Bắt đầu từ hôm nay 6/9, để siết chặt hơn việc quản lý người ra đường và đảm bảo hiệu quả cho việc thực hiện giãn cách xã hội, Hà Nội đã có văn bản hướng dẫn về việc cấp giấy đi đường với một số nhóm đối tượng.
Tuy nhiên, sự thay đổi này vẫn có những bất cập. Sáng nay 6/9, nhiều điểm kiểm soát giấy đi đường bị ùn ứ, các phương tiện tập trung chờ đợi đông không đảm bảo giãn cách.
Trên trang cá nhân, shark Nguyễn Hoà Bình – Chủ tịch của Tập đoàn NextTech – doanh nghiệp công nghệ lớn ở Việt Nam đã góp ý về cách quản lý giấy đi đường bằng công nghệ thay vì sử dụng giấy.
Shark Nguyễn Hoà Bình viết: ‘Cần bỏ ngay tư tưởng giấy tờ và dấu đỏ 0.4 trong thời đại công nghệ 4.0 trên mẫu giấy đi đường mới dự kiến áp dụng từ 6/9, từ đó tiết kiệm rất nhiều ngân sách đầu tư của nhà nước cũng như thời gian công sức của bộ máy công quyền và toàn xã hội’.
Ý kiến của ‘cá mập công nghệ’ Nguyễn Hoà Bình
Trong lần áp dụng lần này, điểm mới là sự xuất hiện của QR-code và thành phố sẽ trang bị máy tính, máy in cũng như camera quét mã khi kiểm tra.
Ông Bình cho rằng, đây là sáng kiến cồng kềnh, lãng phí và không cần thiết. Bởi máy tính hay máy in đều không hữu ích. Hầu hết cán bộ chiến sỹ đều có smartphone cá nhân, có thể làm thay mọi chức năng của máy tính, miễn là có web/app kiểm soát giấy đi đường do thành phố cung cấp.
Trong khi đó, mã QR code có thể lưu dưới dạng hình ảnh hoặc link trực tiếp gửi về mail, tin nhắn SMS về số điện thoại của người cấp. Đối với camera quét mã, ông Bình cho rằng, thông qua sử dụng smartphone để quét mã, mọi thông tin sẽ hiện ngay lên điện thoại của cán bộ chiến sĩ.
Bên cạnh đó, việc yêu cầu ‘dấu đỏ’ tức là xác nhận của các cơ quan chức năng được ông Bình gọi là ‘đỉnh cao của 0.4 thời đại 4.0’. Điều này không chỉ làm phát sinh chi phí như trang bị máy tính, máy in, in dấu… mà còn làm đổ sông biển tính tiện ích của phi giấy tờ mà công nghệ mang lại, khiến cho tất cả các bên cũng ‘khổ’, cán bộ khổ vì xử lý in ấn dấu mà còn dân khổ vì phải đi lại xin giấy tờ.
Ảnh một điểm kiểm soát dịch ùn ứa phương tiện (Ảnh VnEconomy)
Theo quan điểm của mình, shark Nguyễn Hoà Bình gọi việc cấp giấy bị ‘tắc cổ chai’ vì giấy tờ, dấu má, gây tốn kém nhưng không giải quyết được vấn đề.
Với kinh nghiệm và quan sát của mình, shark Bình cho rằng, những góp ý ‘phi giấy tờ’ của ông không mới, nhiều địa phương, bộ ngành đã triển khai thành công với các ứng dụng như khai báo y tế, QR-Code luồng xanh, vé máy bay điện tử, hóa đơn điện tử v.v… Vì thế, theo ông việc cấp giấy đi đường mới của Hà Nội nên thừa kế những ưu điểm trên của cuộc cách mạng 4.0 trong quy trình quản lý.
Trước đó, sáng 5/9, Công an Hà Nội thông báo về việc cấp giấy đi đường theo mẫu mới cho 6 nhóm người dân trong vùng 1 (gồm 10 quận, huyện). Trong đó, nhóm 1, 3, 4 bao gồm Các cơ quan thực hiện nhiệm vụ chính trị, công vụ, ngoại giao gồm cán bộ, công chức, công vụ làm việc tại cơ quan Đảng, Nhà nước, chính quyền, Mặt trận tổ quốc, đoàn thể, chính trị xã hội đóng trên địa bàn thành phố (gồm cả cơ quan trực thuộc và tương đương); các cơ quan, tổ chức ngoại giao; các cơ quan, tổ chức trực tiếp tham gia chống dịch; các cơ quan báo chí, truyền thông. Ba nhóm này sẽ do trưởng các đơn vị chịu trách nhiệm duyệt, cấp giấy đi đường theo đúng trường hợp được ra đường theo Chỉ thị 16 của Chính phủ.
Nhóm 2 bao gồm, cán bộ, công chức, công nhân viên, người lao động của cơ quan, doanh nghiệp trực tiếp thực hiện hoạt động dịch vụ công ích thiết yếu, do Phòng Cảnh sát giao thông Công an Hà Nội cấp (PC08) cấp giấy đi đường.
Nhóm 5 gồm công dân ra khỏi nhà mua lương thực, thuốc. Trường hợp này do UBND cấp phường cấp.
Nhóm 6 gồm gười làm việc trong các cơ quan, doanh nghiệp và các trường hợp cấp thiết khác phục vụ hoạt động công vụ hoặc công ích thiết yếu sẽ do Công an xã, phường, thị trấn cấp.