(Lưu ý: Bài viết tiết lộ một phần nội dung phim, cân nhắc trước khi đọc!)
The Platform là một bộ phim Tây Ban Nha đang gây sốt những ngày gần đây. Với 7 điểm IMDb và đạt 84% “độ tươi” trên Rotten Tomatoes, The Platform được nhiều người đánh giá là phiên bản đen tối hơn của Parasite – tác phẩm điện ảnh đã thắng lớn tại Oscar năm nay. Tuy nhiên, cái kết của bộ phim đã khiến nhiều người “ngẩn tò te” ra vì không hiểu gì. Dưới đây là một vài chi tiết ẩn dụ mà người xem có thể đã bỏ qua hoặc chưa hiểu rõ khi theo dõi tác phẩm này.
1. Ý nghĩa thực sự của cái hố?
The Platform kể về những người sống trong một cái hệ thống hố sâu được phân thành nhiều tầng nối tiếp nhau. Mỗi ngày, một bàn thức ăn sẽ được đưa đến chỗ họ, từ cao xuống thấp. Theo cơ chế này, những người ở tầng dưới sẽ ăn thức ăn thừa của các tầng trên. Có thể dễ dàng nhận ra, cái hố này tượng trưng cho xã hội phân tầng với các địa vị khác nhau. Những tầng trên đại diện cho giai cấp thượng lưu trong xã hội, và tầng dưới đại diện cho những người ở địa vị thấp hơn.
Poster của “The Platform”.
“Sự giàu có của một người không đến từ việc anh ta tích lũy bao nhiêu, mà đến từ việc anh ta đã trao đi bao nhiêu”. Đây là một đoạn trong Kinh Thánh, và cũng là thông điệp mà Parasite đã từng truyền tải. Chỉ khác là The Platform truyền tải nó một cách đen tối và tàn bạo hơn. Có lẽ đây cũng chính là lý do người xem liên tưởng hai bộ phim này với nhau.
Bàn thức ăn đi từ tầng 0 đến tầng 333.
333 là số tầng cuối cùng trong cái hố. Đây cũng là một hình ảnh tượng trưng trong tôn giáo và theo quan niệm của nhiều người. 333 là một nửa của con số 666 – con số tượng trưng cho ác quỷ. Điều này đồng nghĩa với việc tầng cuối cùng trong cái hố chính là một hình ảnh biểu tượng của địa ngục, và tầng 0 có thể xem như biểu tượng của thiên đường, nơi mọi người được thoải mái ngắm nhìn các tạo vật của Thiên Chúa – một bàn ăn nguyên vẹn vừa được dọn ra.
2. Ý nghĩa tên gọi của những nhân vật?
Điều thú vị là có rất nhiều dụng ý được giấu sau cái tên của các nhân vật. Chẳng hạn như nhân vật chính Goreng (Iván Massagué), tên anh trong tiếng Bahasa nghĩa là “chiên”, điều này phần nào thể hiện được cuối cùng Goreng đã quyết định ở lại “hỏa ngục” – dưới đáy của cái hố, để chấp nhận bị hỏa thiêu cho những việc mình đã làm.
Goreng (Iván Massagué) là nhân vật chính của bộ phim.
Tên của Miharu (Alexandra Masangkay) – cô gái châu Á điên cuồng đi tìm con của mình, trong tiếng Nhật có nghĩa là “mở to mắt”. Cũng như vai trò của cô trong tác phẩm, sự đấu tranh của Miharu đã giúp Goreng mở to mắt mình và nhìn thấy sự tàn bạo của hệ thống hố sâu này.
Miharu (Alexandra Masangkay) theo bàn ăn đi xuống để tìm con của mình.
Ramses II chính là tên của chú chó mà Imoguiri (Antonia San Juan) luôn mang theo bên mình. Cái tên này được đặt theo vị Pharaoh vĩ đại đã lãnh đạo toàn dân Ai Cập. Và khi chú chó chết, hình ảnh này tượng trưng cho niềm hy vọng đoàn kết mọi người trong hố sâu cũng bị giết chết.
3. Tại sao đứa trẻ là thông điệp?
Mặc cho Imoguiri đã cố gắng thuyết phục mọi người chỉ ăn đủ nhu cầu của mình và chuẩn bị sẵn khẩu phần cho tầng dưới, chẳng ai quan tâm, cho đến khi Goreng đe dọa làm ô nhiễm thức ăn của họ. Nhưng đúng như anh nói, Goreng và Imoguiri không thể tác động đến những người ở tầng trên, dù đó mới là những người có khả năng thay đổi vấn đề.
