Sau hơn 3 tháng cả nước thiết lập trạng thái bình thường mới thì mới đây, tại Đà Nẵng liên tiếp phát hiện thêm 15 ca nhiễm COVID-19 trong cộng đồng . Một cuộc chiến phòng chống dịch đầy cam go nữa lại bắt đầu.
Dù đã có kinh nghiệm hơn nhưng sự hoang mang, sợ hãi là không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, chỉ cần đôi ba mẩu chuyện, đôi ba lời động viên đã đủ để vực dậy tinh thần, giúp mọi người vững tin hơn trước những diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh rồi.
Câu chuyện nhỏ về trải nghiệm đi xét nghiệm COVID-19 đang được cư dân mạng chia sẻ rất nhiều
Mới đây, câu chuyện nho nhỏ trong lúc đi xét nghiệm của Tăng Gia Hải Lam – một anh chàng đến từ TP.HCM cũng đã gây chú ý trên MXH. Trong bài đăng của mình, Hải Lam đã kể về trải nghiệm mình vừa nhận được sau khi khai báo y tế hậu chuyến đi Đà Nẵng. Sự thân thiện, chuyên nghiệp của các cán bộ y tế khiến anh vừa xúc động lại vừa tự hào. Hay đơn giản hơn, chỉ cần diễn đạt nó bằng một câu “Việt Nam chúng tôi chống dịch bằng sự tự giác, hợp tác và lễ phép với nhau như thế”, vậy thôi.
Nguyên văn bài viết của Hải Lam:
Tôi đi xét nghiệm COVID-19.
Đi công tác từ Đà Nẵng về Sài Gòn, theo đúng chính sách, tôi khai báo y tế. Khai báo buổi sáng là buổi chiều có người gọi ngay. Mở đầu bằng hỏi thăm sức khỏe, kết thúc bằng tiếng cười xởi lởi hẹn gặp ở trạm y tế. Tôi ngạc nhiên về tốc độ nắm bắt thông tin và xử lý của phường An Lạc A. Ngạc nhiên hơn về sự đáng mến của chị Phượng, chị Liên nhân viên y tế. Tôi đã không mong đợi cuộc gọi hẹn xét nghiệm lại dễ thương như vậy.
8 giờ sáng nay, dân chúng tập trung ngoài trời để làm xét nghiệm. Hơi rối một chút chắc có lẽ chưa nhiều thời gian chuẩn bị. Nhưng lại một lần nữa, họ lại làm mọi thứ dễ chịu hơn với sự nhiệt tình của họ. Chắc do tính người.
8 giờ 20 phút, xe y tế tới. Nhân viên xét nghiệm với bộ đồ kín mít dưới nhiệt độ nóng dần theo chiều nắng lên. Từng người lần lượt được lấy dịch họng, dịch mũi. Bạn trai xét nghiệm bắt đầu bằng lời trấn an “Không sao đâu cô/chú, nhanh lắm!”, kết thúc bằng cái cúi đầu “Dạ con cảm ơn”.
Con nít bắt đầu sợ, khóc. Bạn trai đóng vai dỗ trẻ, trấn an ba mẹ. Cuộc xét nghiệm diễn ra nhanh chóng, gọn gàng.
Dịch có thể ồn ào và căng thẳng ở đâu, nhưng riêng ở đây mọi thứ diễn ra trật tự, ôn hòa và lễ phép như vậy đó.
Rồi tôi sẽ kể cho bạn bè quốc tế nghe về trải nghiệm của mình. Việt Nam chúng tôi chống dịch bằng sự tự giác, hợp tác và lễ phép với nhau như thế.
Xét nghiệm xong tôi hỏi bạn trai chớ: “Ủa em, mặc bộ đồ vậy đi vệ sinh kiểu gì?” – “Dạ em hổng được uống nước…” – “Trời ơi em ơi, mỗi lần mắc là nó chọt cái ống vô thông tiểu, khỏi cởi đồ em ơi” – chị gái đứng kế bên trả lời ké làm cả đám người đang xét nghiệm cười rần rần, hết lo, hết mệt.
(Nhưng mà tôi biết, các nhân viên nóng và mệt dữ lắm)
Chia sẻ thêm, Hải Lam – tự gọi mình là “người kể chuyện” cho biết bản thân hiện đang làm việc tại TP.HCM nhưng cách đây không lâu, anh chàng vừa có chuyến công tác ngắn ngày ở Đà Nẵng. Khác với một vài người tìm cách trốn khai báo y tế vì sợ cách ly ảnh hưởng công việc, Hải Lam chủ động khai báo ngay từ đầu.
Chân dung “người kể chuyện” Tăng Gia Hải Lam
“Nếu không khai báo y tế, nếu có bệnh thì người bị ảnh hưởng lớn nhất là người mình thương quý. Mình vẫn chưa tìm ra lý do nào để không khai báo cả. Sau này nhìn lại, sẽ kể cho con cháu mình nghe câu chuyện nào đây? “Ngày xưa ông trốn dịch thành công” hay “Ngày xưa ông chống dịch thành công đấy các cháu?”, anh chàng nói.
Cũng như tất cả, Hải Lam không giấu nổi nỗi lo lắng khi dịch bệnh một lần nữa bùng lên. Tuy nhiên, vì đã xác định ngay từ đầu rằng sự an toàn mà Việt Nam có được 3 tháng qua đơn thuần nhờ sự nỗ lực của tất cả, sự an toàn đó còn khá mong manh chứ chưa được đảm bảo nên lần này, Hải Lam đã bình tĩnh hơn nhiều.
Anh chàng tích cực nghĩ: “Nước đến thì đắp bờ, dịch đến thì đồng lòng chống dịch. Việc lớn đã có nhà nước lo, việc nhỏ thì mình lo. Việc ai nấy làm cho tốt vậy”.