Dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát ở Việt Nam vào khoảng đầu năm 2020. Quan sát khoảng thời gian kể từ đó đến nay, chúng ta có thể thấy dịch bùng phát mạnh mẽ thành từng đợt, có lúc tăng, có lúc giảm nhưng vẫn chưa kiểm soát được hoàn toàn.
Đến nay, sau hơn 1,5 năm, dịch còn có xu hướng gia tăng hơn trước với những chủng virus mới biến thể, lây lan nhanh hơn, với con số hàng nghìn ca nhiễm mới mỗi ngày. Đã đến lúc chúng ta phải chấp nhận việc sống chung với Covid-19, cho đến khi nền y học có những bước phát triển mới hơn.
Và để bắt đầu trạng thái sống chung với dịch bệnh, có lẽ cần phải thay đổi hàng loạt thói quen để thích nghi.
Khẩu trang là vật bất ly thân khi đi ra ngoài
Trước đây, khẩu trang vốn là món phụ kiện không thể thiếu của phụ nữ và trẻ em, còn với cánh đàn ông xuề xòa, thích thì mang không thích thì thôi. Trong bối cảnh dịch bệnh này, khẩu trang là thứ bắt buộc khi đi ra ngoài, tiếp xúc với người khác. Trước là để bảo vệ chính sức khỏe của mình, sau là vì sức khỏe cộng đồng và đây là điều bắt buộc chứ không còn là lựa chọn.
Bây giờ mỗi khi đi ra ngoài, câu thần chú của tôi là ‘kính, ví tiền, điện thoại, khẩu trang, chìa khóa’, 5 vật bất ly thân không thể thiếu. Tôi còn cẩn thận luôn để thêm một chiếc khẩu trang dự phòng trong túi.
Nếu như trước đây giao tiếp với nhau phải gỡ chiếc khẩu trang xuống, nếu không sẽ bị coi là bất lịch sự. Bây giờ ngay cả nhân viên phục vụ khách hàng cũng phải đeo khẩu trang, không ai đánh giá điều đó. Giao tiếp mà không đeo khẩu trang mới bị coi là bất lịch sự, vô ý thức.
Linh hoạt giữa việc đi làm và ‘work from home’
Từ khi bùng đại dịch, ‘work from home’ (WFH – làm việc tại nhà) bỗng thành xu thế toàn cầu, không ai dám chắc dịch lúc nào dịch lại bùng phát, nên chuẩn bị sẵn những phương án đối phó là điều chúng ta nên làm. Việc làm online hay offline do chủ doanh nghiệp quyết định, căn cứ theo những chỉ thị của chính quyền. Tuy nhiên bản thân người lao động cũng phải có sự chuẩn bị về tâm lý, công cụ lao động, tinh thần kỷ luật và khả năng sắp xếp công việc để đảm bảo năng suất.
Chẳng hạn hồi mới bùng dịch đầu năm 2020, tôi cũng khá bối rối trước thông báo làm việc online tại nhà 100%. Vì tài liệu, thiết bị phục vụ cho công việc đều để trên công ty, tôi phải bắt đầu xoay sở để thích nghi. Như cài thêm những phần mềm mới, nhờ kỹ thuật hỗ trợ để truy cập được vào server của công ty lấy dữ liệu về nhà làm.
Sau công ty tôi lại thay đổi chính sách, yêu cầu 50% thời gian làm việc tại nhà, 50% lên công ty, tôi lại phải thu xếp công việc cái gì nên làm ở nhà, cái gì làm trên công ty. Chẳng hạn công việc dựng video, tôi để lên công ty làm vì ở công ty có máy cây, cấu hình tốt hơn laptop cá nhân.
Trước đây chúng ta vẫn được khuyên rằng dù làm tự do cũng nên thuê một chỗ ngồi làm việc hoặc ra quán cà phê, vì ở nhà thường khó tập trung. Tuy nhiên Covid-19 đã làm thay đổi mọi thứ, ngay cả những người quen làm việc văn phòng cũng phải thích nghi với việc WFH.
Thời buổi chín nghề hơn một
Ngày xưa các cụ khuyên ‘Một nghề cho chín còn hơn chín nghề’, ngày nay biết càng nhiều càng tốt. Covid-19 càn quét qua, thổi bay hàng triệu việc làm, đẩy một lực lượng lớn những người thất nghiệp ra đường. Rất nhiều ngành ‘ngoắc ngoải’ và có lẽ còn lâu nữa mới hồi phục như du lịch, khách sạn. Trong tình thế đó, việc trang bị cho mình một kỹ năng mới, sẵn sàng thích nghi với công việc mới là điều cần thiết.
Thời thế – thế thời, một nhân viên văn phòng giờ ngồi với sạp hàng thịt ngoài chợ. Một giám đốc lúc sa cơ thất thế cũng phải trở thành shipper kiếm sống qua ngày. Ở Ấn Độ, nhiều kỹ sư, thạc sĩ kinh tế còn phải đi cuốc đất để nhận thù lao ngày. Những lúc khó khăn này, dăm ba cái sĩ diện bỏ qua một bên, chỉ cần có một công việc và kiếm tiền chân chính thì hãy cứ nhào vô làm.
Sẵn sàng với việc học online
Nếu như trước đây những khóa học offline luôn được đánh giá cao hơn những khóa học online thì giờ đây, Covid-19 đã khiến việc học trực tiếp dường như ‘đóng băng’. Các trường học, trung tâm đào tạo đồng loạt đóng cửa. Tất cả chuyển đổi dần sang hình thức học online trong thời điểm dịch bùng phát.
Nếu bạn đã đi làm và muốn tranh thủ học thêm một cái gì đó, việc học online là một lựa chọn không tồi, vừa an toàn lại tiết kiệm chi phí. Bên cạnh những khóa học được ghi hình sẵn bài giảng, cũng có những khóa học mà giảng viên tương tác trực tuyến và chữa bài cho học viên thông qua Zoom, Google Meet. Hiệu quả không hề thua kém hình thức học truyền thống.
Thích nghi với việc thể thao tại nhà
Trước đây nói đến thể thao là người ta nghĩ ngay đến chạy bộ ở công viên hay tập gym ở những phòng tập hiện đại. Nói tập ở nhà nhiều khi còn bị cười mỉa.
Thực ra một khi chăm chỉ thì tập ở đâu cũng là tập. Covid-19 dạy cho chúng ta cách thích nghi, biết thu xếp để tập tại nhà nhưng vẫn mang lại hiệu quả tương đương đi phòng tập.
Thắt chặt hầu bao, xem lại thói quen mua sắm của mình
Với những người có thói quen vung tay quá trán, kiếm đồng nào xào đồng nấy thì Covid-19 chính là thời điểm mà họ giật mình xem lại cách tiêu tiền của mình. Như tôi trước giờ chẳng mấy khi quan tâm đến tiền nong, con số, kiến thức về tài chính cá nhân là con số 0. Hàng tháng tiền kiếm được, tôi trích ra một ít cất đi tiết kiệm, còn lại xài cho bằng hết.
Covid đến, tôi cũng hoang mang lo lắng, dù chưa rơi vào hoàn cảnh thất nghiệp, nợ nần nhưng cũng ý thức được việc tối ưu lại thu chi và tạo ra những lớp lá chắn an toàn cho bản thân. Vì đại dịch lần này mà tôi mới chịu học hành một cách chỉn chu, nghiêm túc về tài chính cá nhân để chuẩn bị cho chặng đường dài, có lẽ còn nhiều khó khăn phía trước.
Còn bạn, bạn đã thay đổi những gì để thích nghi với Covid-19?