Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.
Đại dịch COVID đẩy thế giới chao đảo nhưng cũng khiến cộng đồng tìm đến nhiều hơn các giá trị tinh thần để tự xoa dịu nỗi đau giữa những thời khắc khó khăn, đặc biệt là các bạn trẻ. Chắc hẳn, trong khi lướt Internet, đâu đó các bạn đã từng nhìn thấy từ “chánh niệm” hiện lên. Ai đó nói rằng họ từ giờ sẽ sống “chánh niệm”, một vài câu đùa “chánh niệm tí đi!”. Chánh niệm – từ một khái niệm xa lạ, đang dần len lỏi vào cuộc sống của nhiều bạn trẻ.
Chánh niệm không phải điều gì quá xa lạ, dù bạn còn trẻ hay bạn đã già. Giữa vô vàn những trào lưu sống đua chen trong cuộc sống đầy biến động, có nhiều người trẻ cũng lựa chọn chánh niệm làm điểm tựa tinh thần và một lối sống cho bản thân, bên cạnh những lối sống minimalist, lagom kiểu Thuỵ Điển, hay hygge của người Đan Mạch.
Chánh niệm là gì và làm gì để thực hành chánh niệm?
Một cô gái nào đó đăng một bức ảnh với vài trăm like trên mạng, bức ảnh cô ngồi trong tư thế thiền với dòng nội dung “Hãy tập sống chánh niệm từ bây giờ” và “để sống chánh niệm, hãy ngồi im mỗi buổi sáng và nhắm mắt lại, cảm nhận mọi thứ xung quanh”. Khoan đã, hình như có gì đó không đúng lắm?
Giữa vô vàn lời tuyên bố rằng mình đang sống chánh niệm, có những cách hiểu phiến diện hoặc mỹ miều hóa, lãng mạn hóa chánh niệm. Chánh niệm không phải là thiền, cũng chẳng phải một cách thư giãn nghỉ ngơi – bạn có thể thực hành chánh niệm theo cách đó, nhưng không phải là cách thức duy nhất.
Hai điều người trẻ nên nhớ khi thực hành chánh niệm bao gồm: Việc nhận thức bản thân đang sống trong thực tại và chấp nhận mọi vấn đề xảy ra, không phán xét, đánh giá, tích cực hóa hay cố gắng xua đuổi. Ai đó có thể sử dụng diễn ngôn khác nhưng đây là điều cơ bản cần nhớ.
Sống hiện hữu giữa thế giới thực tại
Có lý do để người ta nói chánh niệm không phải là thiền, thư giãn hay một biện pháp trị liệu. Bạn không cần thiết phải ở trong một tư thế nào đó, mặc một bộ trang phục thoải mái để thực hành chánh niệm. Sự nhận thức về hiện tại có thể diễn ra ở bất cứ đâu, chúng ta nhìn nhận về sự tồn tại của bản thân mình trong từng hơi thở, từng nhịp bước và hành động.
Dù nhắm mắt hay mở mắt, bạn biết mình đang tồn tại và cảm nhận qua mọi giác quan, tập trung chú ý tới từng chuyển biến trong cơ thể, vậy là bạn đã bước một chân vào thế giới chánh niệm.
Chưa bao giờ, sống chánh niệm lại cần với người trẻ đến như vậy. Không ai muốn bị cuốn trôi đi trong dòng sông cuộc đời mà không thực sự được một lần ngắm đôi bờ yên ả. Chúng ta nói về nhau về ngày mai, về tương lai, về những lời hứa hẹn nhiều hơn nói về sự hiện diện trong khoảnh khắc. Sao không có điều gì xoay quanh hiện tại – điều vốn dĩ là nơi chúng ta thuộc về?
Khi nói về việc thực hành chánh niệm, tác giả của cuốn sách đã hướng dẫn một cách đơn giản rằng: Trong bất cứ việc gì bạn làm, hãy cố gắng cảm nhận mọi thứ xung quanh đang tác động lên cơ thể bạn. Tôi bắt đầu để ý hơn tới mọi thứ theo cách chánh niệm. Khi uống một tách trà, tôi cảm nhận hơi nóng đang bốc lên, cảm nhận sự tiếp xúc nơi ngón tay và thành cốc, những âm thanh leng keng từ chiếc thìa vang lên trong đầu. Sự hiện diện của tôi trong thực tại gắn liền với những cảm nhận về tách trà mình đang cầm.
