Ngày nay, không khó để bắt gặp những ‘gương điển hình’ khi lướt đọc tin tức, đó là những bạn trẻ thành công từ rất sớm: 19 tuổi kiếm hàng chục triệu mỗi ngày, chưa đến 25 tuổi là chủ sở hữu của một chuỗi start-up có tiếng, được phong hàm giáo sư khi chưa tròn 30, thông thạo mười mấy thứ tiếng, giảng dạy tại đại học hàng đầu…
Và mỗi năm, Forbes 30 lại liên tục cập nhật những cái tên mới. Họ có tài giỏi không? Tất nhiên là có! Chúng ta có cần phấn đấu để được như họ không? Tôi không chắc!
Mỗi người sinh ra đều không giống nhau, từ hoàn cảnh sống đến năng lực và cả ước mơ, lý tưởng. Thành công của một số người là có nhà đẹp, mua được xe đắt tiền hay được nhiều người trọng vọng. Còn với một số người khác, thành công chỉ là mỗi sáng thức dậy yên bình bên chú mèo nhỏ xinh!
Hạnh phúc là một loại cảm giác, và thành công chỉ là một danh sách những tiêu chuẩn được đưa ra dựa theo cảm tính của số đông. Mà bạn biết đấy, cảm giác và cảm tính đều mang tính chủ quan.
Thế hệ ông bà cha mẹ ta sinh ra và lớn lên trên những cánh đồng, quanh năm cơ cực với mùa màng mưa nắng, thế nên, trong tâm thức họ, thành công phải là thoát khỏi cảnh ‘bán mặt cho đất bán lưng cho trời’, là nhà cao vững chãi không lo gió bão, là những chiếc xe tốt thay cho con trâu cái cày.
Nhiều đứa trẻ trong chúng ta lớn lên cũng lấy những thứ đó làm thước đo giá trị bản thân mình, đem độ dày của ví ra so đo với nhau. Điều đó thật ra cũng chẳng có gì sai cả, nhưng có bao giờ ta tự hỏi bản thân thực sự muốn gì hay chưa?
Thay vì đuổi theo những người với những khả năng mà ta không có, sao không tập trung phát triển khả năng của bản thân mình?
Đuổi theo thành công của người khác, ta mãi mãi cũng chỉ là người về sau. Chưa kể, những điều khiến người khác hạnh phúc có khiến ta hạnh phúc không, hay chỉ tự vắt kiệt sức để giành lấy những thứ vô nghĩa.
Khả năng của họ là gạt bỏ đời sống riêng tư, tập trung toàn bộ sức lực cho tấm bằng thạc sĩ hay vị trí CEO – điều mang lại cho họ hạnh phúc. Còn ta, hạnh phúc là được gặp gỡ trò chuyện cùng bạn bè, cuối tuần thả bộ bờ hồ ngắm hoàng hôn, cùng cắn hạt hướng dương, nhâm nhi cốc trà đá và tám đủ thứ chuyện trên trời dưới đất.
Mỗi người là một cá thể riêng biệt với tính cách và hệ giá trị riêng biệt, chính điều đó tạo nên một xã hội đa dạng muôn màu.
Đừng biến mình thành bản sao của người khác, vì trong cuộc đua dựa trên tiêu chuẩn của kẻ khác, ta mãi chỉ là một cái bóng mà thôi. Thay vào đó, hãy làm đầy cho cuộc sống của mình bằng những điều dễ thương như chính mình mong muốn.
Tôi đã nhìn thấy không biết bao nhiêu bạn trẻ gồng mình học những ngành học mà bản thân không thực sự muốn, chỉ vì muốn bằng bạn bằng bè hay làm vui lòng cha mẹ, chỉ vì nghĩ ngành học ấy sẽ đem lại cho mình thu nhập cao cùng địa vị xã hội, để rồi hàng đêm trở về nhà mệt nhoài trong cô đơn và chán nản.
Bốn năm cuộc đời các bạn trôi qua vô vọng vì những tiêu chuẩn người khác đặt lên vai mình. Như vậy có gọi là thành công không?
Tôi nghĩ rằng, thành công của một người không phải là cho người khác thấy mình làm được những gì, có gì hay nhận được bao nhiêu lời tán tưởng, mà là cho bản thân một cuộc sống như mình mong muốn, mỗi ngày đều bình an vui vẻ. Vậy nên, thay vì cố gắng để trở nên thành công giống ai đó, hãy luôn nỗ lực để trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình.