Mất việc do dịch, anh Trần Văn Lượm (40 tuổi, quê Hậu Giang) bất đắc dĩ phải cầm bảng xin tiền đóng trọ, học phí cho con. Nhiều Mạnh Thường Quân đã tới an ủi, chia sẻ động viên tinh thần cho anh Lượm khi đọc được câu chuyện của anh.
Dù công trình đã đủ nhân công nhưng một công ty xây dựng vẫn tạo cho anh một cơ hội được làm việc để có thu nhập trang trải cuộc sống. Công việc bắt đầu từ 6h30 sáng đến 17h chiều mỗi ngày, anh đi làm đã được 3 hôm, thu nhập 300 ngàn/ngày.
Vỡ nợ, gia đình rạn nứt
Quê anh Lượm ở Hậu Giang nhưng anh đi làm và lập gia đình ở Cần Thơ, hai vợ chồng mở quán cơm để bươn chải kiếm sống. Được một thời gian thì quán cơm bị giải toả, con trai anh cũng vừa chào đời.
Mong muốn đổi đời, con mình không phải khổ anh Lượm đã vay 15 chỉ vàng và 70 triệu để hùn hạp làm ăn, mở văn phòng đại diện công ty. Nhưng hoạt động được một thời gian thì công ty tan rã, anh lâm vào nợ nần, khó khăn chồng chất khó khăn.
‘Mình không có duyên làm ăn, thất bại lại không đủ khả năng đứng lên, chính vì thế nợ cứ đeo bám. Đến hiện tại, mình không hình dung lãi phát sinh đã lên đến con số bao nhiêu…’, anh Lượm nghẹn ngào chia sẻ.
Do nhiều mâu thuẫn, hai vợ chồng cũng đường ai nấy đi từ tháng 5/2019, vợ cùng con trai 6 tuổi lên thành phố sinh sống còn anh xin làm bảo vệ một công ty ở Cần Thơ để có tiền chu cấp cho con.
‘Mong muốn con có được môi trường học tập tốt nhất để sau này con không phải bươn chải vất vả. Dù không ở cùng nhau nhưng cả hai luôn tìm mọi cách để con được học trên này’ (Sài Gòn) – anh Lượm kể.
Từ khi lên thành phố, chi phí phát sinh rất lớn từ đi lại, chỗ ở đến hồ sơ nhập học cho con. Khi biết tin con được trường nhận học, anh quyết định lên đây làm vì mức thu nhập ở Cần Thơ quá thấp không đủ trang trải cho chi phí học tập của con.
Anh lên Sài Gòn một phần vì mức lương bảo vệ dưới Cần Thơ quá thấp nhưng mục đích lớn hơn, anh lên Sài Gòn để được gần con. Tháng 8/2019, anh Lượm lên thành phố, thuê trọ trên đường Phùng Tá Chu (quận Bình Tân) để gần phòng trọ vợ cũ và con trai.
Căn phòng anh Lượm ở chưa đầy 10m2, xập xệ, cũ kỹ, tường nhà là những tấm vách mỏng dựng tạm để ngăn cách, ‘Từ 10h trưa là không thể ở được vì quá nóng, những hôm trời mưa thì nước lênh láng khắp nhà, khỏi ngủ luôn’, anh kể.
‘Khoảng thời gian làm ở Cần Thơ phải xa con tôi nhớ con lắm, lo cho con nhiều lắm. Môi trường thành phố là môi trường hoàn toàn xa lạ với con, không biết con ăn uống như nào, giấy tờ học hành ra sao…’, anh tâm sự
Có những đêm không chợp mắt được, anh lại trằn trọc suy nghĩ, ‘Công việc trên này có mức thu nhập cao hơn thì cũng đòi hỏi nhiều kiến thức kĩ năng hơn, không rõ liệu mình có làm được việc không, có sức khỏe đủ để làm không, thu nhập sắp đến có đủ trang trải hàng tháng không, có đủ chi phí lo cho con không…’, anh Lượm xúc động chia sẻ.
Tại đây, anh xin được việc tại một xưởng keo với mức lương 7 triệu đồng/tháng, những tháng tăng ca thì được 8 triệu/tháng. Những ngày còn đi làm, hôm nào về sớm anh lại tranh thủ ghé qua chơi với con. Bởi con rất mến và quấn quýt anh, từ nhỏ anh là người bồng bế chăm non nên xa anh nó cũng hay đòi bố lắm.
Điều khiến anh buồn lòng nhất là việc hai vợ chồng ly dị, thằng bé còn quá nhỏ nên không biết gì nhưng anh cũng không ngờ được có những câu hỏi lại phát ra nhanh đến thế ‘ủa sao ba không ở nhà, bà đi làm không ở nhà rồi ba đi đâu?’.
