Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã ký ban hành Chỉ thị 18 về “Tiếp tục kiểm soát, điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 và từng bước phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn thành phố”.
Theo đó, những mục tiêu được TP.HCM đề ra:
– Tăng cường kiểm soát, phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên toàn địa bàn thành phố; kéo giảm số ca nhập viện và số ca tử vong đến mức thấp nhất; ưu tiên bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân là trên hết, trước hết; củng cố, phục hồi hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở.
– Từng bước khôi phục và phát triển kinh tế – xã hội thành phố an toàn, hiệu quả; quan tâm mở các hoạt động của khu vực sản xuất, dịch vụ; đảm bảo an sinh xã hội bền vững cho người dân thành phố.
– Đưa sinh hoạt của người dân bước sang trạng thái bình thường mới.
Người dân chơi đá cầu, tập thể dục trong ngày đầu TP.HCM chuyển sang trạng thái bình thường mới
Người dân TP.HCM được yêu cầu thực hiện nghiêm 5K. Luôn nêu cao tinh thần cảnh giác, chủ động, linh hoạt và động viên người thân cùng gia đình biết tự bảo vệ mình, sống khỏe và sống an toàn.
Người dân khi tham gia lưu thông sử dụng mã QR khai báo di chuyển của ứng dụng VNEID và mã QR có thể hiện lịch sử tiêm chủng của ứng dụng Y tế HCM hoặc Sổ sức khỏe điện tử (đến khi ứng dụng PC-COVID chính thức đưa vào hoạt động).
Trường hợp không có mã QR, xuất trình giấy tờ sau: F0 đã khỏi bệnh dưới 180 ngày; đã tiêm chủng (ít nhất 1 mũi đối với loại vaccine tiêm 2 mũi và ít nhất 14 ngày sau tiêm) khi được cơ quan chức năng yêu cầu.
Người dân được di chuyển trong nội thành TP.HCM; không tự ý đi lại giữa các tỉnh, thành phố khác.
Các hoạt động được phép hoạt động
1. Các cơ quan, đơn vị Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, các cơ quan, đơn vị Nhà nước của Trung ương đóng tại TP.HCM. Thủ trưởng cơ quan, đơn vị quyết định số lượng cán bộ, công chức, viên chức và người lao động theo quy định của UBND TP.HCM, đảm bảo Bộ Tiêu chí đánh giá an toàn phòng, chống dịch Covid-19.
2. Các cơ quan lãnh sự, tổ chức quốc tế và văn phòng kinh tế – văn hóa nước ngoài có trụ sở trú đóng trên địa bàn thành phố chủ động quyết định phương thức làm việc phù hợp với đặc thù của tổ chức và đáp ứng quy định về biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 của UBND TP.HCM và Bộ Y tế.
3. Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập và tư nhân; các cơ sở dịch vụ y tế; các cơ sở kinh doanh dược, mỹ phẩm, vật tư, trang thiết bị y tế.
4. Các hoạt động sản xuất, thương mại, kinh doanh, dịch vụ (14 nhóm hoạt động) như trung tâm thương mại, siêu thị, chợ truyền thống, chợ đầu mối, cửa hàng tiện lợi, cơ sở ăn uống (chỉ cho bán mang đi), nhà hàng trong cơ sở lưu trú được phép phục vụ tại chỗ cho khách lưu trú.
5. Các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao:
6. Hoạt động giáo dục, đào tạo:
7. Hoạt động của các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự tập trung tối đa 10 người; trường hợp người tham gia đã được tiêm đủ liều vaccine hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 được tập trung tối đa 70 người.
8. Hoạt động tập trung ngoài trời, trong nhà:
– Hoạt động trong nhà (hội họp, tập huấn, hội thảo…) tập trung tối đa 10 người; trường hợp người tham gia đã được tiêm đủ liều vaccine hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 được tập trung tối đa 70 người.
– Hoạt động ngoài trời tập trung tối đa 15 người; trường hợp người tham gia đã được tiêm đủ liều vaccine hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 được tập trung tối đa 100 người.
Những hoạt động tiếp tục tạm dừng:
– Các sự kiện: văn hóa, nghệ thuật, tôn giáo, tín ngưỡng, mít tinh, lễ phát động trừ các trường hợp được cơ quan có thẩm quyền cho phép hoạt động.
– Hoạt động kinh doanh, dịch vụ: quán bar, spa, massage, dịch vụ làm đẹp, dịch vụ ăn uống tại chỗ, rạp chiếu phim, vũ trường, karaoke, trò chơi điện tử.
– Hoạt động bán hàng rong, vé số dạo.
– Hoạt động của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ khác trừ các trường hợp được cho phép hoạt động.