Trong cuộc sống, khổ cực nhất là cảm giác đi đòi nợ. Đây là điều những ai đã, đang trải qua cũng đều gật gù thừa nhận.
Rõ ràng là tiền của mình, mình cho vay và không hề phát sinh lãi lời gì cả, nhưng lúc muốn thu tiền về thì gian nan vô cùng.
Thậm chí, nếu cho bạn bè, người thân vay tiền mà ngày qua ngày, tháng qua tháng, nợ vẫn hoàn nợ, một người cứ đòi, một người dửng dưng, thì nguy cơ mất bạn, mất người thân và mất luôn cả tiền là rất cao.
Còn với cô gái này, dù không chủ động cho vay tiền mà bị công ty nợ lương không trả, thì quá trình đòi chính khoản tiền do mình làm ra vẫn gian nan vô cùng.
Cô gái có nickname T.M, là kế toán, hiện đang sống và làm việc tại Hà Nội mới đây đã lên mạng chia sẻ tình huống éo le của mình. Theo đó, T.M từng là nhân viên kế toán tại công ty in tranh rèm được một thời gian, nhưng sau đó cô chủ động xin nghỉ việc.
Điều đáng nói là, rời công ty đã gần nửa năm, cô vẫn bị nợ khoản tiền lương là 2 triệu 500 nghìn đồng. Theo khổ chủ, dù thường xuyên nhắn tin, gọi điện cho sếp cũ nhắc nợ, nhưng tin nhắn, cuộc gọi của cô luôn bị cho vào quên lãng.
Nhắn tin đòi nợ ỉ ôi như “ăn xin” ròng rã gần nửa năm, khổ chủ bức xúc khi bị bắt bẻ, hoạnh họe
“Mình dùng số mình gọi thì bị bơ, đến khi mượn điện thoại người khác gọi giám đốc cũ mới nghe máy, nhưng lại bảo bận. Mình nhắn tin đòi tiền thì anh ta nói mình nói chuyện láo, khiến anh ta khó chịu nên mới không trả.
Bức xúc quá, mình đăng bài lên đây nhờ mọi người phân xử xem mình nói thế này có gì sai, cần phải xin lỗi không” – T.M chia sẻ.
Theo loạt ảnh mà T.M đăng lên một diễn đàn mạng khá lớn, vì bị hứa hẹn lần lữa hết lần này đến lần khác, trong khi số tiền 2,5 triệu đồng là không lớn, chỉ mất vài phút chuyển khoản, T.M đã bực tức hỏi sếp cũ: “Lấy của em 2,5 triệu anh có thấy giàu lên không?”
Từ câu nói này, sếp cũ của T.M liền bắt bẻ: “Anh bảo trả mà vì bận quá, anh xin lỗi. Nhưng em nói những câu này làm anh buồn quá.
Em nói chuyện làm anh khó chịu. Trước khi hành động một việc gì, anh khuyên em nên cân nhắc về ngôn từ em ạ”
Từ khi nào, kẻ nợ tiền lại thản nhiên lên mặt “dạy dỗ” người đi đòi nợ như thế này?
Ròng rã suốt nửa năm không đòi được tiền, lại bị lên tiếng dạy dỗ, T.M cảm thấy vô cùng bất mãn: “Không đòi được từ anh ta, mình còn nhắn tin cho cả vợ anh ta nhờ nói giúp vì cô ấy cũng làm trong công ty.
Ấy vậy mà được cả vợ cả chồng, cô vợ nói mình làm chồng cô khó chịu nên mới không trả, cô không biết gì cả và tuyên bố nếu còn tiếp tục nhắn tin làm phiền cô ta, anh ta sẽ không trả tiền luôn!”
Câu chuyện sau khi chia sẻ trên mạng xã hội đã nhanh chóng nhận được sự chú ý của nhiều người. Hầu hết ý kiến đều lên tiếng bày tỏ sự bức xúc, đồng cảm với khổ chủ và chỉ trích kẻ nợ tiền.
Thậm chí, dân tình còn ngỡ ngàng khi đọc đoạn hội thoại, với cách nói chuyện ngông nghênh, trịch thượng của vợ chồng vị sếp cũ kia, nhiều người cho rằng họ không biết ai mới là người nợ tiền “khó đòi” trong tình huống trên.
Thế mới thấu, thật không gì khổ như đi đòi nợ, phải năn nỉ ỉ ôi, van nài người ta trả chính khoản tiền của mình mà vẫn bị bắt lỗi từng câu chữ, thậm chí kẻ nợ tiền còn “sửng cồ” dọa không trả mà vẫn không làm gì được thì quả thật “bó tay” rồi.
Có thể thấy dù khổ chủ đã lựa lời nói nặng nhẹ đủ cả, còn chia sẻ tình trạng khó khăn hiện tại, nhưng vẫn bị “bơ” không thương tiếc.
Quá bất lực, cô quyết định chia sẻ câu chuyện, nhờ dân mạng phân xử. Ngay lập tức, rất nhiều người vì đồng cảm với nỗi khổ đòi nợ của T.M đã nhắn tin, gọi điện “khủng bố” vào số điện thoại vị sếp cũ, hòng đòi lại công bằng cho T.M.
T.M cho hay: “Trước mình làm công ty này lương 5 triệu một tháng, nhưng có hôm vì hiểu lầm mà sếp chửi mình không thương tiếc.
Không làm gì sai lại bị anh ta mắng chửi vô lý nên mình quyết định nghỉ việc ngay hôm sau. Số tiền 2,5 triệu đồng là tiền công mình làm tháng cuối…”
Câu chuyện của nữ nhân viên phải khổ sở áp dụng đủ cách mới đòi được 2,5 triệu đồng nợ lương hiện vẫn đang được chia sẻ và lại một lần nữa khiến nhiều người ngán ngẩm.