Chàng trai bỏ du học về Việt Nam để lên núi, xắn tay làm nông trại thời thanh xuân
Võ Thành Luân (sinh năm 1987) được biết đến là người sáng lập dự án Nhà Của Thời Thanh Xuân – nơi các bạn khiếm thính tự tay làm những bánh xà phòng organic từ cây cỏ tự nhiên của Đà Lạt. Mục tiêu của dự án cộng đồng này được anh cho biết không chỉ nhằm tạo ra một công việc cho các bạn khiếm thính mà còn giúp các bạn tiếp cận xã hội, học cách có một cuộc sống tự chủ hơn.
Ngoài hệ thống Quán trà của Thời Thanh Xuân ra đời sau đó ở Đà Lạt, Hội An, Sài Gòn do các bạn khiếm thính tự quản lý và phục vụ được nhiều người biết tới.
Gần đây, chàng trai này mới đây công bố những hình ảnh đẹp như mơ ở nông trại Thời thanh xuân mà chàng giấu kín từ 3 năm trước. Đây được coi là nơi trồng nguyên liệu làm tinh dầu, là nơi xuất phát từ mục đích ban đầu là để các bạn khiếm thính có chỗ đi về và gọi là nhà.
Nhưng năm nay khi mùa dịch xuất hiện, có những thay đổi đã diễn ra, Luân mở cửa nông trại và đón khách tới để trải nghiệm làm tinh dầu và học cách tự tay làm xà bông.
Luân chia sẻ: “Mình có gì nhỉ, 1 nông trại tràn ngập núi đồi màu xanh ngọn cỏ và đã 3 năm trôi qua. Đúng ra còn ích kỉ dấu chốn đi về. Mùa dịch này mình chuẩn bị mở nông trại”.
Gần đây Luân mới mở cửa nông trại, không phải để làm homestay mà vì mục tiêu có nhiều người hơn được trải nghiệm cuộc sống gần gũi thiên nhiên, biết làm tinh dầu và tự tay làm xà phòng.
Gia đình Luân ở Mĩ nhưng Luân chọn cuộc sống ở Việt Nam và đúng hơn là ở Đà Lạt với tài sản là… 1 chiếc xe đạp, 1 cái nồi và 1 chú cún. Anh muốn chứng minh rằng tất cả đều có thể bắt đầu từ “không có cái gì”.
Nhưng điều gì đã khiến chàng trai này nghĩ đến điều đó, mà không màng công danh, sự nghiệp hay vật chất khi nhiều người trẻ chứng minh sự thành công bằng số bất động sản mình có, số tiền trong ngân hàng hoặc chiếc visa được đóng dấu chi chít. Còn Luân lại chọn 1 cuộc sống lăn lộn vào cuộc đời bằng cả tư duy và thể lực để… ghi tên mình theo 1 cách thật khác.
Luân tâm sự: “Năm 2013 Nếu không có cơn bão Hãi Yến tại Philippines chắc sẽ không có tôi trong hiện tại. Năm đó, là 1 người trẻ nhiều hoài bão tôi chỉ biết nói chuyện qua ăn mặc, địa vị, tiền kiếm được bao nhiêu. Cơn bão đã cướp đi mạng sống nhiều người khiến tôi tự hỏi ý nghĩa của cuộc đời mình sống để làm gì.
Trong lòng tôi khao khát được sống giữa một cánh rừng rộng lớn được thiên nhiên chở che. Và hơn lúc nào hết tôi ước ao có một mái nhà để đi về vì tôi sống xa gia đình khi còn rất nhỏ, gia đình tôi đã định cư ở nước ngoài. Lòng tôi trỗi dậy cần phải làm 1 điều gì đó cho chính quê hương mình, cho cả những người yếu thế vì giữa lúc tôi cho đi tất cả đồ đạc của mình để về nước thì người ăn xin bên đường ở phố Manila còn rất nhiều người khốn khó.
Đứng trơ trọi giữa 1 thành phố cho đi tất cả tài sản tôi quyết tâm đi tìm lại chính mình, sứ mệnh của cuộc đời mình giúp những người yếu thế trở lại đường đua của cuộc đời, dự án cho người điếc Nhà của thời thanh xuân ra đời”
Những ngày tháng đầu lên Đà Lạt, không có chỗ ở, tôi xin đi ở ké, khi thì trên gác của nhà ai đó, nay thì chuyển đồ sang ở nhờ nhà bạn của bạn. Cứ ở nơi nào lâu dọn dẹp sửa sang là ở chỗ đó bán đất. Các em khiếm thính ở cùng nhà lúc đó chưa có nhiều kĩ năng cho nên rất khó khăn cho chúng tôi vì chuyển chỗ ở”.
