“Chiến thần review” Võ Hà Linh
Xuất thân là một beauty blogger chuyên review mỹ phẩm trên YouTube, Võ Hà Linh hiện đã lấn sang sân chơi TikTok với kênh @halinhofficial sở hữu hơn 2,4 triệu người theo dõi.
Với lượng người theo dõi “khủng”, Võ Hà Linh còn sở hữu chuyên mục review quán ăn với phương châm “có sao nói đó”. Hot TikToker sinh năm 1990 không ngần ngại ghé thăm quán ăn của những người nổi tiếng và đưa ra những lời khen, chê thẳng thừng về chất lượng và trải nghiệm dịch vụ của cô nàng với quán, đặc biệt là những “tọa độ” hot, gây tranh cãi trên mạng xã hội.
Dù không thường xuyên review đồ ăn, những video ẩm thực của Võ Hà Linh vẫn sở hữu lượt xem “khủng” (Ảnh: TikTok nhân vật)
Trước khi nổi tiếng với các clip review ẩm thực trên “Tóp Tóp”, Hà Linh cũng từng thực hiện series “Ăn cả thế giới/ Hôm nay ăn gì?” trên YouTube. Tuy nhiên, cô đã tạm dừng chủ đề này một thời gian dài.
“Thánh ăn” Nờ Ô Nô
Với biệt danh “ăn đâu chê đó”, Nờ Ô Nô (còn được biết đến với tên Tuấn Brice) là cái tên không còn xa lạ với netizen mê ẩm thực. Anh chàng thường xuyên đăng tải các video trải nghiệm dịch vụ ăn uống, cũng như không ngại “chê” những điều chưa tốt tại những nơi này. Điều này khiến cho không ít người cảm thấy hết sức khó chịu với những lời góp ý “chói tai” của hot TikToker sở hữu hơn 400 ngàn lượt theo dõi.
Phần review quán gỏi tại TP.HCM khiến Tuấn Brice nhận về nhiều ý kiến không đồng tình
Những màn review “sóng gió” của Nờ Ô Nô khiến nhiều netizen khó chịu
Đỉnh điểm, trong một video gần đây, Tuấn Brice đã cho đăng tải video review về một quán gỏi nổi tiếng tại TP.HCM trong đó “bóc phốt” món gỏi đu đủ của quán ăn này có dòi. Sau đó, quán ăn đã đăng tải video đính chính đó là sâu đũa, thế nhưng Nờ Ô Nô không chấp nhận và vẫn khẳng định “sinh vật lạ” là dòi.
Hot TikToker Cô Gái Có Râu
Gắn liền với hình tượng là một người “xéo xắt” trên mạng xã hội, Cô Gái Có Râu (tên thật là Trương Thanh Tùng) là nỗi “ám ảnh” của nhiều chủ quán ăn mỗi khi anh ghé thăm. Anh cũng thường xuyên đụng độ với các hot TikToker khác trong quá khứ vì những nội dung đăng tải.
Gần đây, trong một video về trải nghiệm tại quán chè hot ở TP.HCM, chàng trai sinh năm 1995 đã đưa ra những lời đáng giá không mấy tích cực về quán. Ngay sau đó, chủ của thương hiệu chè này đã lập tức cho đăng tải clip “đáp trả”. Hiện cả hai vẫn không ngừng “ăn miếng trả miếng” qua lại trên TikTok.
Trước đó, anh chàng từng phải lên tiếng xin lỗi về “hành động thiếu suy nghĩ” (cụ thể là công khai nội dung trao đổi email với hot TikToker Long Chun), đồng thời thừa nhận cố tình làm nội dung như thế để câu like, câu view.
Loạt drama giữa nam TikToker và quán chè tại TP.HCM cũng khiến netizen “lắc đầu” vì không biết thực hư ra sao
Hệ quả là vừa qua, một quán ăn đã làm hẳn bảng hiệu với nội dung từ chối tiếp cả hai TikToker khiến netizen xôn xao. Trong bảng hiệu, quán in ảnh của 2 TikToker, đồng thời ghi rõ: “Ở đây xin phép không tiếp 2 nhân vật này”.
Có thể thấy, ảnh hưởng của các TikToker ẩm thực hiện nay khá lớn, đồng thời mối quan hệ giữa quán ăn và các reviewer cũng nhiều mâu thuẫn. Chỉ với một đoạn clip ngắn dài không tới 1 phút, một quán ăn ít người biết đến trước đó có thể trở nên nổi tiếng khắp mạng xã hội. Ngược lại, cũng chỉ với một đoạn clip ngắn mang tính chất chê bai có thể khiến cho quán ăn đó nhận “đánh giá 1 sao”.
Tuy nhiên, ranh giới giữa review “có tâm” và cố tình đánh giá tiêu cực nhằm thu hút sự ý, giúp thu hút lượt view lại khá “mong manh”. Việc cố chạy theo xu hướng chê bai, “bóc phốt” thay vì đánh giá công tâm cũng sẽ trở thành con dao hai lưỡi: Vừa đạp đổ “chén cơm” của người khác, vừa “nhấn nút tự hủy” chính uy tín và hình ảnh bản thân.