F0 cần mang theo những gì khi đi cách ly!?
Do “bệnh viện dã chiến số 4 ở TP.HCM” được tận dụng từ khu tái định cư Vĩnh Lộc B – Bình Chánh bỏ trống khá lâu, nên có rất nhiều khó khăn và hạn chế những ngày đầu đi vào hoạt động. Dịch bệnh là điều chúng ta không mong muốn, nên mong mọi người cùng hiểu và cảm thông.
Để chia sẻ và cũng là chuẩn bị cho mình, khi là F0 và sẽ được chuyển tới bệnh viện dã chiến, bạn hãy chủ động chuẩn bị những thứ sau:
– Nước uống: Đem theo bình nước uống 5 lít hoặc ít nhất 1,5 lít/người. Nhỡ khi “nhập trại” đêm khuya đôi khi người ta sẽ chưa chuẩn bị kịp cho mình thì mình tự có nước uống – bệnh này cần thiết uống nhiều và thật nhiều nước.
Đêm tại bệnh viện dã chiến hơi khó ngủ vì tiếng còi hú liên tục từ đoàn xe chở bệnh nhân vào viện.
– Lương khô: Mì gói, cháo gói, miến gói, hủ tiếu gói, sữa tươi… đồ đóng gói + ấm đun sôi. Vì số lượng bệnh nhân rất đông, chỉ trong 4-5 ngày đã nhận hơn 1800 bệnh nhân, vậy nên sự sơ suất trong khâu phân chia suất ăn – người có dư – người thì không có hoàn toàn có thể xảy ra. Bệnh viện sẽ cố gắng cung cấp đủ nhưng phải đặt thêm và rất lâu sau ta mới nhận được cơm, vậy nên hãy chuẩn bị sẵn cho mình lương khô dặm bụng chống đói.
– Xà bông cục + đồ dùng vệ sinh cá nhân: Ngoài bàn chải, kem đánh răng, dầu gội đầu, kem dưỡng ẩm, kem trị mụn… và bắt buộc phải đem XÀ BÔNG CỤC theo. Chúng ta cần dùng để rửa tay đều đặn mỗi lần tiếp xúc cầm nắm vật dụng trong suốt 21 ngày cách ly điều trị hoặc hơn.
Nước sát khuẩn tay nhanh hoặc cồn dùng rửa tay hằng ngày không tốt cho da của bạn mà cũng gây khó khăn trong việc cung cấp như thế nào cho an toàn (cồn rất dễ bắt lửa) cho vài ngàn bệnh nhân, vậy nên rửa tay bằng xà bông vẫn đảm bảo an toàn vệ sinh mà không làm tổn thương da tay – dễ chuẩn bị; chúng ta cần cồn, nước sát khuẩn để lau và vệ sinh bề mặt đồ dùng.
– Áo quần, chăn màn: Áo quần thoải mái, mang vừa đủ có thể giặt mỗi ngày. Mang theo chăn màn, chai xịt muỗi…
Ban đầu bệnh nhân chỉ cần chuẩn bị những thứ đó, sau 1-3 ngày ổn định chỗ ở, thì mình có thể nhờ người nhà ship thêm đồ cần thiết vào trong.
Khi điều trị tại bệnh viện dã chiến, cần lưu ý gì về sức khỏe?
Không phải bệnh viện dã chiến chỉ toàn F0 không triệu chứng, chúng tôi vẫn đang cân não theo dõi sát lượng khổng lồ bệnh nhân nhiều bệnh nền có thể trở nặng nguy kịch bất cứ lúc nào…
Trong hình, bác sĩ đang tiến hành cấp cứu cho bệnh nhân nữ, lớn tuổi, có bệnh nền cao huyết áp. Hôm qua, cô vẫn khoẻ nhưng trưa hôm nay cô đột nhiên cảm giác thở mệt, được nhân viên y tế hỗ trợ xuống lầu dưới, đo SpO2 lúc đó chỉ 68-70%, tiến hành lấy ven tay, thở oxy qua mask, sau đó chuyển qua phòng cấp cứu cùng khu A, được thở oxy áp lực dương, sẵn sàng đặt nội khí quản khi cần và chuyển bệnh nhân lên tuyến trên điều trị tiếp.
