Nhằm ứng phó với dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến đầy phức tạp, tại TP.HCM, trường ĐHQG đã trở thành một trong những địa điểm lớn nhất được sử dụng để cách ly những người nghi nhiễm.
Sau khi thu dọn cả khu A và khu B của kí túc xá trường, hàng chục nghìn chỗ ở đã sẵn sàng phục vụ công tác đón người cách ly. Sau 1 ngày đầu nhận tiếp tế, vô vàn câu chuyện ‘cười ra nước mắt’ đã được đăng tải trên mạng xã hội. Từ việc các chiến sĩ, tình nguyện viên phải vất vả vận chuyện đồ đạc, thực phẩm, thậm chí là cả những vật dụng ‘xa xỉ’ như tủ lạnh vào kí túc xá, đến việc rác thải chất đống sau khi người dân cách ly nhận đồ tiếp tế từ gia đình.
Suốt từ sáng đến chiều, cổng trường ĐHQG vẫn không ngớt người thân, bố mẹ, anh chị em tới tiếp tế cho con em ở khu cách ly. Rác thải cứ thế ùn ứ đổ ra ngày một nhiều. Từ thùng sữa, bịch nước, mì tôm, hoa quả đông lạnh, đến nhu yếu phẩm hàng ngày, không thiếu một thứ gì.
Lực lượng chức năng phải huy động, tập kết rác về một khu với hàng trăm thùng rác, bao tải lớn nhỏ. Vậy nhưng, rác vẫn tràn ra ngoài, thậm chí còn bị vứt đầy trước cổng hoặc trong khuôn viên kí túc xá khi người thân ra về.
Rác thải nhiều, nhưng cần phải xử lý, tiêu hủy ngay nên các chiến sĩ công an, bộ đội, tình nguyện viên phải rất vất vả để hỗ trợ. Không chỉ phải chuẩn bị chỗ ở, điều kiện sinh hoạt tươm tất cho hàng nghìn người cách ly, họ còn phải dành thời gian dọn dẹp khối lượng rác thải khổng lồ từ đồ ăn, đồ dùng tiếp tế từ bên ngoài.
Kí túc xá ĐHQG thậm chí còn phải dán thông báo yêu cầu ngừng nhận tiếp tế để tránh sự việc ùn ứ như ngày hôm nay. Hơn nữa, việc tụ tập đông người ở khu vực cách ly cũng rất có thể chính là nguồn cơn gây lây lan dịch bệnh.
Ngay khi những hình ảnh được đăng tải lên đã có hàng trăm, hàng nghìn bình luận thể hiện sự bức xúc, phẫn nộ của cộng đồng mạng:
‘Biết là bố mẹ thương con nhưng có nhất thiết phải mang vác bao nhiêu thứ đến như thế không? Nhà nước cũng chu cấp cơm ăn 3 bữa đàng hoàng mà’
‘Đây là đi nghỉ dưỡng rồi chứ cách ly gì nữa, khổ thân các chú, các anh vệ sinh môi trường quá’
‘Có đói đâu nhỉ, chỉ là điều kiện sinh hoạt không bằng ở nhà chút thôi, 14 ngày thôi, hãy nhìn những người phục vụ mình đã bao ngày rồi họ chưa được ngồi ăn một bữa trọn vẹn’.
Thiết nghĩ, tình hình dịch bệnh phức tạp, cách ly là tốt cho bản thân và cộng đồng. Người dân không nên quá hoang mang, gây ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình cách ly, dập dịch.