Mới đây, các nhà khoa học ở Viện Y tế Quốc gia Mỹ, ĐH Princeton và ĐH California, Los Angeles, công bố nghiên cứu trên kho dữ liệu medRxiv khẳng định, nCoV có thể lây lan qua khí dung (aerosol) cũng như bề mặt tiếp xúc nhiễm khuẩn.
Nhóm nghiên cứu cho biết: ‘Kết quả phân tích chỉ ra rằng, virus này có thể sống sót nhiều giờ trong khí dung và nhiều ngày trên các bề mặt’.
Những nhà khoa học sử dụng ống phun nCoV vào không khí theo các tương tự khi ho. Vì vậy, họ phát hiện nCoV trong không khí sau đó 3 giờ.
Nhóm nghiên cứu cũng đặt mẫu vật trên nhiều bề mặt khác nhau. Họ nhận thấy virus có thể tồn tại tới 4 giờ trên vật liệu đồng, 24 giờ trên giấy bìa cứng và 2 – 3 ngày trên nhựa hoặc thép không gỉ.
Các thử nghiệm cho thấy độ ổn định của nCoV rất giống virus gây dịch SARS năm 2002 – 2003.
Ngoài ra, nhóm nghiên cứu của giáo sư Gunter Kampf ở Viện Vệ sinh dịch tễ và Môi trường thuộc Bệnh viện Đại học Greifswald và giáo sư Eike Steinmann, trưởng khoa Phân tử và Vi trùng học ở ĐH Bochum kết luận nếu nCoV giống các chủng virus Corona khác như SARS hoặc MERS, chúng có thể tồn tại trên bề mặt kim loại, thủy tinh hoặc nhựa lâu tới 9 ngày.
Tuy nhiên, một số chủng virus Corona không hoạt động khi nhiệt độ ở mức 30 độ C. Giáo sư cũng nhận thấy các chất diệt trùng trong nhà có thể tiêu diệt hiệu quả virus Corona. Ví dụ, dung dịch diệt trùng chứa 62 – 71% ethanol, 0,5% hydrogen peroxide hoặc 0,1% sodium hypochlorite có thể vô hiệu hóa virus Corona trong vòng 1 phút.
Các nhà nghiên cứu chưa xác định được liệu tay người có dễ dính virus Corona sau khi chạm vào bệnh nhân hoặc bề mặt nhiễm khuẩn hay không. Theo các trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh, một người có thể mắc virus sau khi chạm vào bề mặt hoặc đồ vật nhiễm khuẩn rồi chạm vào mắt, mũi, miệng, nhưng đây không phải là cách lây lan chính của nCoV.
Loại virus này dễ lây nhất từ người này sang người khác qua tiếp xúc gần hoặc dịch nhầy bắn ra khi ho hoặc hắt hơi.
Theo Live Science