Bệnh viện dã chiến thu dung số 04 là bệnh viện được thành lập trên chung cư bỏ trống khá lâu, và là nơi tiếp nhận theo dõi, chăm sóc, điều trị bệnh nhân nhiễm COVID-19 không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ. Nếu bệnh diễn biến nặng sẽ được xử lý cấp cứu tại chỗ và chuyển viện lên tuyến trên phù hợp hơn để điều trị.
Khi vào đây, các bác sĩ chủ yếu thăm hỏi và khám bệnh online qua điện thoại (video call), bác sĩ sẽ đánh giá tình trạng của bệnh nhân, nếu có diễn biến nặng lên thì bác sĩ sẽ có mặt để thăm khám trực tiếp và xử lý tình huống.
Vậy cá nhân bệnh nhân phải biết, phải cố gắng chăm sóc và bảo vệ chính bản thân mình trong bệnh viện dã chiến.
Bệnh nhân phải ghi nhớ tuyệt đối hạn chế tiếp xúc gần với các bệnh nhân khác dù là chung phòng.
Vệ sinh cá nhân tốt, uống nhiều nước, xúc họng thường xuyên. Cung cấp dinh dưỡng tốt, trái cây, vitamin C, tập thể dục nhẹ (không gắng sức), ngủ đủ giấc, tâm lý thoải mái hạn chế stress…
Theo dõi sát sinh hiệu: Chủ yếu là nhiệt độ – nhiệt kế sẽ được bệnh viện phát mỗi người 1 cây, kẹp vào hõm nách, sốt là khi chỉ nhiệt độ >38 độ C.
Nếu bạn bị: Đau nhức cơ, đau đầu nhiều, đau họng, chảy mũi, nghẹt mũi, buồn nôn, nôn, tiêu chảy, ho nhiều… là những triệu chứng thông thường, nhưng cần báo cho nhân viên y tế để được hỗ trợ.
Những dấu hiệu cần đặc biệt chú ý vì nó cảnh báo bệnh diễn tiến nặng
Nếu thấy cơ thể có những dấu hiệu như:
– Thở nhanh.
– Cảm giác khó thở.
– Đau tức ngực.
– Nhìn thấy da niêm nhợt nhạt hơn so với bình thường..
Lưu ý, trên những bệnh nhân có cơ địa béo phì, người lớn tuổi (>65 tuổi), có bệnh nền: cao huyết áp, tiểu đường, tim mạch… thì cần để ý sát hơn.
Nếu có các dấu hiệu cảnh báo trên thì liên hệ gấp đến nhân viên y tế để được đánh giá tình trạng “thiếu oxy” hay không bằng cách đo SpO2. Đây là dụng cụ đo cầm tay, đơn giản, để đầu ngón trỏ vào máy nó sẽ hiện chỉ số để nhân viên y tế đánh giá, nếu chỉ số SpO2 dưới 93% thì có thể hiểu phổi của bạn bị tổn thương, cần được hỗ trợ thở oxy qua mũi hoặc mask, hoặc cho thở oxy với áp lực dương và chuyển viện lên tuyến trên để được điều trị tiếp.
Theo BS.CK1 Nguyễn Cát Phương Vũ – Khoa Hồi sức Tích cực, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM); BSCK1 Tống Hồ Tứ Phương, Khoa Tai Mũi Họng Bệnh Viện Nhi Đồng Thành Phố; Ảnh: Dr. Bột Kiều Quốc Thanh, tổng quản đơn vị điều trị Bệnh Viện Dã Chiến số 4
Nguồn: Lá chắn virus Corona