Khởi nghiệp với chiếc xe đạp, chiếc nồi và 1 chú chó
Cũng từng trải qua những khốn khó cùng cực mà không hề dựa vào tài chính của gia đình, Luân tự lực cánh sinh viết câu chuyện của mình bằng nghị lực chứ không phải từ việc đầu tư một số vốn khủng.
Những ngày đầu bắt đầu hành trình của dự án với chú cún, tên Múp, Luân đạp xe đi rong ruổi tiếp thị bán những bánh xà phòng và với những dòng ghi chú nho nhỏ “số tiền sẽ dành cho dự án trẻ khiếm thính và Điếc sau này”. Múp nhỏ ngày nào còn nằm trong chiếc túi thò đầu ra đón gió ngắm nhìn những đoạn dốc cao dần. Luân tự nhủ: “Không hiểu rằng Múp có hiểu rằng hạnh phúc chỉ đơn giản là được leo dốc và thả dốc mới chính là đỉnh cao của cuộc đời”.
Ngày đầu lên Đà Lạt xin đi ở ké gác trệt, vừa nóng vừa chật nhưng chủ nhà thì nhiều lòng bao dung đã nới rộng trái tim để cho Luân và các cộng sự được nương nhờ trong lúc đi kiếm chỗ ở. Sau thì được bạn bè cho ở ké vài tháng trời từ lạ thành quen. Luân đã dặn lòng là dự án được nuôi dưỡng bởi những điều tốt đẹp như thế thì không được bao giờ được phép lãng quên ngày hôm nay.
Luân tiếp: “Lúc này, tôi đi vay mượn và làm quán của thời Thanh xuân đồng thời cũng thuê đất trong 7 năm để làm nông trại của Thời Thanh Xuân. Thật ra, cũng chỉ là một mái nhà lớn để các em có chỗ để ở sau giờ làm việc tại quán. Những ngày đầu vất vả vô cùng, mưa xuống không có chỗ trú mọi người tình nguyện viên chui xuống nắp bê tông để tránh mưa hay chạy vội vào căn nhà tôn để tránh. Các chàng trai cô gái làm hết sức có khi nắng cháy cả da cũng mặc kệ. Sau này, nhìn lại chắc chúng tôi đã thấy còn trẻ việc cùng bên nhau làm được những việc này thật ý nghĩa.
Bên cạnh đó, tôi muốn nông trại kể về một câu chuyện nữ quyền, là đã có hơn 200 tình nguyện viên trong đó 80 % là các bạn nữ đã cùng nhau phụ chúng tôi dựng lên căn nhà này. Có những người nữ ban đầu chỉ đi dép vàng nhường chiếc xe duy nhất để cho các bạn Điếc – khiếm thính có phương tiện đi lại và chúng tôi mỗi ngày đi bộ 10 cây số“.
Hiện nông trại được mở cửa và như nhiều người thấy căn nhà nằm nép phía dưới ngọn đồi mặt trước nhìn vào sẽ thấy nhà rất nhỏ nhưng nhìn phía trực diện sẽ là mái chữ A. Khi vực nhà nữ sẽ tựa vào vách núi rất khó có thể tiếp cận từ phía này. Đi qua khi nhà nữ phải đi qua nhà Nam cũng là cổng lối vào duy nhất. Hai Block nhà như Ying và Yang được kết nối là phòng đọc sách và giữa nhà là bàn ăn với ý niệm duy nhất là dù có giận nhau thế nào thì cũng phải gặp nhau ở gian nhà giữa và ngồi ăn cơm nói chuyện với nhau.
Phía băng đất phía trên là lò chiết tinh dầu loại lớn, mỗi lần vận hành lò chiết là cả tấn nguyên liệu và được dẫn nước nóng xuống để ngâm chân như là một ý niệm mang ” dương” cho ngôi nhà. Đồng thời dẫn một dòng nước mát lạnh chảy ngầm để pha với nước nóng để ngâm chân để làm mát dịu và nghe tiếng nước chảy khá là vui tai.
“Suốt 3 năm trời chỉ là nơi ở, sau này các em Điếc trưởng thành hơn và mong muốn được tự lập, tự thuê phòng trọ để tự chủ hơn. Tôi nhận ra, rừng của các em chính là cuộc đời. Còn rừng của tôi là ở đây rồi, trồng sả, Rosemary để chiết tinh dầu còn lại là để cánh rừng cây tiên phong mọc lại.
Thành quả sau 3 năm là màu xanh ngát mưa lớn không còn ảnh hưởng gì tới nông trại nữa. Chim bay về hót ồn ã mối sớm và chiều. Lũ sóc cũng chuyền cành líu ríu, sau này còn ăn trộm xà phòng handmade tôi làm nữa. Và tôi cũng đang chuẩn bị trồng chuối để cho các bạn ấy ăn và sẽ mang hạt cây giống về sẽ tự tái tạo lại cánh rừng, ý niệm này khiến tôi rất hạnh phúc”, chia sẻ rất thật của Luân về việc từ chỗ là ngôi nhà là chỗ ở của các em khiếm thính thành nơi anh viết tiếp thanh xuân.
