Trong buổi livestream (đăng trực tiếp video lên mạng xã hội) hôm 5/9, nữ doanh nhân Phương Hằng cho biết sẵn sàng tặng Trấn Thành 50 tỷ nếu anh sao kê đầy đủ tiền từ thiện.
Ngày 7/9, sau khi đăng 1000 trang sao kê lên trang cá nhân (facebook), Trấn Thành có đoạn viết: “Cảm ơn vị khán giả có nhã ý tặng Trấn Thành 50 tỷ nếu tôi sao kê… Nếu quý vị đã có thiện chí như vậy, hãy giúp Trấn Thành gửi vào Uỷ ban MTTQ Việt Nam TP. Hồ Chí Minh”.
Ngay sau bài đăng của Trấn Thành, nhiều người hâm mộ đã bày tỏ thắc mắc, liệu có nhận được 50 tỷ hay không?
Vì liên tiếp nhận được câu hỏi ‘50 tỷ đâu’ nên bà Phương Hằng mới đây đã lên livestream trả lời vấn đề này. Nữ đại gia tỏ thái độ vô cùng bức xúc và gay gắt, tuyên bố đừng bao giờ đòi tiền mình: “Đừng có bao giờ vô hỏi tôi 50 tỷ đâu, tự vả vô mặt mình đi, không có tự cách hỏi câu đó. Phải nghe câu chuyện có đầu có đuôi rồi muốn chửi bà Hằng cũng chưa muộn. Khi công an vào cuộc chứng minh thần tượng của chúng mày có đi lừa đảo không có lấy tiền người ta không thì tụi bây lên đập Đại Nam cũng được. Giờ tung 1 đống giấy ra rồi đòi 50 tỷ. Vô duyên. Có não không, giãn nở ra. Sao ngu gì mà ngu bất chấp vậy. Hỏi những câu vô lý không thể tưởng tượng được”.
Bà Phương Hằng livestream nhắc đến khoản tiền 50 tỷ
Bên cạnh đó, trong livestream này, bà Hằng cũng không thừa nhận hồ sơ sao kê mà Trấn Thành đưa ra là hàng thật. Bà cho rằng nam danh hài đã dùng cách để thay đổi những con số trên tờ sao kê. Tuy khẳng định chắc nịch nhưng nhiều khán giả cảm thấy những buộc tội này của nữ đại gia là vô lý và không có cơ sở nào.
Trao đổi với phóng viên, luật sư Nguyễn Thanh Hải (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) cho biết theo quy định pháp luật, doanh nhân Phương Hằng hoàn toàn có quyền không gửi số tiền như đã nói.
Bởi, theo luật sư việc thoả thuận phải có sự đồng ý, thống nhất của 2 bên, có văn bản rõ ràng. Tại thời điểm bà Phương Hằng nói trên livestream hoàn toàn không có sự thống nhất, không có văn bản rằng buộc nào của 2 bên. Do đó, bà Hằng không có trách nhiệm phải gửi tiền.
Nghệ sĩ có được quyên góp, kêu gọi từ thiện không?
Bên cạnh đó, ở khía cạnh quy định pháp luật về hoạt động từ thiện, Luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn luật sự TP. Hà Nội) cho hay, không có quy định nghệ sĩ được kêu gọi từ thiện.
Hiện hoạt động kêu gọi từ thiện vẫn đang được thực hiện theo quy định tại Nghị định 64/2008/NĐ-CP. Theo Điều 5 của nghị định này, Các tổ chức, đơn vị được tiếp nhận và phân phối tiền, hàng cứu trợ như sau:
1. Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Hội Chữ thập đỏ Việt Nam; cơ quan thông tin đại chúng của Trung ương, địa phương; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Hội Chữ thập đỏ các cấp ở địa phương.
2. Các quỹ xã hội, quỹ từ thiện quy định tại Nghị định số 148/2007/NĐ-CP ngày 25/ 9/2007 của Chính phủ về tổ chức, hoạt động của quỹ xã hội, quỹ từ thiện.
3. Các tổ chức, đơn vị ở Trung ương được Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho phép; các tổ chức, đơn vị ở địa phương được Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp tỉnh, cấp huyện cho phép.
Ngoài ra, đối với các cơ quan, tổ chức tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ của tập thể, cá nhân thuộc đơn vị mình đóng góp để cứu trợ đồng bào, các địa phương bị thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng thì thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 9 Nghị định này.
Như vậy, ngoài các tổ chức, đơn vị nêu trên, không một tổ chức, đơn vị, cá nhân nào được quyền tổ chức tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ.
Tuy nhiên, những năm gần đây rất nhiều cá nhân là những người nổi tiếng vẫn thực hiện các hoạt động kêu gọi, tiếp nhận, phân phát tiền và quà tài trợ cho đồng bào bị lũ lụt, thiên tai, khó khăn… không bị cơ quan chức năng nào ngăn cản, xử lý.
Việc tổ chức, cá nhân ngoài các tổ chức cá nhân quy định tại Nghị định nêu trên, kêu gọi quyên góp và đứng ra tiếp nhận, quản lý, phân phát tiền, quà từ thiện là các hoạt động xã hội được thực hiện theo quy định của bộ luật dân sự là Hợp đồng tặng cho tài sản và Ủy quyền thực hiện việc tặng cho tài sản.
Hoạt động này phù hợp với quy định của bộ luật dân sự và đạo đức xã hội nên được Nhà nước và nhân dân tán thành, ủng hộ, cũng đã mang lại những hiệu quả nhất định. Có lẽ vì thế hoạt động kêu gọi từ thiện của cá nhân một cách tự phát được đông đảo nhân dân ủng hộ và chính quyền các địa phương tạo điều kiện giúp đỡ.
Tuy nhiên, gần đây xuất hiện nhiều tin đồn khiến dư luận nghi ngờ liên quan đến việc trục lợi từ hoạt động từ thiện của nghệ sĩ. Bởi vậy, theo luật sư Cường đã đến lúc cần ban hành Bộ quy tắc ứng xử của các nghệ sĩ nói chung (không chỉ có Bộ quy tắc ứng xử của các nghệ sĩ trên không gian mạng) để quản lý chặt chẽ hơn nữa hoạt động phát ngôn, hoạt động từ thiện, hoạt động quảng cáo của các nghệ sĩ.
Đồng thời ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để đưa ra các quy định và chế tài đối với các nghệ sĩ vi phạm đạo đức nghề nghiệp, vi phạm pháp luật.
Đặc biệt, cần sửa đổi bổ sung kịp thời Nghị định 64/2008/NĐ-CP về kêu gọi, vận động, tiếp nhận từ thiện để mở rộng các đối tượng được phép thực hiện hoạt động kêu gọi từ thiện, tăng cường cơ chế kiểm tra giám sát hoạt động ngay để tránh những tiêu cực có thể phát sinh.