Trái ngược với “The Social Dilemma” là màn bóc tách trần trụi mối nguy hiểm của mạng xã hội thì “Rừng Thế Mạng” đem đến những thước phim sinh động, chân thực về câu chuyện đi trốn vào rừng của các phượt thủ trẻ. Hai bối cảnh kể chuyện hoàn toàn đối lập nhưng lại có một điểm chung “tử thần”: mỗi năm chúng ta chứng khiến không ít người gặp nguy hiểm, tử nạn ở hai nơi này. Thử đặt lên bàn cân xem trong rừng hay trên mạng xã hội thì an toàn hơn?
Trong Rừng Thế Mạng, một nhóm bạn gồm Kiên (Huỳnh Thanh Trực), Bách (Trần Phong), Khanh (Thùy Anh), Ngọc (Thùy Dương) và Phước (Nguyễn Phước Lộc), Hoàng (Lê Quang Vinh) đi phượt ở Tà Năng – Phan Dũng, cung đường nổi tiếng với dân phượt Việt Nam. Vì một số mâu thuẫn, chuyến đi đang vui bỗng trở thành cơn ác mộng bất thường của dân trekking: tách đoàn và đi lạc. Rừng Thế Mạng là phim điện ảnh thứ hai của đạo diễn Trần Hữu Tấn và nhà sản xuất Hoàng Quân sau thành công đầu tay của Bắc Kim Thang. Đây cũng là dự án phim sinh tồn đầu tiên của Việt Nam, một bộ phim không thể phù hợp hơn để mở màn cho mùa phim hè của điện ảnh Việt năm 2021.
Kẻ tám lạng người nửa cân về độ “chết người”
Chẳng phải ngẫu nhiên khi rừng và mạng xã hội khi được đặt cạnh nhau bởi Đen đã từng hát “ở trong rừng an toàn hơn ở trên mạng” đấy thôi. Nhưng khi phân tích kỹ, ta sẽ thấy cả hai đều có mức độ nguy hiểm “một chín một mười”.
Đầu tiên là cung đường phượt thuộc loại đẹp hàng đầu của Việt Nam – Tà Năng Phan Dũng, với tổng chiều dài khoảng 55km, được bao bọc bởi rừng núi hoang sơ, nơi đây liên tục nằm trong top những địa điểm trekking mạo hiểm được yêu thích nhất cả nước. Những câu chuyện về “thần rừng”, “ma dắt người”, “mỗi năm lấy 1 mạng người”, “thác địa ngục” được người dân địa phương lẫn dân đi tour truyền tai nhau, lý giải cho các vụ tử nạn của phượt thủ diễn ra tuần tự theo quy luật năm-từng-năm, gây nên sự tò mò phấn khích cực lớn với khách đi trek. Tà Năng Phan Dũng trong “Rừng thế mạng” quả thật giống như lời đồn – đẹp mê hoặc rực rỡ như những khung hình của Khanh, hay ám ảnh liên hồi qua lăng kính của Kiên. Ở đây, “sai một li là đi một dặm” như trường hợp của Bách và Kiên. Chỉ vì chọn sai một ngã rẽ mà lạc nhau trăm dặm, dẫn đến cái kết không thể buồn hơn cho cả hai.
Mạng xã hội cũng chẳng hề kém cạnh, mức độ nguy hiểm cũng “không phải dạng vừa đâu”. Hiện gần 70% người dân Việt Nam dùng Internet nhưng chỉ một bộ phận nhỏ với “năng lượng đen, xấu” đã làm ảnh hưởng tới môi trường mạng xã hội. Từ năm 2014 đến nay, có 5 – 6 người tự tử vì bị bôi xấu, ném đá tập thể trên mạng xã hội. Trong “The Social Dilemma” Tim Kendall – cựu chủ tịch Pinterest và cựu giám đốc kiếm tiền Facebook nhận định: “Các dịch vụ công nghệ này đang giết người và khiến mọi người muốn tự tử”. “Giết người” có thể là một từ nặng, nhưng không thiếu căn cứ. Ta có thể thấy từ những ví dụ thời sự như các phát ngôn sai lệch vô tội vạ về COVID-19 khiến nhiều người tin theo và nhiễm bệnh; những tin giả gây kích động trên mạng xã hội gây ra bạo động ngoài đời thực, hay những lời miệt thị, tiêu cực có thể khiến một cá nhân tự tử…
Vòng này chiến thắng thuộc về mạng xã hội, ừ thì ở trong rừng an toàn hơn trên mạng.