Trong giai đoạn cách ly, mình không đi tới đi lui thăm con được, thằng bé hay gọi điện hỏi ‘thế ba mẹ cũng là bạn mà, sao không thấy ba lại chơi với con’. Anh đành mượn chuyện giờ giấc đi làm để không thể về được, phải ở lại trông kho của nhà xưởng để giải đáp thắc mắc cho con.
Mất việc mùa dịch và tấm lòng thơm thảo của người Sài Gòn
Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp thì ngày 1/4, anh Lượm mất việc. Những ngày giãn cách xã hội, anh chỉ ăn mì gói, có hôm thì anh đi mua cơm chay, 1 phần 12 ngàn cũng no bụng. ‘Một ngày ăn một bữa trưa thôi vì mình đâu có đi làm đâu mà cần ăn nhiều. Mình gắng sống cuộc sống giản dị nhất để vượt qua khó khăn.’
‘Đến khoảng ngày 20/4, trong túi tôi chỉ còn lại vài chục ngàn đồng. Nghe nói có điểm phát đồ từ thiện ở đâu, tôi lại đi qua đó mong nhận được chút đồ để đỡ được bữa ăn‘, anh kể.
Có lần, anh Lượm đi bộ gần 20 cây số để nhận quà từ thiện. ‘Hôm đó trong người chỉ còn vỏn vẹn hai mươi lăm nghìn, tôi không dám đi xe vì chỉ còn lại có chút xăng, sợ giữa đường xe hết xăng hay gặp trục trặc thì không có tiền sửa. Rồi lỡ, đến nơi không nhận được quà thì không còn tiền ăn nữa’
‘Tôi có một chiếc xe máy cũ, được ông chủ xưởng keo cho hồi tháng 8 năm ngoái. Ổng bảo lấy xe về chạy xe ôm buổi tối kiếm thêm chút thu nhập. Chưa kịp đưa tôi giấy tờ xe thì ông chủ quay về Trung Quốc do dịch, không biết khi nào ổng mới quay lại. Trong lúc túng quẫn, tôi đem xe này đi cầm cố nhưng không một cửa hàng nào nhận vì không có giấy tờ xe.’
Vấn đề lớn nhất hiện tại của anh là không có tiền chu cấp tiếp cho con. ‘Ở bên chỗ trọ của con đã đến hạn đóng tiền nhà, thằng nhỏ cũng sắp đi học lại. Mẹ cháu từ đợt dịch bệnh cũng không bán được gì, cả hai bên đều khó khăn.’
Không có bạn bè ở thành phố để vay mượn, người nhà ở quê cũng quá khổ cực, đồng nghiệp của anh cùng cảnh ngộ, bất đắc dĩ anh phải cầm bảng xin tiền.
Mọi tài chính đều đứt gãy hết, anh đứng cầm bảng xin tiền nhưng trong lòng không yên. ‘Thú thực, tôi đánh liều ra đường cầm bảng xin trợ giúp cũng chỉ hi vọng có chút tiền trang trải, không ngờ mọi chuyện lại đi xa đến thế.’ anh chia sẻ.
‘Vợ cũ có mối quan hệ xã hội tốt, mặc dù 2 người không còn chung sống nhưng ít nhiều cũng bị ảnh hưởng. Tôi không thể tưởng tượng những viễn cảnh sắp tới sẽ như thế nào, dòng họ bạn bè sẽ tác động đến tinh thần của cô ấy’
Hai ngày nay, tôi không dám trả lời những cuộc gọi của cô ấy, dù chuẩn bị tâm lý cho mọi tình huống nhưng vẫn không vượt qua được, tôi đành phải im lặng.
Điều anh đau đáu nhất là sợ con anh lớn lên sẽ sốc khi biết được trong quá khứ cha nó từng cầm bảng xin tiền, sợ sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống sau này của con. Mong muốn lớn nhất hiện tại của anh là chuyện này sẽ sớm lắng xuống, anh tiếp tục công việc thợ phụ của mình để kiếm tiền nuôi con.
Nhiều nhà hảo tâm đã chỉ dẫn những công việc họ có thể giúp được anh, nhưng anh chưa có thời gian đến tận nơi để tìm hiểu, hơn nữa anh Lượm cũng mong muốn công việc gần chỗ ở để được có điều kiện gần con. Trước mắt, anh vẫn sẽ làm công việc này, đến khi ổn định hơn anh sẽ tìm công việc khác có thu nhập cao hơn, vừa lo chi phí cho con vừa dành dụm trả nợ.