Là một buổi sáng bình thường như mọi ngày. Người ta có thể gọi nơi này là Xóm Trấn Thành đóng phim, xóm trong phim Bố Già nhưng không thể nào dùng cái mác đó thay cho cái tên mà người dân nơi này đã dùng “cả đời” để gọi: Xóm Cù Lao!
Xóm cù lao hiện tại có chưa đến 80 hộ dân đang sinh sống.
Chuyện buồn hơn chục năm trời của cái xóm nổi tiếng nhất trong giới điện ảnh Việt
Quả thật, nếu không từ phim Bố Già của Trấn Thành thì chắc có lẽ sẽ rất hiếm ai để ý phim Già gân, mỹ nhân và găng tơ của đạo diễn Đức Thịnh, Quý tử bất đắc dĩ của đạo diễn Trần Ngọc Giàu hay cả Gạo nếp gạo tẻ của đạo diễn Nguyễn Hoàng Anh… cũng từng được quay ở xóm Cù Lao.
Nhưng… đâu có ai công nhận một khu xóm chờ giải tỏa là cái xóm nổi tiếng nhất dù có thể trong hàng trăm con xóm nhỏ ở Sài Gòn, nó là cái xóm xuất hiện trên phim Việt nhiều nhất.
Buổi chiều, người dân xóm thường “lôi” nhau ra hàng ba nói chuyện…
“Sống ở đây năm chục năm hơn rồi, không ai dòm ngó, tới khi có mấy người nổi tiếng xuống quay phim thì mấy cô mấy cậu mới bắt đầu dòm ngó, để ý tới cái xóm này? Bước chân của người nổi tiếng quý dữ vậy sao?”
Hiểu được sự nổi đóa của người dân nơi này, nên chúng tôi làm quen với họ thông qua câu chuyện giải tỏa có từ hơn chục năm về trước. Quyết định giải tỏa xóm Cù Lao được ban hành vào năm 2007 với nhiều sự hi vọng cho một cuộc sống chỉn chu, đường hoàng, một công viên sạch đẹp với dòng kênh trong lành, làm điểm tựa cho thành phố phát triển. Thế nhưng đó chính là một mở đầu dai dẳng cho câu chuyện của dân chính cư và dân ngụ cư.
Người dân nơi này sinh hoạt ở ngay trước cửa nhà.
Xóm Cù Lao ngày xưa có hơn 500 hộ dân sinh sống nhưng đến hiện tại chỉ còn khoảng dưới 80 hộ dân. Những cuộc “di cư” diễn ra trong âm thầm từ hàng chục năm qua.
“Nhiều người chưa đăng ký hộ khẩu lần nào, người khổ đi trước hết rồi còn mấy người giàu ở lại”, cậu Y. – người đàn ông chủ động bắt chuyện và kể với chúng tôi về đời sống người dân Cù Lao.
Lấy làm khó hiểu vì điều này, chúng tôi được cậu Y. lý giải: “Người khổ đi trước vì người ta sợ giá nhà lên mua không được, còn người ở lại là vì họ không chịu giá này, họ ở tới khi được giá thì thôi, thực chất có khi họ đã mua nhà để sẵn từ trước, không sợ không có nhà ở”.
Không nhắc về giá nhà đất đền bù ở đây vì đó là cuộc thương thảo riêng giữa cơ quan chức năng và người dân xóm Cù Lao. Theo tìm hiểu, không phải ai ở lại cũng là “người giàu” như câu chuyện chúng tôi nghe ở trên. Cụ thể, người dân nơi đây làm đủ thứ nghề từ bán vé số, chạy xe ôm, làm tạp vụ theo giờ,… đến kinh doanh nhà cửa, thậm chí là một “đại gia đất ngầm”.
Người dân trong xóm Cù Lao có người khổ cũng khổ lắm mà giàu… cũng giàu lắm.
“Khổ lắm mới ở lại con, không có giấy tờ, nhận tiền đền bù trong tay cũng chưa chắc mua được nhà, hoặc phải đi vùng ven xa thiệt xa, nếu đi thì giờ biết đi đâu, trong khi có người ở đây đã 50, 60 năm trở lên chứ đâu có ít”.