Imoguiri (Antonia San Juan) đã từng làm việc 15 năm cho hệ thống.
Đứa trẻ nằm co ro dưới gầm giường ở tầng cuối cùng mới chính là thông điệp mà đến gần cuối phim Goreng mới nhận ra. Imoguiri đã làm việc cho hệ thống 15 năm, và cô vẫn tin rằng không có một đứa trẻ dưới 16 tuổi nào bị đưa vào đây. Đứa trẻ chính là thông điệp để báo cho những người ở tầng đầu tiên là hệ thống này đã hỏng. Cũng như trong cuộc sống, trẻ em đôi khi chính là niềm tin, là niềm hy vọng để những người đứng đầu thực sự nhìn nhận những sai lầm trong cơ chế quản lý và sửa chữa nó.
Goreng (Iván Massagué) và Baharat (Emilio Buale Coka) khi tìm thấy cô bé.
Còn một thông điệp nữa được truyền tải thông qua cô bé giấu tên này. Hình ảnh rúm ró, sợ hãi và đáng thương trên gương mặt trẻ thơ của em lúc được Goreng và Baharat (Emilio Buale Coka) tìm thấy đã khiến chúng ta bàng hoàng nhận ra: Trẻ em đôi khi là nạn nhân chịu nhiều thiệt thòi và đau khổ nhất trong các cuộc đấu tranh giai cấp của cuộc đời.
Cô bé giấu tên là thông điệp chính của bộ phim.
4. Tại sao Goreng chấp nhận ở lại dưới đáy của cái hố?
Dù bản chất của Goreng lúc đầu không xấu, nhưng trong vòng 6 tháng ở đây, anh đã làm nhiều chuyện kinh khủng. Có lẽ đó là một trong những lý do khiến anh chấp nhận ở lại dưới đáy của cái hố, đền bù cho những tội lỗi của mình.
Goreng (Iván Massagué) biến chất mỗi ngày khi ở trong “hố sâu đói khát”.
Thứ duy nhất Goreng mang theo khi đến đây là quyển Don Quijote – một tác phẩm nổi tiếng về chàng kị sĩ dũng cảm xứ Mantra. Chi tiết này đã gián tiếp nói về vai trò và con người của anh. Goreng chính là người hiệp sĩ trong quyển sách, anh chấp nhận hy sinh bản thân mình vì lợi ích của mọi người. Điều này cũng giải thích cho đoạn cuối cùng khi Goreng tự xưng mình là “người mang thông điệp” và được mỉa mai gọi là “Đấng Cứu Thế”.
5. Ý nghĩa thực sự của cái kết là gì?
Goreng chưa bao giờ thoát khỏi sự ám ảnh về Trimagasi (Zorion Eguileor) và Imoguiri, vì họ thực chất là hình ảnh tượng trưng cho con ác quỷ đang lớn dần trong nhân cách của anh, khi anh không chỉ ăn thịt Trimagasi mà còn chủ động cắt thịt Imoguiri để ăn về sau. Goreng đã chấp nhận ở lại hố sâu khi nhận ra “địa ngục” là kết thúc xứng đáng cho tội lỗi của mình.
Goreng ((Iván Massagué) cuối cùng đã chấp nhận cái chết.
Anh đã bước đi ở đáy của cái hố, đồng hành với linh hồn của Trimagasi và tiến dần về phía bóng tối, chính là cái chết, trong khi sau lưng họ là hình ảnh cô bé đang vươn mình về phía ánh sáng – sự sống và hy vọng.
The Platform đã mang đến một cái kết buồn, nhưng tràn đầy hy vọng về một ngày, thế giới sẽ trở nên tốt đẹp hơn. The Platform có lẽ đã xuất hiện vô cùng đúng lúc, khi thế giới vì chống chọi với đại dịch toàn cầu COVID-19, mà tranh giành và giẫm đạp lên nhau mỗi ngày. Hãy để The Platform trở thành một thông điệp, thông điệp về việc yêu thương và san sẻ giữa mọi người, thông điệp về một người hy sinh lợi ích của mình vì tất cả mọi người trên thế giới.
The Platform đã phát hành trên Netflix.