Bạn không cần chọn một góc thật đẹp với chim hót và gió thoảng để chánh niệm. Hãy cảm nhận sự tồn tại của mình trên con phố đông đúc, trong dòng người kẹt cứng mỗi sáng, khi uống một cốc cà phê hay nghe một bản nhạc.
Đừng nghe ai đó nói rằng cảnh giới của chánh niệm là việc giải thoát hay sự cảm nhận siêu tinh thần gì hết, nó chỉ “đơn giản” là việc lúc nào bạn cũng thấy mình đang hiện diện trong thực tại.
Tôi luôn cho rằng chánh niệm là cách tốt nhất để bạn cảm nhận được vẻ đẹp của cuộc sống xung quanh, những điều đôi khi ta thường bỏ lỡ. Sự yên bình chỉ đến với mỗi người khi trong lòng không xáo động, như khi chúng ta thực sự tập trung vào một tiếng chim hót giữa cơ man thanh âm đô thị. Trong thế giới của chánh niệm, sự duy mỹ có nền tảng từ sự thấu hiểu. Giống như con người gây dựng thành công từ những điều nhỏ bé, niềm tin yêu cuộc sống của bạn cũng gợi lên từ sự bình yên giản đơn khi ngắm một bông hoa ven đường.
Chánh niệm giúp con người cảm nhận được sự hòa hợp của bản thân trong mối quan hệ với xã hội – môi trường khi đó là sự tương tác qua lại. Với tôi, đó là một điều tích cực cho những người trẻ luôn hoang mang về sự tồn tại hay danh tính cá nhân. Chúng ta không tồn tại đơn lẻ hay tách biệt; để hiểu được chính mình cần phải hiểu mọi tác động qua lại và mối liên kết của ta và thế giới.
Chấp nhận thực tại, không tránh né hay tích cực hóa
Nguyên tắc thứ hai của Chánh niệm là sự chấp nhận: Hãy chấp nhận mọi cảm xúc đến trong tâm trí bạn, không cố gắng xua đuổi hay tích cực hóa vấn đề. Thực hành chánh niệm không có nghĩa rằng bạn có thể rũ bỏ hoàn toàn hay giải quyết tất cả những vấn đề trong cuộc sống. Nó chỉ giúp bạn nhận ra rằng các vấn đề như đám mây bay ngang qua đầu bạn và sẽ bay đi.
Hãy nhìn nhận mọi điều với sự hiểu rằng nó tồn tại. Tổn thương hay đau khổ là điều ai cũng sẽ phải đối mặt nhưng việc chấp nhận để bản thân đau khổ là một lựa chọn của riêng mỗi người. Tất nhiên, nói luôn dễ hơn làm, chúng ta cũng cần thời gian để có thể thực hành.
Khi chia tay người yêu cũ, tôi đã từng cố gắng né tránh vấn đề chúng tôi từng yêu nhau bằng cách xóa ảnh, block Facebook hay tránh mặt. Tôi nghĩ đấy là cách tốt để đối mặt với vấn đề của mình cho tới lần chạm mặt cô ấy trên đường với người yêu mới. Mọi ký ức lại ùa về và sự đau khổ lại đeo bám một thời gian. Tôi không chấp nhận thực tại là mình đã chia tay, cố gắng né tránh nó để rồi vỡ òa khi phải đối mặt lại.
Trong mọi khoảnh khắc từ khi chia tay, nếu tôi chấp nhận sự thật ấy, chắc chắn cảm giác vỡ òa cảm xúc kia sẽ không ập tới.
Bạn có thấy câu chuyện chánh niệm ở khắp mọi nơi, từ học tập tới công việc? Giá như chúng ta có thể coi những lời của sếp mắng (những lời thực sự không có giá trị xây dựng) như những đám mây ngang qua đầu mà không bận tâm? Giá như chúng ta không lúc nào cũng phải cố tỏ ra lạc quan, tích cực dù cuộc sống đang thực sự chao đảo?