Tuổi trẻ không phải là thanh xuân, tìm thấy chính mình mới là thanh xuân
Căn nhà gỗ bằng thông được mua có giấy tờ pháp lí và không xử lí gỗ, Luân muốn nhìn mọi thứ tàn hoại với thời gian để nhắc nhớ này đời vô thường. Đồng thời, để gỗ mang màu thời gian theo năm tháng, căn nhà càng ngày càng đẹp giản dị và ấm áp. Các vách gỗ được đóng âm dương, nhà rất chắc và ấm áp khi trời trở lạnh vì gió không thể lọt vào được.
“Căn nhà cũng là 1 kỉ niệm đẹp tuyệt vời được quay trong điều ước thứ 7 cho nên tôi thương quý và nâng niu từng góc nhỏ trong nhà. Trận dịch vừa qua, nông trại như là 1 nơi trú ẩn an toàn khi cần thì chăm sóc lại chúng tôi và chúng tôi lại chiết tinh dầu để phục vụ lại cho quán. Kinh doanh theo đó mà phục hồi lại nhanh chóng”, Luân nói về trốn đi về của mình và cũng là cứu cánh giúp Luân cùng các bạn khiếm thính vượt qua mùa dịch thuận lợi hơn.
Nhiều người ngạc nhiên vì khi người ta đổ quá nhiều mồ hôi công sức trên 1 mảnh đất thường muốn sở hữu luôn nó. Nhưng mục đích của Luân không phải là mua lại mảnh đất này: “Sau trận dịch, ước mơ lớn nhất của tôi không phải là 10 năm của dự án để sở hữu miếng đất này. Mà ngày rời đi, tôi sẽ trả lại cho anh chị chủ đất 1 cánh rừng xanh ngát và mọi người dân xung quanh hiểu được rằng giá trị đất của họ, họ hiểu cách khai thác thiên nhiên bền vững là như thế nào”.
Đó cũng là lý do mà dù trước đó đã có ý định giấu chỗ trú ẩn cho riêng mình, nhưng thời gian gần đây Luân mở của nông trại. Đó là lúc khi khách hàng ghé quán cầm hóa đơn đồ uống 0 đồng như một vé thông hành nghe câu chuyện kể tiếp của Thời Thanh Xuân. Câu chuyện về tinh dầu được làm ra như thế nào, tinh dầu không nói nhưng lại thơm như điều mà Thời Thanh Xuân muốn kể.
Hơn nữa, căn nhà này sẽ như một “trường học” mọi người tới đây được học hỏi cách chiết tinh dầu, rồi làm bánh xà phòng tự nhiên. Mục đích của Luân là giúp 1000 người địa phương biết làm xà phòng, Luân gọi đó là những bánh xà phòng nhân nghĩa. Họ cũng sẽ được học cách biết bảo quản rau củ quả từ 3 năm tới 5 năm. Cách nương tựa vào rừng và sản xuất các sản phẩm tự nhiên từ thông như thế nào thông qua các bộ khuếch tán tinh dầu.
Ước mơ của Luân là sống một đời nương tựa vào rừng và trở thành một người cho đi các kỹ năng sống một đời nương tựa vào rừng. Và rồi sẽ có một cánh rừng xanh ngát trở lại.
Luân nghĩ thanh xuân mà sống cho riêng mình thì chưa đủ. Mình có bao nhiêu tiền thì thời gian cũng trôi đi qua kẽ tay như cơn mưa, mình không thể hạnh phúc một cách đầy đủ nếu không được kết nối cùng mọi người. Còn khi có những người tri kỷ, gắn bó với nhau thật lòng thì thanh xuân sẽ vui hơn, hạnh phúc hơn.
Đó cũng là lý do Luân mở cửa để mọi người đến thăm nông trại. Luân muốn ai đó có thể gặp những người sống trọn vẹn với thanh xuân của mình và mang thanh xuân gieo vào lòng người khác, khơi dậy vẻ thanh xuân từ các bạn trẻ, từ những người kể cả đang bắt đầu với tuổi trung niên.
Bởi thanh xuân là một cuộc sống huy hoàng, là mục tiêu mà bạn theo đuổi, dù có thể dành cả đời. Vì thế nhất định không được để uổng phí.
“Hãy tìm chính mình để được biết mình hạnh phúc. Nhất khi làm gì và kiên trì với nó tới tận cùng. Sứ mệnh của người trẻ đó là tìm thấy chính mình mới gọi là Thanh Xuân”, Luân nói.