Đây là câu chuyện xảy ra trên một chiếc xe ô tô đường dài. Khi chiếc xe đi vào khúc cua gấp trên con đường núi, một hành khách nữ phải đứng trên xe vì hết chỗ bỗng cảm thấy có ai đó chạm vào mình, rồi sau đó nhận ra mình đã mất ví.
Cô kêu lên thất thanh, hô hoán mất đồ.
Người soát vé không yêu cầu lái xe đi tới đồn cảnh sát gần nhất, mà nói với các hành khách: ‘Chúng ta bươn trải bên ngoài đều chẳng dễ dàng, vậy xin mời hành khách nào lỡ làm thì hãy suy nghĩ lại, để ví trên sàn. Phía trước là đường hầm, sẽ không ai nhìn thấy cả. Nếu chỉ vì một cái ví mà bị kết án 2 năm tù, quả thật chẳng đáng chút nào.’
Thế là, sau khi chiếc xe đi qua đường hầm tối om, chiếc ví lại trở về tay vị khách nữ kia.
Trong thế giới này, không có ngã rẽ nào không thể quay đầu, không có sai lầm nào không thể sửa chữa.
Đôi khi, đối mặt với sai lầm của người khác, khoan dung còn có sức mạnh hơn cả sự trừng phạt. Điều làm phép màu biến mất không phải do những sai lầm mà vì trái tim giá lạnh, không chịu tha thứ, không chịu tin tưởng.
Hãy thử tưởng tượng: Giả sử người nhân viên soát vé kia yêu cầu lái xe tới đồn cảnh sát gần đó, vậy thì ‘nhân vật nhanh tay kia’ sẽ phải chịu sự trừng phạt của pháp luật.
Làm như vậy, cho dù giương cao chính nghĩa, trừng trị cái ác, nhưng lại khiến cho đối tượng đó vĩnh viễn mất đi cơ hội thay đổi.
Nhân viên soát vé thông minh không những bảo vệ được tài sản cho nữ hành khách mà còn cho ‘kẻ nhanh tay kia’ cơ hội thay đổi chính mình.
Có thể ‘kẻ nhanh tay kia’ sẽ thay tâm đổi tính, làm lại từ đầu. Nếu thật sự là như vậy thì cô soát vé đó đã vô tình cứu rỗi một linh hồn sa ngã.
Một câu chuyện khác xảy ra vào thời Chiến quốc
Có nhà vua nọ thiết đãi tiệc rượu các tướng sĩ trong lán trại, khi đang chè chén say sưa thì một cơn gió mạnh cuốn vào trong trại, làm tắt hết tất cả nến, khiến màn đen đột nhiên bao phủ cả trại.
Lúc đó, Vương phi cảm giác có ai đó đã hôn vào má mình, trong lúc cấp bách nàng đã kéo được túm dây đỏ trên mũ của người đó, rồi ngầm yêu cầu nhà vua trừng trị người bị mất túm dây đỏ đó.
Nhưng nhà vua không làm theo cách của Vương phi mà lệnh cho tất cả những tướng sĩ có mặt trong buổi tiệc nhân lúc chưa thắp đèn tháo túm dây trên đầu xuống.
Điều này khiến cho vị tướng sĩ đã mạo phạm Vương phi cảm nhận sâu sắc ân nghĩa của nhà vua, sau lần đó càng lập được thêm nhiều chiến công trên chiến trường. Chẳng những thế, trong một chiến dịch tàn khốc, anh ta đã xả thân cứu chủ, báo đáp sự khoan dung của nhà vua.
Trong cuộc sống, mỗi người đều có thể phạm sai lầm, hãy để cho những lỗi lầm đó có một chút không gian để sửa chữa, có thể bạn sẽ nhận được kết quả nằm ngoài tưởng tượng.
Vị vua ấy nhẫn nhịn nỗi nhục vợ bị trêu ghẹo nhưng nhận lại được một dũng sĩ xả thân cứu chủ. Đây không thể không nói là một kết quả bất ngờ.
Có thể bỏ qua thì nên bỏ qua, ‘lùi một bước biển rộng trời cao, nhường ba phần tâm bình khí hòa’. Đối đãi khoan dung với mọi người là một nghệ thuật, nắm vững được nghệ thuật này, bạn sẽ thu lại được những ‘trái ngọt’ kết tinh từ chính tấm lòng nhân hậu.
Cuộc sống là một tấm gương, chúng ta đối diện với nó như thế nào, nó sẽ khoản đãi lại chúng ta thế đó.
Học cách dùng trạng thái tâm lý vô tư, bình tĩnh, bao dung với tất cả những gì mình gặp phải, đó mới là thái độ sống tốt đẹp nhất.
Chúng ta không thể kiểm soát vận mệnh, nhưng có thể lựa chọn cách đối diện với hiện thực. Vậy nên, khi gặp phải những điều không vui, nhất định phải học cách bao dung. Bởi vì, tình yêu vĩ đại hơn hận thù, khoan dung mạnh mẽ hơn trừng phạt.