“Cuộc thử nghiệm cho thấy virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh COVID-19 có thể tồn tại trong không khí tối đa 3 giờ và tối đa 3 ngày trên một số bề mặt”, bà Neeltje van Doremalen, trưởng nhóm nghiên cứu tại Viện nghiên cứu quốc gia về dị ứng và bệnh truyền nhiễm thuộc Viện Y tế Quốc gia Mỹ (NIH), cho biết, theo AP ngày 12.3.
Các nhà khoa học cho biết họ đã dùng thiết bị phun sương để phun các mẫu SARS-CoV-2 vào không khí, giả lập tình huống bệnh nhân COVID-19 ho hoặc hắt hơi.
Nhóm nghiên cứu phát hiện SARS-CoV-2 có thể tồn tại tối đa 3 giờ trong không khí; tối đa 4 giờ trên bề mặt làm bằng chất liệu đồng; tối đa 24 giờ trên bìa giấy cứng và tối đa 2-3 ngày trên nhựa và thép không gỉ.
Kết quả thử nghiệm đối với những mẫu virus SARS-CoV gây Hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS) cũng đưa ra kết quả tương tự.
Cuộc thử nghiệm đã được thực hiện tại Phòng thí nghiệm Rocky Mountain của NIH ở thành phố Hamilton, bang Montana (Mỹ). Nhiều nhà khoa học của NIH, Đại học Princeton và Đại học California tham gia công trình nghiên cứu được tài trợ bởi chính phủ và Quỹ khoa học quốc gia Mỹ.
Nhóm nghiên cứu đã nhấn mạnh kết quả thử nghiệm này không để chứng minh rằng có thể nhiễm bệnh nếu hít phải virus Corona trong không khí hoặc chạm vào bề mặt bị nhiễm virus này.
“Chúng tôi không hề có ý nói rằng có lây lan virus này qua đường khí dung”, mà cho thấy virus có thể sống sót trong thời gian dài trên một số điều kiện nhất định, bà van Doremalen nói.
Các nhà nghiên cứu chỉ đăng tải kết quả thử nghiệm trên một trang website chia sẻ của cộng đồng nghiên cứu và chưa công bố chính thức.
Hiện các nhà khoa học khác vẫn chưa xem xét và đánh giá về cuộc thử nghiệm SARS-CoV-2 này. “Tuy nhiên, cuộc thử nghiệm cho thấy giá trị và tầm quan trọng của khuyến cáo về tăng cường giữ vệ sinh cá nhân”, bà Julie Fischer, giáo sư chuyên ngành vi sinh học tại Đại học Georgetown, cho biết.
“Những gì chúng ta cần làm hiệ giờ là rửa tay thường xuyên, nhận thức được rằng bệnh nhân COVID-19 có thể làm nhiễm bẩn các bề mặt và tránh chạm tay vào mặt”, bà Fischer nói với AP.
“Chúng tôi vẫn đang nghiên cứu, tiếp tục tìm kiếm cách tốt nhất để tiêu diệt SARS-CoV-2. Tuy nhiên, làm sạch các bề mặt bằng thuốc tẩy pha loãng có thể giúp loại trừ SARS-CoV-2”, chuyên gia Doremalen khuyến nghị.
Kể từ khi bùng phát ở Trung Quốc cuối năm ngoái, dịch COVID-19 đã lây nhiễm hơn 120.000 người khắp thế giới và làm chết hơn 4.600, cao hơn dịch SARS năm 2003.
Theo tờ The Telegraph, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo SARS-CoV-2 có thể tồn tại trên bề mặt tiền giấy trong nhiều ngày, làm gia tăng nguy cơ lây nhiễm. Hiện vẫn chưa rõ SARS-CoV-2 có thể tồn tại bao lâu bên ngoài cơ thể con người.
Một số nghiên cứu cho rằng virus này có thể tồn tại trên bề mặt cứng trong tối đa 9 ngày. Ngân hàng trung ương Anh cũng thừa nhận tiền mặt có thể mang virus. Hồi tháng 2, Trung Quốc đã khử trùng và tiêu hủy một lượng tiền mặt bị nghi có dấu tích SARS-CoV-2. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ hôm 6.3 tuyên bố sẽ cách ly những tờ USD thu về từ châu Á trước khi tái lưu chuyển trong hệ thống tài chính ở nước này nhằm đề phòng virus gây COVID-19 lan rộng. Trước khi virus gây COVID-19 bùng phát, một nghiên cứu năm 2014 của Đại học New York (Mỹ) đã xác định 3.000 loại vi khuẩn tồn tại trên những tờ USD. |