Hẻm xóm Cù Lao ngoằn ngoèo, uốn lượn, chia cắt đủ kiểu trên nền diện tích chừng 1000 mét vuông, xóm nằm gọn lỏn bên hông chân cầu Nguyễn Văn Cừ (hướng đi quận 4) sát mé ngã 3 Kênh Tàu Hủ. Bởi thế mà vào mùa nước lên, chiều nào con hẻm cũng ngập. Chúng tôi được dịp chứng kiến muôn kiểu chật vật của xóm Cù Lao, nó có thể được ví như đang tái hiện lại một Sài Gòn “ta” đến từng li từng tí.
Đồng hồ điểm 4 giờ, người dân nơi này mỗi người một công việc, người thì tất bật đi đón con đang gửi mẫu giáo, người thì tranh thủ về ăn cơm để kịp giờ lấy vé số bán cho ngày mai. Số còn lại thay vì gặp gỡ ở phòng khách, đứng bếp chuẩn bị cơm chiều thì… ra hàng ba, nào là đứng chống nạnh, nào là ngồi chéo nguẩy trên cái ghế nhựa, đó là phong thái tán dóc của người dân xứ Cù Lao nói riêng và người Sài Gòn nói chung! Đừng bắt lỗi!
Nhiều căn nhà tạm bợ của người khổ, không chốn nương thân.
Nó xôm đến mức một bà cụ ngoài 50 tuổi phải cầm lược ra sân chải đầu, người thì đem chén, xoong ra trước nhà để…. chà, rửa. Nếu hiểu theo kiểu của người miền Tây thì đây không phải thói hóng chuyện, đó chỉ là cách sinh hoạt theo kiểu “cộng đồng” mà thôi.
“Tự nhiên mấy bữa nay ngày nào cái xóm này cũng tiếp chừng 5-10 cữ khách. Nhỏ có lớn có, nào là nhà báo, YouTuber, sinh viên đến làm đồ án,… oải luôn bây ơi (ý chỉ trạng thái ngao ngán)”, một bà cụ nói chỏng chơ với hàng xóm.
Những chuyện lạ chưa từng có khi đoàn phim đóng đô ở xóm Cù lao
Kể từ khi đoàn phim Bố Già công chiếu, người dân trong xóm có đủ chuyện để bàn, nhất là những chuyện lạ, “tiền bối” phải đợi đến khi mọi chuyện êm xuôi mới dám nhắc lại.
Là cậu Y., một người dân trong xóm Cù Lao kể với chúng tôi những sự kiện diễn ra trong quãng thời gian 1 tháng đoàn phim Bố Già đóng đô ở xóm: “Tôi cho đoàn phim Bố Già thuê nhà nè, nhà của Lê Giang đó. Lúc đầu đoàn phim không nói là dời, nhưng sau đó “anh đầu chùa” (đạo diễn Vũ Ngọc Đãng) thông báo lại buộc phải chuyển cái bàn thờ của má tôi đi. Cả ngày hôm đó quay không được, tôi mới sực nhớ tôi nói: ‘Chết rồi anh Đãng ơi, phải vái má em, tại lúc đầu vô quay phim đoàn nói không di dời nhưng cuối cùng dời bàn thờ mà không vái, em nghĩ chắc má em giận’. Vậy là phải vái, cúng cuối cùng mới quay được”.
Người dân xóm Cù Lao.
“Vái má tôi xong xuôi bữa đó quay được ngon lành. Bữa đó ảnh cho tôi thêm 1 triệu để mua đồ cúng cơm cho má. Anh Đãng còn cho hai vợ chồng tôi 200 nghìn để đi mua vé coi, mà bữa giờ bận bán vé số có coi được đâu. Có người trong đoàn hỏi tới hỏi lui, nói sẽ ghé về sớm cho mấy chục vé để người dân đi coi, tôi xin suất 7 giờ tối mới coi được tại ở đây ban ngày đi làm hết rồi”, cậu Y. kể nhiệt tình.
“Tôi cũng thuê nhà nhưng xin phép chủ nhà, chủ nhà cho phép, tôi lấy cái tiền người ta thuê đóng phim để trả tiền thuê nhà”, cậu Y. hằng ngày đi bán vé số, nói mấy câu chứ cậu đã nài nỉ tụi tôi mua vài tờ rồi đấy!