Một mình giữa đại ngàn sẽ đáng sợ hơn, hay là cô đơn trên mạng?
Mọi chuyện sẽ hoàn toàn khác nếu bạn chỉ-còn-một-mình giữa đại ngàn. Bạn có thể tưởng tượng ra không? Nếu không thì hãy xem Rừng Thế Mạng để biết trải nghiệm đó kinh khủng biết bao nhiêu. Những tưởng đây chỉ là hành trình chinh phục đỉnh Tà Năng – Phan Dũng giữa một nhóm bạn chơi thân với nhau. Nhưng đâu ai ngờ, ngay từ khi bắt đầu, sự rạn vỡ đã nhen nhóm, dẫn tới nghi kỵ, ghen tuông che mờ lý trí, dẫn tới bi kịch đen tối. Trong đó, tất cả những nhân vật từ Kiên, Hoàng, Bách, Khanh, Ngọc, Phước đều có góp phần, dù lớn dù nhỏ, tạo nên mâu thuẫn không thể giải quyết. Kẻ thì cứng đầu, người thì thiếu hiểu biết, người vô duyên, kẻ lại tự ái cao. Tất cả cùng nhau đi vào rừng, đi trek cần dựa vào tinh thần tập thể, nhưng mỗi người họ đã trao linh hồn và cảm xúc của mình cho quỷ dữ, để rồi lạc lối theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.
Diễn xuất xuất thần trong phim của các diễn viên trẻ thật sự khiến người xem bất ngờ, nhất là ở vai Kiên do Huỳnh Thanh Trực thủ vai. Nam diễn viên trẻ đã thể hiện thuyết phục cảm giác điên cuồng, tuyệt vọng khi mỗi ngày trôi qua là một vòng lặp, không biết phương hướng. Cứ như đang sống trong một cơn ác mộng, có tiếng gọi của Bách, có những kí ức ám ảnh như một bóng ma chực chờ nuốt trọn lấy tâm hồn rách nát của Kiên. Mỗi ngày Kiên đều bị tra tấn. Điều đáng sợ hơn nữa là Kiên chẳng biết sẽ bị như vậy trong bao lâu, hoàn toàn là một ẩn số. Huỳnh Thanh Trực đã diễn vai Kiên bằng tất cả những gì mà một diễn viên có thể có như cơ mặt, gân trán, ánh mắt, hình thể lẫn tiếng khàn đục trong giọng nói khi kiệt sức. Các cảnh sinh tồn hiện lên đầy chân thật chính nhờ sự hy sinh của Huỳnh Thanh Trực cho vai Kiên. Được biết anh đã cố ép cân, tự đóng nhiều phân cảnh rùng rợn như ăn ếch sống, thủ dâm để vực dậy tinh thần, đu dây, treo mình trên thác nước 60m. Một cuộc chiến sinh tồn chân thực được tạo nên từ ý chí “quyết chiến thắng vai diễn” từ Thanh Trực.
Bên cạnh nhân vật Kiên, vai Bách của Trần Phong cũng là một vai diễn đầy ám ảnh gây thương cảm, từ đầu tới cuối Bách luôn chịu nhận phần thiệt về mình vì anh nghĩ người khác đáng thương hơn. Chính vì suy nghĩ đó, anh vô tình đẩy người bạn thân nhất của mình vào trạng thái “nạn nhân”, khi Kiên đổ lỗi cho mọi thứ trong cuộc sống của mình. Tới khi chính Bách hứng chịu cú lật của cuộc đời, mọi tội lỗi chỉ mình Bách gánh. Bi kịch cuộc đời anh thực ra đã bắt đầu từ lúc anh không chọn yêu thương mình, cho đến kết cục khi anh nhận lấy cái quả đắng cho chính mình khi cô đơn giữa đại ngàn.
