Mới đây, nhiều dân mạng không khỏi xôn xao vì sự xuất hiện của một group với cái tên: “Hội những người ghét cha mẹ”. Đúng như tên gọi, group dường như là nơi tụ họp của rất đông các bạn trẻ mang trong mình bất mãn với phụ huynh.
Các bài đăng trong group khiến người đọc đi từ trạng thái choáng váng, sang bất bình vì nội dung tiêu cực. Nhưng đáng nói, ẩn sau những câu từ hằn học của con cái dành cho cha mẹ lại xuất phát từ những lý do trời ơi đất hỡi.
Có gì trong group 4,4 nghìn thành viên để “trút giận” cha mẹ?
“Hội những người ghét cha mẹ” về cơ bản cũng là một nơi để trút bầu tâm sự cho những đứa con, cũng giống group “Growing up in a toxic family” (Lớn lên trong một gia đình độc hại) tập hợp hơn 14k thành viên gây chú ý một thời.
Khác biệt ở đây có lẽ là, nếu group trước các thành viên chỉ đơn thuần kể câu chuyện của mình để than vãn và tìm sự đồng cảm từ người xem, những Gen Z khác thì “Hội những người ghét cha mẹ” lại thiên về việc sử dụng ngôn ngữ hằn học, trút giận, bôi nhọ người thân và gia đình.
Đỉnh điểm là có những status chia sẻ bản thân thấy “hạnh phúc” khi mẹ bị tai nạn (?).
Chiếc group đang gây hoang mang nhất ngày hôm nay
Những “người con” trong group có thể ghét bố mẹ mình vì đủ thứ nguyên nhân mà đọc xong người ta cũng phải ngây người. Các mâu thuẫn cơ bản dẫn phát hành sự nổi loạn ngầm và được thể hiện ra bằng các dòng “tút” cay cú, thậm chí đầy từ ngữ tục tĩu bao gồm:
– Mâu thuẫn khi bị bố mẹ đánh mắng
“Lúc nào cũng chửi, cũng đánh. Thứ bố gì vậy, đồ quá đáng, loại vô tâm. Tôi ghét ông ta. Ông ấy không phải bố tôi, thà đi ra đường ở còn sướng hơn”
“**, ôn thi mà cũng chửi. Sống làm sao cho vừa lòng đây?”
Những bài đăng kiểu này đầy rẫy trong group
Có vẻ như nhiều thành viên sẵn sàng bất mãn với gia đình vì bất kể lý do dù to dù nhỏ
– Mâu thuẫn vì bị bố mẹ coi thường hoặc có yếu tố thiên vị
“Hôm nay là một ngày *** ra gì. Hôm nay lớp tôi công bố điểm, tôi được có 7,3 thế là ông ba bảo sao ít điểm thế ***. Trong khi đó 3 năm trước chị cả được có 6,4 thì bảo con cố gắng lên nha.
Đúng là phân biệt đối xử có lí ghê á. Mà cũng đúng bởi vì tôi ghét bố lâu rồi mà, nhịn vài tháng là xong, làm *** gì căng, giỏi thì ông ba lên học hộ cái, làm như dễ lắm”.
– Mâu thuẫn vì có yếu tố bạo hành
“Cha tôi mỗi lần uống rượu say thường hay đánh đập tôi và mẹ tôi. Tôi từng nghĩ ông ấy đánh tôi là vì thương tôi nhưng thật ra không phải. Hiện giờ ông ấy lại ra ngoài ngoại tình, mẹ tôi thì yếu đuối không dám làm gì hết.
Tôi đã khóc rất nhiều nhưng tôi không tâm sự được với ai. Tôi không thể chịu đựng nữa, thứ tôi cần là tình thương của bố mẹ tại sao họ lại không cho tôi”.
– Mâu thuẫn vì xin tiền chơi game, mua điện thoại không cho
“***, hôm nay xin ông bà già 20 triệu mua điện thoại xịn chơi game mà ông bà già *** cho”.
“Đang leo rank thì bị ngắt wifi, có nên **** ông bà già không?”
Và “hầm bà nhằng” các lý do trời ơi đất hỡi khác, đôi khi là cả tâm sự hả hê khi bố mẹ mình gặp chuyện.