Đó không phải là mẩu chuyện “lạ” duy nhất tôi được các tiền bối ở đây kể lại. Chuyện “tự nhiên” nước sông dâng lên cả hẻm xóm bị ngập vào đúng lúc đoàn phim bấm máy cũng là một trong số đó.
“Bữa đó hên sao cái nguyên xóm bị ngập do nước dâng lên, nên sẵn người ta quay lên phim, tự nhiên nước lên ngập lênh láng thiệt, chắc Tổ nghề phù hộ nó (Trấn Thành)”, một người dân giải thích và cho biết ngập không phải là chuyện lạ ở đây nhưng cũng chỉ thi thoảng chứ không phải ngày này qua tháng nọ, vào thời điểm phim bấm máy, nước dưới sông tự dưng lại dâng lên làm cả con hẻm ngập một cách… khó hiểu.
Phim Bố Già được quay theo “nguyên bản” của xóm Cù Lao
Nhà Ba Sang (DV Trấn Thành), Hai Giàu (NSND Ngọc Giàu), Tư Phú (Hoàng Mèo), Út Quý (Lê Thành).
Đoàn phim đi, xóm Cù Lao lẽ ra phải im ắng hơn, nhưng không!
Rồi chúng tôi cũng được “diện kiến” chiếc xe dream “cà tàng” mà Trấn Thành lái đi giao gạo xuyên suốt phim Bố Già. Tuy nó không phải là một “di tích” nhưng nó để lại trong lòng những người ái mộ phim một ký ức rất đẹp hay thậm chí ngay cả người dân nơi đây.
“Xe này của em trai cô chạy, cô cho đoàn phim mượn xe với cái nón bảo hiểm. Nó mượn sao hư luôn cái nón của cô luôn. Hư luôn cái đề xi nhan của chiếc xe giờ kiếm thay mà không có”, một người phụ nữ độ 50 tuổi chỉ chúng tôi chiếc xe dream cũ mà gia đình mình đã cho đoàn làm phim Bố Già thuê.
Chiếc xe Ba Sang (Trấn Thành thủ vai) chạy trong phim Bố Già.
Khi được hỏi chuyện đền trả, cô nói nhanh: “Thôi cô không có bắt đền, mình rộng rãi đi con, làm khó người ta rồi sau này bị người ta làm khó”.
Từ xa xa, một người phụ nữ gay gắt, căng thẳng khi thấy nhóm chúng tôi dẫn chiếc xe ra ngoài, chăm chú nhìn và quan sát nó: “Nè, ai cho mà mấy em tự ý đẩy ra vậy?”.
“Có chủ nó ở đây rồi bà ơi, người ta cho chụp hình đó”, một người khác lập tức đáp trả.
Đến đây chắc hẳn không cần giải thích người ta cũng có thể thấy rõ rệt nếp sống người dân. Sự căng thẳng ấy đã thể hiện cho một thái độ bảo vệ không gian sống, tình chòm xóm, láng giềng vẫn còn “đọng”.
Nơi đoàn phim dựng bối cảnh phim.
“Quá trời người xuống quay phim, chụp hình, mấy cô mấy cậu đó hỏi gì mà hỏi nhiều dữ lắm. Nghe đâu sắp tới người trong đoàn phim sẽ ghé xuống cho bà còn ở đây vé xem phim. Nào giờ tui không có đi rạp chiếu phim, tui đợi tới được cho vé tui đi coi thử phim mấy trăm tỷ”.
“Ê, Dân xứ Cù Lao mình bữa nào kéo đi coi phim đi”, người phụ nữ bán nước ở đầu xóm Cù Lao nói.
“Mà tui thấy cái này, phim nào người ta cũng để đoàn làm phim cảm ơn điểm A, điểm B, chỗ để quay này kia nhưng nghe đâu phim của Trấn Thành không có để cảm ơn bà con xóm Cù Lao. Nhưng mà phim nào có quay ở đây dân Cù Lao nhìn vô là biết liền, xóm mình lên hình đẹp dữ lắm”…
Những câu chuyện, lời bàn, kỷ niệm kể từ ngày Bố Già được công chiếu cứ thế mà chưa bao giờ thôi “sốt dẻo” ở xóm Cù Lao!