“Group anti” nhan nhản, tẩy chay vô tội vạ
Anti-fan được hiểu đơn giản là những người không thích một ai đó. Khi nhiều anti-fan có chung một mục tiêu cần tẩy chay, cần công kích tập hợp lại với nhau và hoạt động trên nền tảng mạng xã hội thì tạo thành các “group anti”.
Thời gian qua, showbiz Việt chứng kiến một đợt sóng gió lớn mang tên “anti-fan”, hàng loạt nghệ sĩ Hương Giang, Trấn Thành, Lâm Vỹ Dạ,… đều trở thành nhân vật bị anti đông đảo.
Hàng loạt group anti xuất hiện, mỗi nhóm có tới hàng chục nghìn đến hàng trăm nghìn thành viên
Hương Giang là nhân vật nổi trội nhất trong làn sóng anti-fan lần này khi số lượng thành viên trong nhóm anti lên tới hơn 100.000 người. Nguyên nhân bắt nguồn từ việc cô bị cho là nói đạo lý quá nhiều trên các show truyền hình, cùng với đó là hàng loạt câu chuyện quá khứ bị đào bới lại. Rất nhanh, những chiến dịch anti Hương Giang được hình thành, kêu gọi tẩy chay mọi lúc mọi nơi, tạo áp lực cho tất cả nhãn hàng và chương trình phải loại bỏ cái tên Hương Giang. Có thể nói, đây là “group anti” hùng mạnh nhất Vbiz hiện nay.
Dù không dữ dội bằng Hương Giang nhưng Trấn Thành cũng là nhân vật bị công kích khá nhiều vì “mau nước mắt” trên các chương trình. Lâm Vỹ Dạ thì bị lập nhóm anti vì xuất hiện ở quá nhiều gameshow, tỏ thái độ không tốt trong các chương trình. Hari Won thì bị ghét vì ở Việt Nam 10 năm nhưng nói chuyện vẫn “lơ lớ”, lại còn làm MC nhiều chương trình.
“Đáng thương” nhất là Hoa hậu Khánh Vân, chỉ nói một câu mong mọi người bớt khắt khe với Hương Giang cũng bị anti-fan vào tận Facebook cá nhân lẫn fanpage công kích.
Thậm chí, kể cả những nhân vật không phải là người trong giới giải trí như bạn trai Hương Giang – Matt Liu, hay CEO từng tham gia “Người ấy là ai” – Tống Đông Khuê cũng có cả “group anti” chẳng khác gì nghệ sĩ.
Mục đích thực sự chưa chắc là để tẩy chay?
Khi một “group anti” được thành lập thì đương nhiên “tôn chỉ hoạt động” của nhóm này là tập trung công kích, tạo làn sóng tẩy chay một nhân vật cụ thể. Tuy nhiên, đôi khi đây cũng là chiêu trò của một số thành phần, lợi dụng sự căm ghét, phẫn nộ của cộng đồng mạng với một cá nhân nào đó để trục lợi cho mình.
Lập một nhóm kín trên Facebook, thu hút tất cả những anti-fan của một ai đó, mở rộng quy mô nhóm, đẩy tương tác cao và bước cuối cùng là bán lại “group” khi được giá chính là cách thức kiếm tiền từ trào lưu anti-fan dạo gần đây.
Ví dụ điển hình nhất chính là “group anti” Hương Giang có tên “Anti nữ hoàng đạo lý” bị đổi tên thành “Thực đơn ăn dặm” khiến cộng đồng mạng, nhất là các thành viên trong nhóm được phen hoang mang.
Nhiều người cho rằng mục đích chính của admin nhóm này là để kinh doanh, “dựa hơi Hương Giang” để câu kéo cộng đồng mạng chứ không vì mục đích tẩy chay. Một số khác cho rằng group này đã bị bán đi vì “được giá”.
Và không chỉ riêng “group anti” này của Hương Giang mà sau đó rất nhiều nhóm mọc lên, mang danh là “group anti nghệ sĩ A”, “group tẩy chay nghệ sĩ B” nhưng khi đã đạt được lượng thành viên và tương tác nhất định thì âm thầm bị đổi tên với mục đích khác.
Anti thế nào cho văn minh?
Mỗi người đều có quyền yêu, ghét, góp ý, chê bai, và anti-fan không hẳn đã là người xấu. Nhìn nhận theo hướng tích cực, sự xuất hiện của anti-fan sẽ chỉ ra những thiếu sót, phê bình những lỗi sai, khuyết điểm để nghệ sĩ nhìn nhận và hoàn thiện lại mình.
Thực chất, anti-fan không phải là khái niệm mới mẻ mà họ chính là một phần của thế giới giải trí. Bất cứ nghệ sĩ nào dù nổi tiếng và tài năng đến đâu cũng không tránh khỏi việc không làm vừa lòng ai đó.
Yêu, ghét là chuyện bình thường, nhưng yêu thế nào cho đúng, ghét sao cho văn minh là điều công chúng cần suy nghĩ. Với thực trạng anti-fan phản ứng thái quá, lập group vô tội vạ, moi móc đời tư, thậm chí lăng mạ, bịa đặt, xúc phạm nhân phẩm của nghệ sĩ lại là điều đáng lên án, đáng bị loại bỏ. Đặc biệt, việc lợi dụng “tiếng xấu” của người khác để kiếm tiền, chuộc lợi cá nhân lại càng nên bị cộng đồng mạng thẳng tay triệt tiêu.
Sau hàng loạt sự việc giữa các nghệ sĩ và anti-fan, có lẽ đã đến lúc cả hai bên cùng nhìn nhận lại. Với nghệ sĩ, bên cạnh việc đón nhận tình cảm từ fan, cần học cách ứng xử khéo léo với anti-fan để tránh những đụng độ không cần thiết, gây ảnh hưởng trực tiếp đến mình và những người xung quanh. Bên cạnh đó, anti-fan cũng cần tỉnh táo hơn để không sa đà vào việc bôi nhọ, xúc phạm người khác, đồng thời tránh để bản thân bị những kẻ xấu lợi dụng, biến thành công cụ kiếm tiền.