Chánh niệm bao trùm lên nhiều điều ý nghĩa cho cuộc sống, là sống thật với bản thân, là chấp nhận không có gì là mãi mãi, là hiểu được giá trị của sự sẻ chia thực sự. Đừng nói với ai đó rằng “mày hãy nín khóc đi” khi họ sụt sùi sau lần đầu thất tình, cứ để họ khóc và chấp nhận thực tế rằng mình đang đau khổ. Khoan dung với bản thân là chấp nhận cho những cảm xúc, dù là tiêu cực trôi qua tâm trí, không phải gồng mình lên chống chọi dù đã quá mệt mỏi.
Tại sao chúng ta cần sống chánh niệm
Giá trị của hạnh phúc nằm trong sự cảm nhận về thực tại. Bạn không thể hạnh phúc khi cứ đắm đuối trong những ý niệm về tương lai, luôn sống với tư tưởng rằng “Ừ cố lên rồi một ngày nào đó mình sẽ hạnh phúc”. “Một ngày nào đó”, điểm dừng của tâm trí bạn sẽ lại hướng về một tương lai được cho rằng đầy đủ hơn, hoàn thiện và duy mỹ hơn.
Người trẻ học cách sống chánh niệm để trân trọng giá trị của cuộc sống. Đã bao giờ có ai đó nói rằng: Còn được thở là còn may mắn khi bạn vẫn còn đang sống? Chúng ta chỉ có thể ý thức về việc thở khi ý thức được sự hiện diện của bản thân trong khoảnh khắc, không phải ở quá khứ hay tương lai. Bạn luôn được dạy phải sống trọn vẹn trong từng khoảnh khắc, nhưng không ai để ý tới những thứ tưởng như hiển nhiên của khoảnh khắc: hơi thở. Chỉ khi sống trọn vẹn từng khoảnh khắc, người trẻ mới thực sự hiểu được ý nghĩa của cuộc sống này.
Tôi cũng tin rằng, chánh niệm là cách để người trẻ hiểu hơn về khoan dung và gây dựng lòng trắc ẩn. Lòng trắc ẩn là một phẩm chất bắt nguồn tự nhiên từ sự thấu hiểu và chấp nhận. Thay vì tránh né nỗi đau của bản thân hay nhìn nhận nỗi đau của người khác hời hợt, với chánh niệm, chúng ta chấp nhận thực tế để trao đi tình yêu thương một cách thấu hiểu hơn.
Cuộc sống luôn chứa đầy bất mãn khi chúng ta không biết hài lòng. Bạn luôn than phiền không thỏa mãn, không hạnh phúc, không đủ đầy vì chưa bao giờ thực sự cảm nhận sự hiện diện những thứ mình có. Lần cuối cùng bạn ăn một món ăn bằng mọi giác quan là khi nào? Bạn có thực sự ngửi thật kỹ, nhai thật chậm, nếm món ăn từ từ để hương vị hòa quyện trong miệng?
Chúng ta có thể sống chánh niệm trong mọi hoàn cảnh cuộc sống: Ăn chánh niệm, học chánh niệm, uống cà phê chánh niệm và kể cả yêu chánh niệm. Mọi thứ vẻ đẹp của cuộc sống chỉ có thể cảm nhận khi bạn tương tác bằng mọi giác quan. Làm sao có thể yêu một người và duy trì một mối quan hệ tích cực khi bạn chỉ chạm tới vẻ bề ngoài của tình yêu hoặc luôn tưởng tượng về những thứ tiêu cực sẽ tới? Nhiều người trẻ không yêu với sự chấp nhận, họ yêu với mong muốn thay đổi đối phương hoặc hy vọng đối phương có thể thay đổi mình.
Suy nghĩ về chánh niệm thực sự thay đổi thế giới quan của tôi, dù là một người trẻ. Đáng buồn thay, chúng ta thường hiểu về ý nghĩa và tầm quan trọng của chánh niệm khi đã băng qua những năm tháng chông chênh nhất của cuộc đời với đầy vết sẹo. Nếu có một tâm thế sẵn sàng, chủ động hơn với chánh niệm, có lẽ thế giới vội vã sẽ không quăng quật người trẻ rồi mới ném cho một bài học. Dù chánh niệm không thể giải quyết mọi vấn đề của bạn nhưng sẽ giúp bạn thay đổi thái độ nhìn nhận vấn đề.
Và tôi nghĩ rằng, chỉ một chút thôi, cũng khiến cuộc sống của bạn dễ dàng hơn nhiều rồi.