Với những người đã đi làm, một trong những vấn đề họ quan tâm khi quyết định có gắn bó với một công ty sau cuộc phỏng vấn tuyển dụng hay không là nằm ở sự thỏa thuận mức lương. Điều này vô cùng quan trọng để cho thấy rằng công ty ấy có thực sự đưa ra mức đãi ngộ xứng đáng với năng lực và trình độ của bạn hay không.
Tuy nhiên dù với mức lương nào đi chăng nữa, nếu đơn vị tuyển dụng đã ngỏ ý nhận bạn trở thành nhân viên thì có luật bất thành văn là mức lương ấy không được tiết lộ với bên thứ ba, tức là với các nhân viên cùng cấp khác.
Tuy nhiên, không ít lần nhiều bạn trẻ phải lao đao và khổ sở vì bị làm lộ mức lương. Ngoài việc bị dè bỉu hay đánh giá của mọi người xem mình có xứng đáng với điều đã được thỏa thuận hay không thì điều này cũng sẽ tạo nên những drama, khiến các nhân viên khác tị nạnh, có sự so sánh về mức lương của nhau, gây mất đoàn kết trong môi trường làm việc chung.
Mới đây, một nữ nhân viên đã đăng đàn về những gì mình phải trải qua sau khi mức lương của mình bị lộ ra ngoài trong một cộng đồng thu hút nhiều bạn trẻ là dân văn phòng tham gia. Vì việc này mà khiến cô gái trẻ stress dẫn đến nghỉ việc dù đang trong mùa dịch Covid-19 khó khăn.
Ảnh minh họa
Nguyên văn đoạn chia sẻ như sau:
Mùa covid vừa qua, mình vừa bị mất việc, tới nay là được 2 tháng rồi. Mình bị đẩy ra không phải vì công ty khó khăn mà là vì mất lòng trưởng phòng và thân tín của trưởng phòng.
Chuyện là phòng mình là phòng digital của công ty tài chính, mình đảm nhận vị trí Trưởng bộ phận sáng tạo. Khi nhận vị trí này, mình rất vui và nghĩ là sẽ cố gắng hết mình, chừng nào đuổi mới đi. Với suy nghĩ đó, mình đã miệt mài, ngu ngơ làm việc ở đó mà không hề hay biết là mình đã bị public lương cho cả phòng ngay từ ngày mình mới deal lương xong. Và thật bất ngờ, người public lương mình không ai khác là trưởng phòng. Mình biết được chuyện này trong một lần đi ăn trưa với các bạn trong phòng, lúc đó một bạn đã vô tình nói rằng: “Lương trong phòng ai bao nhiêu đều biết hết. Như chị Q. lúc sắp vô là sếp đã thông báo lương chị cho cả phòng biết luôn rồi. Bả la to lên cho mọi người cùng nghe á”.
Lúc đó mình đứng hình, thật sự cảm giác chỉ muốn nghỉ ngay lập tức. Nhưng mình vẫn cố gắng bình tĩnh. Chiều hôm đó, canh lúc mọi người ra về hết, mình đã lân la hỏi khéo bạn phó phòng: “Ủa ở đây mọi người biết hết lương nhau hả ta?” thì mình nhận được cái gật đầu xác nhận kèm câu nói: “Đúng rồi, mọi người trong phòng biết hết lương nhau”.
Mình thật sự hoang mang. Mình chẳng biết lương của ai cả, mình cũng không hề biết cái luật đó, mình vẫn nghĩ đó là quyền cá nhân cần được tôn trọng cho tới khi chính mình bị đem ra bêu rếu.
Hôm sau, để chắc ăn, mình đã lên phòng HR gặp lần lượt 2 bạn HR (1 bạn tuyển dụng mình và 1 bạn làm hợp đồng cho mình) để xác nhận lại lần nữa. Nếu quả thật công ty có quy định đó thì mình tuân theo và im lặng làm việc, nhưng nếu không thì phải báo cáo cho ra lẽ. Kết quả, cả 2 bạn HR đều ngạc nhiên đến mức hỏi đi hỏi lại rằng mình chắc chưa, mình nghe thông tin từ đâu. Bạn HR làm Hợp đồng cho mình còn bảo rằng: “Chuyện lương là công ty quy định không được làm lộ, tụi em giấu gần chết mà nay nghe chị báo em cũng không biết nói sao”.
Sau hôm đó, có lẽ HR có làm việc lại với trưởng phòng nên mình trở thành con ghẻ quốc dân của trưởng phòng và các cận thần.
Khi drama lộ lương nổ ra, các drama khác được đà bùng cháy. Từ phòng chat bí mật của trưởng phòng với các cận thần, đến phòng chat lẻ 1 (nghĩa là phòng đó có đủ người, trừ một người không được tham gia và có rất nhiều phòng như vậy. Lí do là gì hẳn ai cũng hiểu).
Ngày qua ngày sống trong drama mà chính mình cũng không biết mình có bị nêu tên hay không, đi làm thì thường xuyên bắt gặp ánh mắt dò xét với lời xì xầm mà không hiểu tại sao, cùng việc bị ghẻ lạnh do nổ phát súng đầu tiên làm kinh động mặt hồ đang giả vờ yên ả, mình cuối cùng cũng chịu không nổi mà nghỉ khi đang đỉnh điểm mùa covid. Mình biết là mình sẽ chết đói, nhưng lòng tự trọng của mình không cho phép mình ở lại nữa. Đến đây cũng gần 2 tháng, chắc mình sẽ trả nhà rồi khăn gói về quê sớm vì mình cũng sắp hết khả năng trụ lại rồi.
Ở phần bình luận, nhiều tài khoản cho rằng, cô gái trẻ đã may mắn thoát khỏi một môi trường làm việc thiếu sự tôn trọng dành cho nhân viên và khiến mình cảm thấy áp lực.
Bạn T.B tâm sự: Cố lên bạn à, mình cũng từng như vậy, bị tẩy chay miệt thị, đi làm nhưng không có quen biết nên họ hạch sách coi khinh lắm, sau 3 năm mình đã bỏ việc, nghĩ lại vẫn tức, ở những môi trường như vậy thì nên ra đi ko stress mà bệnh mất!
Bạn L.M.C.M lại chia sẻ: Làm việc mà dằn vặt kiểu này, thì thôi kết thúc sớm. Chúc bạn mau chóng tìm được việc làm mới nhé.
Bạn T.T.S.N cho biết: Mình thấy việc public lương cũng bình thường, nếu như tất cả mọi người đều được public. Còn chính sách bảo mật lương thì phải bảo mật lương chứ. Cảm giác được nói lương bảo mật mà cuối cùng cả thiên hạ biết nó rất ba chấm các bác ạ.
Có thể thấy, khi đi làm vốn sẽ xảy ra 1001 câu chuyện khiến dân công sở đau đầu ngoài những mớ công việc chất đống. Một trong số đó là về vấn đề lương lậu khiến không ít người gặp tình huống dở khóc dở cười như nữ chính của câu chuyện trên. Nếu được nhận vào làm ở một công ty với mức lương cao đến đâu, nhưng gặp những đồng nghiệp hay soi mói, tụm năm tụm bảy để bàn luận về mình như thế này thì chẳng ai có thể chịu đựng nổi. Tốt nhất là hãy sử dụng những khả năng mà mình có tìm đến một doanh nghiệp tốt hơn và nhất là có được văn hóa doanh nghiệp thực sự khiến mình an tâm để làm việc.