Chạy bộ, đạp xe lúc… 3h sáng là thực tế đã được ghi nhận tại Hà Nội những ngày thành phố cấm hoạt động thể thao ngoài trời để thực hiện giãn cách.
Khi nguy cơ tăng cao, thành phố áp dụng giãn cách theo Chỉ thị 16 một cách triệt để, nhiều người dân thay vì chấp hành thì lại bỏ thời gian nghĩ ra đủ mọi mánh khóe để chống chế nhằm thỏa mãn sở thích, thói quen của bản thân.
Người Hà Nội đạp xe, tập thể dục lúc rạng sáng (Ảnh: VNE)
Chiếc bánh mì, mớ rau… thành đạo cụ diễn xuất
“Có dịch mới hay tinh thần thể thao người Hà Nội cao đến vậy”, nhiều người Hà Nội vẫn nói đùa với nhau như thế. Quả thực, lúc bình thường tập thể dục chẳng ai hay, lúc giãn cách tập thể dục thì… lên báo vì bị xử lý vi phạm. Nhan nhản người bị xử phạt, nhẹ vài trăm, nặng vài triệu đồng nhưng vẫn thấy người ta dậy sớm tập thể dục…
Có theo dõi trên truyền hình, hay đọc một bài báo được ghi nhận tại một chốt kiểm soát dịch ở Hà Nội mới thấy lý do người ta đưa ra khi đi tập thể dục lúc giãn cách buồn cười thế nào. Nào là đi đổ rác, nào là đi mua trứng… nhưng bị hỏi vặn lại vài câu là chẳng có chút hợp lý nào hết.
Cái khó ló cái… khôn lỏi. Thậm chí, nhiều người còn chủ động vừa chạy vừa mang theo chiếc bánh mì, vừa đạp xe vừa treo trên ghi-đông mớ rau… Gặp lực lượng chức năng thì lập tức “diễn” bài đi mua đồ thiết yếu. Trong nhiều hội nhóm trên MXH, đây đã trở thành một “bí kíp lách chốt” được nhiều người lan truyền.
Mớ rau trở thành đạo cụ để người đàn ông vô tư đạp xe trên đường Lạc Long Quân lúc gần 6h sáng. Ảnh: Dân Việt
Mang vợ ra làm giấy thông hành
Không chỉ riêng lương thực, thực phẩm mới được mang ra làm “lá chắn”, những trường hợp đặc biệt khác được quy định trong Chỉ thị 16 cũng được nhiều người nghiên cứu kỹ để đưa ra phương án chống chế.
Ví như ông hàng xóm nhà tôi, mấy hôm trước hớn hở cầm 2 tờ A4 vẫy vẫy khoe như một chiến tích, như một “miễn tử kim bài”. Tưởng gì, hóa ra là… giấy khám tim và đơn thuốc của vợ, bảo rằng sẽ để sẵn trong xe hoặc khi đi bộ lòng vòng quanh hồ thì cầm theo, gặp chốt mang ra trình bày, thế là “thông”!
Thật nực cười, lần đầu tiên tôi thấy có người chồng vui đến thế khi vợ bị bệnh.
Nhiều người “thủ” sẵn giấy khám bệnh, đơn thuốc trong người khi ra đường để phòng khi lực lượng chức năng hỏi đến
Không mang theo gì thì… cãi cùn!
Mới đây, một đoạn clip từng khiến mạng xã hội xôn xao khi ghi lại cảnh một người đàn ông đi tập thể dục ở Hà Nội bị công an yêu cầu dừng lại xử lý.
Trong đoạn clip, người đàn ông thậm chí còn không đeo khẩu trang. Khi thấy công an người này vẫn không đeo và được nhắc nhở thì lấy khẩu trang ra chống chế: “Đây khẩu trang đây!”.
Chưa hết, khi được yêu cầu xử lý theo quy định về việc ra ngoài không cần thiết thì lập tức chỉ tay, lớn tiếng: “Mày bất lịch sự, xử lý cái gì. Tao đi tập thể dục”.
Đi thể dục không đeo khẩu trang, thấy lực lượng chức năng, người đàn ông này mới rút khẩu trang từ túi ra đeo. Thái độ cực kì chống đối, cãi cùn: “Tao đi tập thể dục chứ tao làm gì đâu?” khi bị lực lượng chức năng mời lại làm việc.
Cùng với đó là 1 người phụ nữ và 1 người đàn ông khác cũng bị lực lượng chức năng mời lên phường vì “ra đường không có lý do chính đáng”, nhưng liên tục phân bua: “Tôi đi chợ” (?)!
Hay như vừa qua, hình ảnh một người đàn ông cởi trần, đang ngồi hút thuốc lá ở đầu ngõ thì vội vã chạy nhanh vào ngõ để trốn khi thấy bóng dáng công an.
Khi bị tra hỏi, người này viện lý do… đi đổ rác cho vợ nên ra ngoài.
Dù đã viện đủ lý do, nhưng người đàn ông đi đổ rác vẫn bị mời về trụ sở làm việc
Có người nói về “túi rác đắt đỏ”, “điếu thuốc lá đắt đỏ” hay “lần đi chợ đắt đỏ” hoặc vân vân những tình huống khác nhau khi thấy cảnh nhiều người ra đường rồi bỗng dưng bị phạt.
Dường như cũng có lý do riêng để ra ngoài, mà khổ nỗi họ luôn cho rằng lý do của mình là chính đáng, là nhu cầu thiết yếu.
Kết
Vì buồn chân, buồn tay, không chịu được khi phải ru rú trong nhà hay cần giao lưu để không bị “trầm cảm”, họ phải ra đường.
Ai cũng có lý do của riêng mình. Nhưng những ngày này, cả nước đang gồng mình thực hiện nghiêm chỉ thị. Những lực lượng chức năng ngoài kia đang miệt mài làm việc, dốc lòng, dốc sức để bảo vệ sự bình yên cho thành phố.
Chúng ta – những người dân Thủ đô nếu không giúp ích được gì, thì đơn giản hơn, hãy ở yên trong nhà, hãy cắt bớt những sở thích, nhu cầu cá nhân của mình lại.
Thay vì tập thể dục ngoài trời như bình thường, người dân hoàn toàn có thể tự vận động tại nhà bằng các dụng cụ tập nhỏ gọn, hay đơn giản là vận động nhẹ để cơ thể thoải mái.
Tinh thần thể dục thể thao là rất cần thiết để có một cơ thể khỏe mạnh nhưng đừng mượn cớ đó mà bất chấp quy định giãn cách, làm cả cộng đồng đứng trước nguy cơ “yếu đi” vì dịch, đưa bản thân mình đứng trước nguy cơ bị phạt nặng.