Ngủ tại ghế sofa triển lãm, dùng đồ ăn nhẹ miễn phí trong chuỗi nhà hàng lẩu Haididao và uống rượu sâm panh tại các cuộc đấu giá là 1 trong những mánh khoé giúp phú bà “fake” hưởng thụ dịch vụ cao cấp suốt 21 ngày.
Sau khi câu chuyện trải nghiệm 21 ngày ăn ở miễn phí nhưng vẫn rất sang chảnh của 1 nữ sinh viên đại học ở Bắc Kinh, Trung Quốc được đăng tải, cư dân mạng ở đất nước tỷ dân đã được 1 phen trầm trồ.
“Tôi đã sống ở Bắc Kinh (Trung Quốc) trong 21 ngày miễn phí bằng cách tận dụng ‘chùa’ các lỗ hổng trong ngành dịch vụ. Tôi đã sử dụng tất cả các nhu cầu cần thiết, chẳng hạn như ăn uống, chỗ ở và giải trí, sống ‘duyên dáng và sung túc’ như 1 phú bà đích thực.” – Trâu Nhã Kỳ mô tả “dự án” của mình.
“Dự án” được nhắc đến ở trên chính là ý tưởng táo bạo của Trâu Nhã Kỳ. Cô cho rằng rất ít người biết cách tận hưởng sự thoải mái nhờ những “vật liệu dư thừa” của ngành dịch vụ đem lại. Theo kinh nghiệm của cô, việc phân phối những dịch vụ miễn phí ấy rất thú vị.
Trong đó chủ yếu được ưu ái cho những người có vẻ giàu có, chẳng hạn như hành lang khách sạn cao cấp có thể ngủ miễn phí, sân bay và nhà tắm khách sạn có thể tắm miễn phí, trà trộn vào đám cưới hoặc tiệc buffet để ăn cùng. Và quan trọng là phải làm cho mọi thứ trở nên hợp lý.
Trâu Nhã Kỳ cho rằng vào vai 1 người trong “giới thượng lưu” là thể hiện biểu tượng của “sức mua” vô hạn, do đó cũng được nghênh đón hơn
Trâu Nhã Kỳ nhấn mạnh rằng mình không phải là người nổi tiếng hoặc đam mê sống ảo, thậm chí cô gái còn theo chủ nghĩa tối giản và thi thoảng còn mua đồ trong các cửa hàng từ thiện.
“Trước khi thực hiện dự án, tôi đã phải chuẩn bị rất kỹ càng, đến từng nơi để thăm dò trước, tìm xem khu nào có đồ ăn miễn phí, nơi nào có thể qua đêm mà không bị làm phiền, cửa hàng nào mở cửa 24/24. Chủ yếu là phải đảm bảo không được ở 1 nơi quá lâu, nếu không sẽ rất dễ bị người ta chú ý.” – Trâu Nhã Kỳ nói.
Dự án độc đáo của cô cũng nhận được sự ủng hộ của các thành viên trong gia đình. Trâu Nhã Kỳ đã mượn tiền của mẹ để mua các đồ dùng hóa trang thành phú bà: 1 chiếc túi Hermes, 1 chiếc nhẫn kim cương, 2 chiếc vòng cổ ngọc trai và 1 hộp trang điểm cùng vài món vụ kiện của nhiều nhãn hàng cao cấp khác. Chỉ có điều tất cả đều là hàng giả.
Ngoài ra, cô gái luôn duy trì lối trang điểm tinh tế, cố tình dùng son môi đỏ tạo hiệu ứng kiêu kỳ, kết hợp với chuỗi ngọc trai đeo trên cổ “phảng phất mùi tiền”.
“Đầu tiên tôi đến 1 buổi triển lãm gần trường giúp việc lặt vặt và không lấy tiền công. Chủ cho tôi ăn ở miễn phí 3 ngày, sau đó còn mua cho tôi vé máy bay giá rẻ nhất và trả luôn tiền taxi đi đến sân bay.” – Cô nói.
Trâu Nhã Kỳ trà trộn vào phòng chờ hạng nhất với tấm thẻ VIP được in sẵn. Ở đó, cô ăn buffet miễn phí và ngủ trên chiếc ghế sofa bọc nhung đỏ
Khi dự án có bước khởi đầu thuận lợi, Trâu Nhã Kỳ cảm thấy “màn trình diễn” của mình ngày càng tự nhiên, và sự căng thẳng lúc đầu cũng dần biến mất.
Những ngày sau đó, cô đến nhiều địa điểm đấu giá khác nhau, đeo thử những chiếc vòng tay ngọc bích đắt tiền và ăn những món ăn vặt cao cấp do nơi đấu giá cung cấp.
Ngoài ra, cô còn thành công vào được sảnh chính khu nhà ăn và phòng tắm của 1 khách sạn 5 sao. Dự án bắt đầu từ ngày 1/5, đến ngày 21/5 thì kết thúc.
Trâu Nhã Kỳ “trà trộn” vào phòng tắm của 1 khách sạn 5 sao
Đặng Lệ – 1 nhà nghiên cứu liên kết tại Viện Luật của Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc kiêm Phó tổng thư ký của Trung tâm Nghiên cứu Luật – nói rằng, đây không phải là lần đầu tiên chủ đề về phú bà “fake” xuất hiện trên hot search.
Đặng Lệ nói việc mở rộng thuật ngữ “phú bà” ngày càng trở nên thoáng hơn. Ban đầu, nó chủ yếu dùng để chỉ những quý cô nổi tiếng theo nghĩa hẹp, bây giờ thì những phụ nữ giàu có, nổi tiếng (kể cả nổi trên mạng xã hội) cũng dùng được từ đó. Họ được coi là đại diện cho hình ảnh phụ nữ xinh đẹp, độc lập tài chính.
Ngày nay, 1 số phương tiện truyền thông xã hội và ngành công nghiệp giải trí sử dụng thuật ngữ “phú bà” nhưng không nhấn mạnh nội hàm văn hóa, mà chủ yếu đề cập đến những phụ nữ có danh tiếng nhất định và rất giàu có.
Tin tức về “phú bà” nhận được nhiều sự quan tâm, điều này cũng phản ánh tâm lý tò mò của công chúng
Theo quan điểm của Đặng Lệ, việc làm của nữ sinh Trâu Nhã Kỳ có thể gây nên hiệu ứng 2 chiều. Một mặt có không ít người cho rằng “trải nghiệm thân thiện” kiểu ấy chỉ dành cho tầng lớp có thu nhập cao. Mặt khác lại có người coi dự án của Trâu Nhã Kỳ như là 1 cuộc khảo sát thực địa hoặc đơn giản chỉ là 1 thí nghiệm xã hội đơn giản.
Nhìn chung, hiện tượng phú bà “fake” thường xuyên xuất hiện trong xã hội Trung Quốc đã phần nào phản ánh lối sống và giá trị của con người có sự phân hóa giai cấp. Trong đó có 1 số nhóm có tâm lý bốc đồng và các quan niệm méo mó, theo đuổi sự hưởng thụ vật chất mà bỏ qua việc cải thiện tâm hồn. Và dự án của Trâu Nhã Kỳ đã phần nào lột tả được sự thật trần trụi ấy.
Nguồn: QQ