Tây Du Ký 1986 được xếp vào hàng kinh điển của màn ảnh Trung Quốc, xây dựng thành công hình ảnh Đường Tăng từ bi hỷ xả, là người hết lòng vì sự nghiệp cầu kinh phổ độ chúng sinh.
Để có được một Đường Tăng thanh cao, không vướng bụi trần, đạo diễn Dương Khiết và ekip đã gạt bỏ nhiều chi tiết liên quan đến thân thế của Đường Tăng. Một trong số đó là chuyện tình giữa Đường Tăng và Nữ vương Nữ Nhi quốc.
Trong bản truyền hình, Nữ vương Tây Lương Quốc là một kiếp nạn tình ái của Đường Tam Tạng. Khán giả xem phim có thể cảm nhận được tình ý của cả hai thông qua nhưng đoạn phim lãng mạn, tình tứ.
Tuy nhiên, trong nguyên tác của nhà văn Ngô Thừa Ân, Đường Tăng không có chút tình cảm nào với Nữ vương.
Từ đầu tới cuối, mối quan hệ của cả hai chỉ là một màn lừa đảo của thầy trò Tôn Ngộ Không. Thậm chí, Đường Huyền Trang còn từng được người đẹp ôm hôn và không ít lần nói dối.
Cuộc gặp gỡ giữa thầy trò Đường Tăng và Nữ vương diễn ra khá chóng vánh. Khi Đường Huyền Trang dâng sứ điệp chờ quốc vương đóng ấn ký để tiếp tục lên đường, Nữ vương có ý giữ Đường Tăng lại làm vua, còn mình thì nhường ngôi và trở thành hoàng hậu.
Nghe theo lời khuyên của Tôn Ngộ Không, Đường Tăng giả vờ tham gia bữa tiệc, sau đó giúp ba đồ đệ nhận được sứ điệp trước. Tiếp theo, Đường Tăng muốn ra cổng thành tiễn bước họ. Nhưng khi ra đến cổng thành, 4 thầy trò bèn trở mặt, khiến vua quan Tây Lương quốc sửng sốt.
Trùng hợp là trong khoảng khắc đó, một cơn gió do yêu quái tạo ra cuốn Đường Tăng đi mất, khiến Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới, Sa Tăng nhanh chóng đuổi theo. Nữ vương đứng đó như sợ hãi tưởng rằng thầy trò Đường Tăng được cưỡi mây về cõi Phật. Vị nữ quan an ủi rằng: “Họ là các vị La Hán bay lên trời giữa ban ngày, bệ hạ không nên sợ hãi ngờ vực. Đường ngự đệ đúng là bậc Thiền tăng đắc đạo. Chúng ta thật là có mắt như mù, nhận lầm là đàn ông Trung Hoa, uổng phí cả tấm lòng mơ tưởng. Thôi, xin bệ hạ lên xe về triều cho”.
Đạo diễn Dương Khiết đã khiến cho Tây Du Ký “thơ” hơn khi xây dựng hình ảnh Đường Tăng động lòng phàm. Tập phim cũng thường được coi là mang bầu không khí lãng mạn nhất trong toàn bộ chuỗi tác phẩm.
Sohu cũng nhắc đến Đường Tăng trong truyện là người bị trói buộc bởi hận thù, những tạp niệm của hồng trần. Mãi sau này, ông mới toàn tâm toàn ý đi lấy kinh, một lòng hướng Phật. Ngoài ra, Đường Tam Tạng cũng nhiều lần bị nhận xét là kẻ nhu nhược, không thông minh, không giỏi ứng biến.