Có người thậm chí còn tỏ ra hả hê khi phụ huynh bị tai nạn
Đáng chú ý là ngay từ phần giới thiệu group, admin cũng đã đưa ra các điều kiện duyệt thành viên không giống ai. Theo đó, muốn có mặt trong đây, bạn sẽ phải có ít nhất 2-3 lần cãi nhau với bố mẹ trong 1 tuần.
Bạn cần kể lại chi tiết phi vụ cãi nhau đó, và cũng cần trả lời rõ ràng luôn thái độ của bạn dành cho phụ huynh là yêu hay ghét.
“Tham gia group nói xấu bố mẹ vì những lý do không thể chấp nhận nổi”
Theo tìm hiểu, group được lập từ tháng 12/2016, lần cuối đổi tên là tháng 2/2017. Tính đến thời điểm hiện tại đã thu hút 4,4k thành viên tham gia. Tuy nhiên, không phải toàn bộ 4,4k con người xuất hiện trong “Hội những người ghét cha mẹ” đều join với mục đích kể xấu hay chửi bới đấng sinh thành của mình.
Mà 1/2 trong số đó còn có cả những người tham gia chỉ để phản đối lại những người chửi bới.
Nghĩa là sao? Nghĩa là song song với các bài đăng toxic của các cá nhân đang bất mãn với gia đình là các bài đăng với nội dung lên án group, chỉ ra những lý do không đáng để các thành viên lên mạng bôi nhọ bố mẹ mình.
Những netizen này không hoàn toàn đổ lỗi về một phía nào cả mà đưa ra tư vấn khá chân thành như ngồi xuống nói chuyện với bố mẹ, tìm chuyên gia tâm lý chuyên nghiệp…
“Tôi nghĩ là các bạn trong group này có suy nghĩ tiêu cực về bố mẹ do chưa hiểu rõ vấn đề (trừ những bạn thực sự bị bạo hành hay bị bố mẹ đối xử xấu thật sự hoặc bố mẹ không cùng máu mủ).
Các bạn nên suy nghĩ thấu đáo một chút, bố mẹ ai cũng muốn con cái của mình sống tốt, muốn cố gắng cho con cái sống đầy đủ vì vậy đôi khi hơi áp đặt cũng là điều khó tránh khỏi.
Mình nghĩ các bạn nên ngồi nói chuyện với bố mẹ về vấn đề ấy chứ không nên lập một group như này để xúc phạm chính người mang nặng đẻ đau ra mình. Mình chỉ nói vậy thôi chứ không có ý dạy đời các bạn hay gì đâu nhưng mong các bạn suy nghĩ kỹ về vấn đề này”, một trong số những bình luận tích cực nhận được khá nhiều like.
“Trừ mấy người thật sự bị bạo hành hay ghét bỏ bởi những người thân trong gia đình, còn lại mấy bạn bị cắt wifi, không cho tiền nạp game, bị cấm chơi game hay gây ra lỗi sai trong gia đình rồi lên đây chửi lại ba má thì coi lại còn sót cái duyên nào không?
Mốt hông có zậy nữa nghe chưa, nói chứ đọc xong mấy tus của mấy bạn ôi thôi thấy tội nghiệp cho ba má các bạn luôn đó”, một comment lên án những bài đăng của các thành viên toxic trong nhóm.
Đáp lại những comment phân tích đúng sai này, nhiều thành viên trong group ghét cha mẹ vẫn đưa ra ý kiến cãi cùn, cho rằng không thích nói xấu cha mẹ thì xin mời rời khỏi nhóm.
Kết
Ai cũng sẽ có lúc gặp vấn đề, bất mãn…, ai cũng có một khoảng thời gian nổi loạn dù có người thì thời kỳ này đến sớm, có người thì đến muộn hơn. Và việc trút ra mọi thứ trên MXH với mong muốn được thấu hiểu, đồng cảm hay chỉ là giải tỏa cảm xúc nhất thời là chuyện có thể lý giải được.
Tuy nhiên, việc dùng ngôn từ xúc phạm bố mẹ hay thậm chí là hùa nhau dẫu trong bất kì hoàn cảnh nào hay vì lý do gì thì có thể không phải ngay lúc này, nhưng trước sau gì bạn cũng sẽ dằn vặt và hối tiếc thôi.
Hãy cẩn trọng với lời nói và phát ngôn của mình, nhất là khi chúng được công khai hoàn toàn trên mạng.