Thời gian gần đây, nhiều vụ đánh ghen xảy ra với tính chất và quy mô phức tạp. Hậu quả là hành vi này đã gây thiệt hại cả về thể xác, lẫn tinh thần đối với đôi bên.
Tuy nhiên, không chỉ còn đơn thuần là giải quyết mâu thuẫn cá nhân, hành vi này cũng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự tùy vào mức độ nghiêm trọng gây ra cho nạn nhân của sự việc.
Xử phạt hành chính 2-3 triệu đồng
Trả lời phỏng vấn báo Thanh Niên, luật sư Hoàng Tư Lượng thuộc đoàn luật sư TP.HCM cho biết luật pháp hiện tại không có quy định dành cho khái niệm ‘đánh ghen’. Cách gọi này chỉ được sử dụng trong đời sống hôn nhân gia đình.
Vụ đánh ghen nổi tiếng những ngày gần đây trên phố Lý Nam Đế. (Ảnh: Cắt từ clip)
Luật sư Lượng cũng nói thêm rằng, hành vi ‘đánh ghen’ dẫn đến xúc phạm danh dự, nhân phẩm đối phương vẫn sẽ bị xử phạt hành chính như thường. Cụ thể, tại Khoản 1, Điều 5 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng chống tệ nạn xã hội; phòng cháy chữa cháy; phòng chống bạo lực gia đình như sau:
“Người nào có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác thì sẽ phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000-300.000 đồng”.
Ngoài ra theo quy định tại điểm E khoản 3 Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP, nếu người có hành vi đánh ghen hoặc thuê người khác đánh ghen khiến sức khỏe của người khác bị ảnh hưởng sẽ bị phạt từ 2-3 triệu đồng. Những khoản tiền khác như chi phí điều trị, phục hồi sức khỏe, tinh thần… người bị ‘đánh ghen’ cũng sẽ được bồi thường từ phía người đi ‘đánh ghen’.
Có thể bị tù chung thân
Ở mức độ nghiêm trọng hơn, hành vi ‘đánh ghen’ còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hành sự nếu gây tổn hại đến nhân phẩm, danh dự của người khác. Cụ thể, về tội làm nhục người khác, theo Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015, mức phạt sẽ từ cảnh cáo đến cải tạo không giam giữ 3 năm. Nếu có thêm các tình tiết làm tăng tội thì có thể bị phạt tù tối đa 2 năm.
Đánh ghen dẫn đến gây thương tích cho đối phương có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. (Ảnh: Cắt từ clip)
Bên cạnh đó nếu cố ý thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe cho đối phương, dựa trên mức độ nghiêm trọng mà người ‘đánh ghen’ có thể bị phạt thấp nhất là cải tạo không giam giữ, cao nhất là tù chung thân.
Cũng theo luật sư Lượng, những hành vi đánh ghen, xé quần áo, quay clip tung lên MXH… có thể được coi là hành vi làm nhục người khác. Hành động này có thể bị phạt tiền từ 10-30 triệu đồng, cải tạo không giam giữ 3 năm hoặc cao nhất là tù 5 năm.
Một cô gái ở Ba Vì bị nhiều người quây vào đánh ghen. (Ảnh: Cắt từ clip)
Nên tố giác ngoại tình thay vì đánh ghen
Xét về góc độ pháp lý, luật sư Lượng đưa ra lời khuyên nếu có đủ bằng chứng ngoại tình của vợ/chồng trong tay thì nên tố giác lên cơ quan có thẩm quyền thay vì đánh ghen. Luật sư cho biết: “Người đang có vợ hoặc chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác, chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ sẽ bị phạt hành chính từ 3-5 triệu đồng”.
Luật sư đưa ra lời khuyên nên tố giác ngoại tình khi có chứng cứ. (Ảnh:24h)
Ngoài ra nếu đã bị xử phạt hành chính mà vẫn còn tiếp tục hành vi ngoại tình dẫn đến ly hôn thì theo Điều 182 bộ luật Hình sự 2015 thì có thể bị phạt từ cảnh cáo đến 1 năm tù.
Ngoại tình là hành vi không đúng đắn khiến nhiều người khó chấp nhận được và dễ dẫn đến hành vi ngoài tầm kiểm soát khi ‘đánh ghen’. Tuy nhiên hãy chọn cách giải quyết thật đúng đắn và sáng suốt để không phải chịu trách nhiệm trước pháp luật vì những hành vi sai phạm gây ra trong quá trình ‘đánh ghen’.
Thông tin từ: Thanh Niên