất.
Hiện tại, Chủ tịch TP Hà Nội kêu gọi người dân hạn chế ra đường từ đây đến ngày 31/3. ‘Nếu giống như Trung Quốc, chúng ta phải chiến đấu với dịch trong khoảng 10 tuần nữa. Thời gian cao điểm của thành phố là khoảng 3-4 ngày nữa’, ông Chung dự báo.