Trước đó, Nhâm Hoàng Khang từng tuyên bố sẽ công bố đầy đủ sao kê của “Quỹ Hằng Hứu” từ A đến Z, tối đa trong 3 ngày. Đúng tối 15/9, Nhâm Hoàng Khang đã đăng tải bản sao kê trên trang cá nhân.
Nhâm Hoàng Khang đăng tải bản sao kê lộ rõ thông tin chi tiết các tài khoản chuyển tiền trên trang cá nhân
Tuy nhiên, điều khiến cộng đồng mạng chú ý là việc Nhâm Hoàng Khang để lộ rõ thông tin chi tiết của các tài khoản chuyển tiền đến. Dù chưa rõ tính chính xác của thông tin trong bản sao kê mà Nhâm Hoàng Khang đăng tải thì việc tiết lộ thông tin cá nhân của cá nhân, tổ chức khác khi không được khách hàng đồng ý hoặc không thuộc các trường hợp pháp luật cho phép cũng là hành vi phạm pháp luật.
Dưới bài đăng này, nhiều cộng đồng mạng tỏ ra ngao ngán trước các chiêu trò của Nhâm Hoàng Khang.
“Nhâm Hoàng Khang nhiều chiêu trò quá! Nên kết thúc drama tại đây thôi”.
“Càng ngày đi càng xa rồi, cũng không biết thực hư, chính xác tới đâu nhưng không nên để mọi chuyện đi quá xa”, một số bình luận của cộng đồng mạng.
Trước thời điểm tung sao kê, IT Nhâm Hoàng Khang đã có hàng loạt động thái “lách luật” tinh vi trên trang cá nhân Facebook.
Ngoài việc gọi tên “Quỹ Hằng Hứu là trong kịch bản một bộ phim do mình mơ thấy”, Nhâm Hoàng Khang liên tục bóng gió về việc bản thân có vô tình đánh rơi một chiếc USB có nội dung nhạy cảm, và liên tục cho rằng nếu ai đó lượm được hay làm gì thì anh không biết.
“Thông báo mất usb. Do mải mê xem livestream chị NPH, tôi có đánh rơi một usb có nội dung nhạy cảm. Vì vậy nếu trong mấy ngày tới. Chắc có ai lượm rồi làm gì tôi không biết. Tôi chỉ biết xin lỗi là quê. Ai lượm được xin lấy luôn”, Nhâm Hoàng Khang viết.
Trao đổi với Thanh Niên, về vấn đề tiết lộ sao kê hoặc thông tin tài khoản của người khác, luật sư (LS) Trương Văn Tuấn (Đoàn LS TP.HCM) cho biết, việc tiết lộ thông tin tài khoản khách hàng nếu không được khách hàng đồng ý hoặc không thuộc các trường hợp pháp luật cho phép là hành vi vi phạm pháp luật được quy định tại Điều 14 Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010.
Căn cứ theo Bộ luật Dân sự 2015 (BLDS), hành vi phát tán thông tin giao dịch ngân hàng nếu gây thiệt hại phải bồi thường. Theo khoản 2, Điều 387 BLDS 2015, trường hợp một bên nhận được thông tin bí mật của bên kia trong quá trình giao kết hợp đồng thì có trách nhiệm bảo mật thông tin và không được sử dụng thông tin đó cho mục đích riêng của mình hoặc cho mục đích trái pháp luật khác. Nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo khoản 3, Điều 387 BLDS 2015. Đồng tình với quan điểm trên, LS Lê Trung Phát (Đoàn LS TP.HCM) cho biết thêm, theo quy định về “bảo mật thông tin” tại Điều 14 của Luật Các tổ chức tín dụng 2010 sửa đổi 2017, các tổ chức tín dụng phải đảm bảo bí mật thông tin liên quan đến tài khoản, tiền gửi và các giao dịch của khách hàng tại tổ chức tín dụng. Do đó, hành vi để lộ sao kê tài khoản ngân hàng của khách hàng có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với số tiền từ 30 – 40 triệu đồng theo quy định tại khoản 4 Điều 47 Nghị định 88/2019/NĐ-CP. Riêng nếu tổ chức tín dụng vi phạm, thì mức phạt là gấp hai lần mức phạt này. |