Bạn thấy đó, khi chỉ có một mình, mức độ nguy hiểm của đại ngàn là vô cùng vì chẳng ai biết cách nào để thoát khỏi nó, còn mạng xã hội thì may mắn hơn, ít nhất chúng ta có thể lựa chọn ngắt kết nối mạng. Vòng này, tỉ số giữa mạng xã hội và rừng xanh đã ngang nhau.
Dù trong rừng hay trên mạng, ai cũng cần trang bị “khả năng sinh tồn”
Thắng bại chưa phân nhưng chắc chắn chúng ta đều biết rằng cả trong rừng và trên mạng đều tiềm ẩn vô số rủi ro. Bởi thế, chúng ta – những người đã đang hoặc sẽ tham gia vào cuộc hành trình trên đều cần được trang bị “khả năng sinh tồn” cho chính mình. Mỗi nơi cần được “đối phó” theo những cách khác nhau.
Những trekker hãy ghi nhớ những điều sau trước khi vào “rừng”. Trước tiên, hãy tìm hiểu về khu vực bạn sẽ thám hiểm đó nó như thế nào. Kiến thức về hệ thực vật, động vật khu vực đó, những thông tin về khí hậu, địa hình, yêu cầu về sức khoẻ bên cạnh những địa điểm check-in và cảnh đẹp phải chụp. Hãy “am hiểu” rừng trước khi bước vô rừng, đừng như nhóm bạn Kiên, họ bắt đầu hành trình chỉ với cảm hứng “xách ba lô lên và đi”, với một anh Lead “gà mờ” lần đầu dẫn đoàn.
Trong trường hợp bạn bị lạc, lúc này “khả năng sinh tồn” sẽ phải phát huy tối đa. Muốn sống sót được trong rừng sâu khi bị lạc, điều đầu tiên chúng ta cần đó là phải bình tĩnh. Khi không bình tĩnh thì tốt nhất là không nên làm gì cả. Hãy hít một hơi thật sâu rồi xem xét tình hình như thế nào để có thể tự giúp bản thân sinh tồn trong rừng sâu. Chắc hẳn lúc đó, Kiên và Bách đã không đủ bình tĩnh đứng lại xem xét tình hình, càng đi càng lạc.
Còn phải làm sao để sinh tồn trên mạng xã hội, lấy giấy bút ra và nhớ lấy những điều này.
Hãy lịch sự với tất cả mọi người, kể cả người bạn ghét. Đừng dùng từ ngữ thô tục, lời lẽ xúc phạm người khác. Luôn nhớ hãy nói những điều bạn muốn nghe từ miệng người khác. Mọi thứ xuất hiện trên mạng đều là đã tồn tại nên nên suy nghĩ kĩ trước khi phát ngôn. Nếu ở ngoài đời bạn cần phải uốn lưỡi bảy lần trước khi nói, thì trên mạng xã hội bạn cũng cần uốn tay bảy lần trước khi đăng tải cái gì đấy. Cùng với đó hãy luôn tỉnh táo khi tham gia mạng xã hội, dùng các dịch vụ kiểm tra độ chính xác (fact check) để kiểm tra độ xác thực của tin tức.
Cuối cùng, bài học quý báu mà chúng ta học được qua hai bộ phim “The Social Dilemma” và “Rừng Thế Mạng” đó chính dẫu trong rừng hay trên mạng đều không an toàn nếu bạn không được trang bị những kỹ năng cần thiết. Dù ở đâu, đã trong chốn nguy hiểm thì kẻ biết nhiều hơn sẽ luôn là kẻ sống sót lâu hơn.