Ảnh avatar “bác sĩ Khoa rút máy thở của mẹ” dùng là đi mượn
Mấy ngày nay, dân mạng sục sôi trước câu chuyện “bác sĩ Khoa rút máy thở của mẹ, nhường sự sống cho sản phụ có son sinh đôi”. Sau đó, anh gạt nước mắt cứu sống sản phụ và hai em bé, đem lại một câu chuyện bi hùng về tình người trong những ngày Covid-19 hoành hành.
Hình ảnh được”bác sĩ Khoa” dùng làm avatar Facebook.
Câu chuyện chấn động này ngay sau đó đã được tìm ra những điểm vô lý, và được xác nhận là chuyện bịa. Đại diện Bệnh viện Chợ Rẫy (nơi “bác sĩ Khoa” tự nhận là mình làm việc) đã cho biết, không có nhân sự nào hay câu chuyện như trên.
Công an TP. HCM cũng đang vào cuộc điều tra chân tướng vụ việc. Nhưng có một vấn đề mà nhiều người thắc mắc, nếu câu chuyện là bịa đặt, thì thân thế “bác sĩ Trần Khoa” bí ẩn là ai?
Trước khi khóa Facebook, “bác sĩ Trần Khoa” từng chia sẻ nỗi nhớ nước Úc. Người này kể rằng, mình từng du học nhiều năm ở Úc, nối nghiệp cha mẹ (cũng là các bác sĩ giàu kinh nghiệm, làm việc ở tuyến đầu). Anh trở về Việt Nam để gần gũi cha mẹ hơn, khiến cha mẹ tự hào. Vợ của anh cũng làm việc trong ngành y.
Người này còn cho biết, mình đã nhận nuôi một em bé tên Tâm An. Bé là trẻ mồ côi, con trai của một người mẹ đơn thân. Mẹ bé là sản phụ của “bác sĩ Khoa”, qua đời sau khi sinh.
Mẹ bé đã gửi gắm Tâm An cho “bác sĩ Khoa” nhờ nuôi dưỡng. Đó chính là động lực để anh vững tin khi chiến đấu ở tuyến đầu chống Covid-19.
Trên Facebook của “bác sĩ Trần Khoa” còn có liên hệ với nhiều “bác sĩ” khác (sau này đã bị phát hiện là giả mạo) hay kể chuyện cứu chữa bệnh nhân, chăm sóc trẻ mồ côi, làm từ thiện… Với hồ sơ hoàn hảo như vậy, nhiều người đã lầm tin vào nhân vật “bác sĩ Trần Khoa”.
Sau khi bị lật tẩy, người ta mới giật mình đi tìm hình ảnh người có gương mặt dễ mến, thiện cảm mà “bác sĩ Trần Khoa” dùng làm ảnh đại diện trên Facebook là ai, có thực sự là ảnh chính chủ không?
Hóa ra, hình ảnh đó không phải bác sĩ Khoa nào cả, mà là Phó Giáo sư Toh Wei Seong, hiện đang sinh sống tại… Singapore. Hình ảnh về Phó Giáo sư được Facebook của Đại học Quốc gia Singapore đăng tải trong một bài viết giới thiệu từ ngày 5/3/2017.
Hình ảnh Phó Giáo sư Toh Wei Seong được chủ tài khoản Trần Khoa “mượn”. Và đây là bài giới thiệu PGS Toh Wei Seong được đăng trên fanpage của NUHS từ năm 2017.
Người bị mượn ảnh có sự nghiệp khoa học lừng lẫy, bác sĩ nổi tiếng ở Singapore
Phó Giáo sư Toh Wei Seong, may thay, là bác sĩ thật. Anh đang giảng dạy tại Đại học Quốc gia Singapore và có một sự nghiệp khoa học lừng lẫy. Trang web của NUS cũng dành nhiều lời tôn trọng để giới thiệu về nhân sự xuất sắc này.
Theo đó, Phó giáo sư Toh Wei Seong là bác sĩ, nhà khoa học chuyên khoa Lâm sàng, Nha khoa của NUS. Ngoài công tác giảng dạy, anh cũng tập trung vào nghiên cứu, phát triển các phương pháp trị liệu mới để điều trị rối loạn thái dương hàm, các vấn đề về khớp hàm và các cơ ở mặt kiểm soát chuyển động của hàm.
Về bằng cấp, Phó Giáo sư này học Cử nhân tại Đại học Melbourne, Úc; học Thạc sĩ và Tiến sĩ tại Đại học Quốc gia Singapore.
Anh cũng nắm giữ nhiều nhiệm vụ quan trọng tại NUS như Phó Giáo sư có nhiệm kỳ Khoa Nha; Phó giáo sư Khoa phẫu thuật chỉnh hình, Trường Y Yong Loo Lin; Phó giáo sư Khoa Kỹ thuật Y sinh, Khoa Kỹ thuật; làm việc tại Viện Khoa học Đời sống (thuộc NUS)…
Giới thiệu về Phó Giáo sư Toh Wei Seong trên trang web của NUS.
Phó Giáo sư cũng là thành viên nhiều Hiệp hội y khoa có uy tín như Hiệp hội Nghiên cứu Nha khoa Quốc tế; Hiệp hội Bảo tồn và Tái tạo sụn Quốc tế; Hiệp hội Quốc tế về Liệu pháp Tế bào và Gene…
Anh đã có nhiều danh hiệu và giải thưởng quốc tế được ghi nhận như Giải thưởng Học giả AUA (Liên minh các trường đại học châu Á) năm 2019; Giải thưởng Nhà Khoa học Trẻ (Đại hội Vật liệu Sinh học Thế giới lần thứ 9, Trung Quốc) năm 2012; Giải thưởng Khoa học Phòng thí nghiệm Y học của Hiệp hội Singapore năm 1999 và hàng loạt học bổng quốc tế nghiên cứu tại Singapore và Úc.
Về cuộc sống riêng tư, Phó Giáo sư đã có vợ và hai con nhỏ. Anh vẫn đang sống ở Singapore chứ không phải ở Việt Nam hay có một tên khác là “Trần Khoa” như bị mạo nhận.
Như vậy, có thể thấy, không chỉ mượn hình ảnh cá nhân, tài khoản “Trần Khoa” cũng sử dụng một số thông tin cá nhân của Phó Giáo sư Toh Wei Seong để vẽ nên một “hồ sơ ảo” có vẻ đáng tin cậy.
Danh tính thật sự của người đứng sau tài khoản Trần Khoa là ai vẫn là một bí ẩn. Mục đích của việc bịa chuyện rút máy thở của mẹ, mất cả cha lẫn mẹ vì Covid-19, hy sinh sự sống của mẹ để cứu sản phụ và cặp sinh đôi… thực sự là gì vẫn đang được điều tra.