Là một trong những du học sinh trở về từ Hàn Quốc để tránh dịch Covid-19, Nguyễn Thị Lệ Quyên (sinh năm 1993, sinh viên khoa Phúc lợi xã hội Trường Đại học nữ sinh Kwangju) cùng với những người khác bước vào hành trình 14 ngày cách ly. Vừa bước xuống sân bay, Lệ Quyên lập tức được cơ quan chức năng đưa tới Trường quân sự Gò Găng Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long để cách ly.
‘Run và lo lắng nhiều lắm. Mình không hiểu tại sao nữa. Nhưng lúc ấy, điều mình nghĩ tới duy nhất là tìm cách năn nỉ để được về nhà tự cách ly. Trước khi về Việt Nam, mình suy nghĩ tiêu cực, lo sợ về việc cách ly. ‘ – Lệ Quyên kể – ‘Tuy nhiên mọi thứ không khó khăn như mình nghĩ. Chỉ sau khoảng 1 ngày làm quen với những người cùng khu, với nhịp sinh hoạt và điều kiện trong đó, mình cũng bình tĩnh hơn. Khi chính bản thân trải nghiệm, mình lại cảm thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn. Như thể được trở về tuổi thơ nơi bình yên cùng những anh chị em ở nhiều miền quê khác nhau. Ngày 1/3, hành trình bắt đầu.’
Cuộc sống không máy lạnh, không tủ lạnh, không máy giặt,… hoá ra lại là một điều may mắn. Xung quanh rậm rạp cây cối, thùng mút trữ đá luôn sẵn sàng, hồ dự trữ nước ngọt có ngay trong khu, thành ra lại tạo nên một nhịp sống đơn giản, bình yên không bộn bề cho Lệ Quyên cùng những người khác.
Khoảng 4h30 tới 5h sáng, loa phát thanh đều đặn vang lên tuyển tập Cẩm Ly – Cô gái mở đường, Chiếc khăn tay, Em đi bộ đội. Ai dậy sớm thể dục thể dục thì tíu tít rủ nhau. Ai thích ngủ thêm chút nữa thì cứ mặc cuộc tròn trong chăn, chẳng ai nỡ thúc giục.
6h là thời điểm đo thân nhiệt đầu tiên trong ngày. Khẩu trang được phát mới. Ai đã chỉnh tề mọi thủ tục thì 6h30 ra dùng bữa sáng, các chiến sĩ bộ đội sẽ phát tận nơi. Xong xuôi, người nào về làm việc người nấy. Bởi khu cách ly không có máy giặt, Lệ Quyên cùng mọi người bèn tận dụng khoảng thời gian trống để giặt đồ, quét dọn phòng ốc, sân vườn. Vừa để tăng vận động cá nhân, vừa giữ gìn vệ sinh chung khu vực. Sao cho tới 10h40 ngơi tay, nghe tiếng anh bộ đội phát loa gọi mọi người đi ăn cơm trưa, là ổn.
‘Sau giờ ăn, tụi mình lại tráng miệng bằng trà sữa, mận, xoài, cam, dừa, mít, chuối các kiểu. Đa phần là được mọi người trong quê gửi ra, hoặc đặt về tận nơi cách ly. Trong này mọi người vui vẻ như một đại gia đình. Ngồi bàn chuyện trên trời dưới bể, buồn buồn lại rủ nhau chơi mấy trò con nít xưa kia như nhảy dây, đá cầu. Mình đọc cuốn truyện được một chặp là lăn ra ngủ. Tới 16h30 lại nghe tiếng loa đi ăn cơm chiều. Nhìn lại trời vẫn chưa hết nắng. Sau giờ ăn chiều, mọi người cùng lắng nghe bản tin phát thanh thời sự, cập nhật tình hình về dịch Corona ngoài kia.’
Mỗi ngày mình được đo thân nhiệt tới 2 lần. Khẩu trang mỗi ngày phát 2 chiếc, nước rửa tay khô 1 tuần phát 3 lần cùng những đồ dùng nhu yếu phẩm khác như xà phòng tắm, bản chải đánh răng, dầu gội đầu, nước súc miệng v.v. Tụi mình chẳng thiếu thứ gì cả.’
Dù trong khu cách ly nhưng dịp Quốc tế Phụ nữ vừa rồi, Lệ Quyên cùng những chị em phái nữ vẫn được đón tiệc ngày 8/3 tươm tất, chu đáo và đầy ý nghĩa. Cô khẳng định ‘được cách ly là 1 điều may mắn’, bởi cuộc sống những ngày qua thoải mái và vui vẻ đến nỗi nhiều người còn mong muốn… ở thêm 15 ngày nữa cho đủ 1 tháng.
Lệ Quyên đã ở Hàn Quốc 8 năm, việc học xem như đã hoàn thành, chỉ đợi thực tập để hoàn thành chương trình để ra trường. Thế nhưng sau khi trở lại trường 15 ngày, cô quyết định về nước khi tình hình dịch bệnh tại Hàn quá phức tạp. Quyên cũng chia sẻ thêm, việc cách ly ảnh hưởng tới công việc cá nhân cũng như dự định học tập của cô rất nhiều do phải bảo lưu kết quả. Tuy vậy, nữ du học sinh biết đây là điều cần thiết để đảm bảo an toàn cho chính mình cũng như cộng đồng. Đặc biệt, sinh hoạt trong một môi trường hoàn toàn khác với cuộc sống thường ngày đã cho Quyên cơ hội được trưởng thành, mạnh mẽ và thêm niềm tin vào cuộc sống hơn.
Thế nhưng khi nhắc tới thời điểm dịch Covid-19 bùng phát trở lại những ngày vừa qua, Lệ Quyên không giấu được sự thất vọng xen lẫn lo lắng. Sau khi thông tin về ‘bệnh nhân số 17’ xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng, Quyên cùng nhiều người tối đó không thể yên giấc. Sự nỗ lực của cả đất nước nói chung cũng như đội ngũ y bác sĩ cùng người cách ly nói riêng một lần nữa lại bắt đầu từ con số 0.
‘Mình chỉ mong những bạn ở các nước có vùng dịch về thì nên chủ động theo dõi sức khoẻ, liên hệ theo hotline để làm theo chỉ dẫn, hoặc tự giác cách ly. Điều này vừa tốt cho bản thân, vừa tốt cho gia đình và xã hội, vừa bảo vệ cả đất nước.’
‘Có lâm vào tình cảnh này, mới thấy trân trọng sự quan tâm tận tình và trách nhiệm của nhà nước mình, của đội ngũ bác sĩ đã chăm lo tới tất cả mọi người. Các chiến sĩ bộ đội hẳn cũng vất vả lắm khi ngày nào cũng nấu cơm ngon ngày 3 bữa cho hàng trăm người. Không ai phải thiếu thốn bất kì điều gì trong những ngày cách ly này.’