Ngày 2/8, tại nhiều địa phương ở Đồng Nai, giá gà lông trắng công nghiệp quá trọng lượng giảm kỷ lục còn 5.000 đồng/kg, còn lại dao động 7.000 – 9.000 đồng/kg. Mức giá này không bao gồm gà nuôi hợp đồng.
Ông Nguyễn Thanh Sơn – Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi gia cầm Việt Nam cho biết: “Đây là mức giá giảm thấp nhất trong 10 năm trở lại đây. Giá 1 con gà thịt hiện nay còn rẻ hơn 1 quả trứng gà ta ở miền Bắc, hơn 5.000 đồng/quả”.
Trong khi giá gà xuống thấp kỷ lục nhưng bà Phạm Thị Ngọc Hà – Giám đốc Công ty San Hà (đơn vị chiếm thị phần lớn về thịt gà tại TP.HCM) cho hay, doanh nghiệp này vẫn đang mua giá theo hợp đồng với các trang trại gà công nghiệp giá 25.000 đồng/kg, còn ở các trang trại ngoài giá hiện nay 8.000 đồng/kg. Trung bình, mỗi ngày doanh nghiệp này lỗ 1 tỷ đồng.
Nhiều trang trại thua lỗ nặng vì giá gà xuống thấp kỷ lục
Không chỉ ở Đồng Nai, tại Tây Ninh, tình trạng giá gà xuống thấp cũng đang diễn ra trên diện rộng. Tại tỉnh này, giá gà giảm mạnh chỉ còn 7.000 – 8.000 đồng/kg. Theo các công ty chăn nuôi, giá thành nuôi gà công nghiệp hiện nay ở mức 27.000 – 28.000 đồng/kg, mỗi kg bán ra (loại thường) người nuôi lỗ 20.000 đồng. Một con gà đạt chuẩn xuất chuồng (2,5kg/con) sẽ lỗ 50.000 đồng.
“Giá bán một con gà không bằng một quả bí đỏ”, ông Nguyễn Đình Xuân – Giám đốc Sở NN&PTNT Tây Ninh cho hay. Do không có chuồng để thả nuôi và khó khăn về nguồn thức ăn, nhiều hộ dân phải tiêu hủy hàng triệu con gà giống.
Ông Lê Văn Quyết, Chủ nhiệm HTX chăn nuôi công nghệ cao Long Thành Phát (chủ một chuỗi 7 trang trại chăn nuôi gà quy mô lớn ở Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu), cho biết: “Giá gà chưa biết khi nào chạm đáy, khả năng sẽ còn giảm tiếp và điều khiến người chăn nuôi lo lắng hiện nay là giá gà rất rẻ rồi mà vẫn không thể xuất bán”.
Nguyên nhân của việc gà giảm giá mạnh trong tình hình dịch bệnh diễn ra phức tạp hiện nay là bởi 70% gà lông màu chủ yếu được tiêu thụ ở chợ truyền thống và các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ. Trong khi đó, do giãn cách xã hội và để đảm bảo an toàn phòng chống dịch, nhiều chợ truyền thống đã phải đóng cửa, hoạt động có kiểm soát dẫn đến việc ùn ứ gà thịt.
Tại Tây Ninh đang tồn 1 triệu con gà, Long An tồn khoảng 2 triệu con gà, tại các tỉnh phía Nam có khoảng 60 triệu con gia cầm đến ngày xuất chuồng nhưng đang tắc đầu ra.
Về giải pháp “cứu” giá gà, ông Sơn kiến nghị: “Giải pháp hiện giờ là cho phép lò giết mổ hoạt động hết công suất để cứu giá gia cầm, giá lợn hơi. Các tỉnh cần ưu tiên tiêm vắc xin cho lao động ở các lò giết mổ, đội ngũ vận chuyển để duy trì chuỗi sản xuất, cung ứng”.
Trong khi giá gà giảm mạnh thì giá trứng gà lại tăng cao đột ngột, nhiều nơi trong tình trạng cháy hàng.
Tờ Infonet cho biết, tại Nghệ An, giá trứng gia cầm ở nhiều nơi tăng kỷ lục. Nhiều chủ trại gà ở Nghệ An cho biết, khoảng hơn tuần nay, trứng gà tăng giá mạnh, từ 2.000 đồng/quả lên 2.400 đồng/quả. Trong khi đó, những tháng trước, giá trứng gà dao động chỉ từ 1.400 – 1.700 đồng/quả. Giá trứng vịt bán sỉ tăng từ 2.400 đồng/quả lên 3.000 đồng/quả.
Hiện trứng gà và trứng vịt bán lẻ trên thị trường Nghệ An hiện có giá từ 3.500 đến 4.000 đồng/quả, nhưng nhiều nơi không có bán.
Tại một số chợ dân sinh ở Hà Nội, giá trứng gà hiện dao động từ 4.500 – 6.000 đồng/quả. Giá trứng tăng cao nhưng nhiều chợ truyền thống, siêu thị cũng không có đủ trứng để bán cho khách hàng.
Theo ước tính của Hiệp hội chăn nuôi gia cầm Việt Nam, sản lượng sản xuất trứng hằng ngày khoảng 32 – 33 triệu quả/ngày, thời điểm cao nhất là sản xuất 41 – 42 triệu quả/ngày nên trong tình hình hiện tại, nguồn cung thiếu hụt dẫn đến giá bị đội cao.
THEO DOANH NGHIỆP VÀ TIẾP THỊ