Cách đây không lâu, hoàn cảnh đáng thương của một chú bảo vệ bị quỵt lương được chia sẻ khắp các trang mạng xã hội. Được biết, người đàn ông đã ngoài lục tuần này làm việc tại một cửa hàng trên đường 3/2 (TP.HCM). Tuy nhiên vừa làm được 1 tuần thì cửa hàng đóng cửa do dịch bệnh. Công ty bảo vệ không trả lương còn giam cả CMND không đưa lại.
Sau nhiều lần đạp xe đạp lên công ty đòi lương, cuối cùng, số tiền chú nhận được là vỏn vẹn 70.000VND với câu nói “lấy thì lấy, không lấy thì thôi”. Không biết làm sao hơn, chú bảo vệ này đành nhận số tiền ít ỏi rồi tiếp tục đạp xe khắp nơi tìm chỗ làm, thế nhưng không ai chịu nhận.
Người bảo vệ già bị quỵt lương, bơ vơ không nhà cửa.
Mỗi ngày, chú đều đạp xe đi xin việc, tối thì ngủ lại dưới mái hiên cửa hàng cũ đã đóng cửa.
Không nhà không cửa, chiếc xe đạp chính là cái “nhà di động” của người đàn ông này. Chú treo trên đấy đủ thứ búa kềm, đồ đạc. Chú tâm sự “tôi không có nhà, nhà tôi là chiếc xe này, đồ tôi mang theo hết, ai nói gì thì nói bị mình nghèo, mình không có nhà nên không có mắc cỡ.”
Ban ngày rong ruổi tìm việc làm, ai cho gì ăn nấy. Buổi tối, chú lại về mái hiên trước cửa hàng cũ mình làm đã đóng cửa để ngủ. Nhìn thấy thông tin về hoàn cảnh của người bảo vệ đáng thương này trên mạng xã hội, một chàng trai nhà ở Gò Vấp đã đến giúp đỡ, đưa chú về nhà ở tạm.
Không có tiền, không việc làm, chú bảo vệ vẫn kiên trì đi xin việc, ai cho gì thì ăn nấy.
Chiếc xe đạp cũ kỹ như chiếc nhà di động, treo lủng củng đồ đạc.
Hành động của chàng trai này đã nhận được sự ủng hộ của rất nhiều người. Thời điểm dịch bệnh hoành hành, việc đón một người xa lạ về nhà, cho cái ăn chỗ ở là quyết định vô cùng khó khăn. Thế nhưng với tấm lòng thương người đáng quý, chàng trai này đã không nề hà việc giúp đỡ một người đàn ông không hề quen biết.
Người này cho biết sẽ đồng ý để người bảo vệ bị quỵt lương ở nhà mình cho đến khi hết dịch, sau đó giới thiệu cho chú việc làm để không phải phụ thuộc vào ai.
Thật may là mảnh đời khó khăn đã gặp được trái tim nhân ái.
Anh chủ nhà tốt bụng giúp chú chỗ ở để qua mùa dịch và sau mùa dịch, chú sẽ được anh chủ giới thiệu cho việc làm.
Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động do dịch bệnh là quyền của người sử dụng lao động, nhưng phải đảm bảo có căn cứ, đúng pháp luật để tránh ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.
Điều 98 Bộ luật lao động có quy định trường hợp doanh nghiệp ngừng hoạt động vì các nguyên nhân khách quan như thiên tai, dịch bệnh nguy hiểm, hoặc vì lý do kinh tế… thì tiền lương ngừng việc do hai bên thỏa thuận nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định.
Đối với trường hợp người sử dụng lao động chấm dứt hợp đồng với người lao động, điều 38 của Bộ luật lao động 2012 và điều 12 nghị định 05/2015/NĐ-CP có quy định: người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong trường hợp xảy ra thiên tai, địch họa, dịch bệnh, khi người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng vẫn buộc phải thu hẹp sản xuất, giảm chỗ làm việc.
Doanh nghiệp có thể chấm dứt hợp đồng với người lao động. Tuy nhiên, người sử dụng lao động phải tuân thủ quy định về thời gian báo trước: ít nhất 45 ngày đối với hợp đồng lao động không xác định thời hạn; ít nhất 30 ngày đối với hợp đồng lao động xác định thời hạn; ít nhất 3 ngày làm việc đối với hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng.