Tối 30/10, Hương Giang đã đăng những động thái mới nhất sau khi bị 1 group antifan với hơn 100 nghìn người theo công kích ồ ạt. Cụ thể, Hương Giang cho rằng, mình có được như ngày hôm nay là nhờ sự ủng hộ của khán giả và fans hâm mộ.
Hương Giang trong một show truyền hình
Hương Giang cho biết, luôn luôn trân trọng khán giả của mình những người luôn góp ý chân thành và giúp Giang ngày một tốt hơn. Chính vì vậy, Hương Giang sẽ lắng nghe ý kiến của khán giả góp ý, sẽ không xuất hiện dày đặc trên sóng truyền hình và bày tỏ quan điểm cá nhân của mình nữa.
“Giang sẽ để ý hơn về các phát ngôn và biểu cảm gương mặt của mình, làm nhiều điều tốt hơn cho cộng đồng và xã hội để làm cho khán giả của mình được vui. Còn antifan thì KHÔNG”, Hương Giang khẳng định.
Hương Giang cho rằng: “Đã tự gọi mình là antifan thì tức là bạn không phải một khán giả trung lập. Không có mong muốn góp ý thiện chí cho nghệ sĩ hay xây dựng ý kiến cho nghệ sĩ tốt lên”
Hình ảnh làm việc với cơ quan công an được Hương Giang chia sẻ trên trang cá nhân Facebook
Đồng thời Hương Giang cho rằng, group “Anti Nữ Hoàng Đạo Lý” lập ra để “bash” Hương Giang. Mục đích nhằm cho thấy sức mạnh của antifan như thế nào và muốn cho Hương Giang hết đường làm ăn nhưng vẫn tự nhận là một group anti “văn minh”.
Hương Giang khẳng định đanh thép rằng: “Rất nhiều nghệ sĩ đã im lặng chịu đựng và cho qua nhưng Hương Giang thì KHÔNG”.
Trước sự việc trên, dư luận đặt ra câu hỏi: Người có hành vi miệt thị, xúc phạm Hương Giang có thể chịu mức phạt nào? Để làm rõ hơn, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng Văn phòng luật sư Đồng Đội, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội.
Theo quan điểm của Luật sư Trần Xuân Tiền, việc đăng bài mang tính miệt thị, xúc phạm danh dự nhân phẩm người khác trên mạng xã hội là hành vi trái pháp luật, tùy mức độ có thể bị phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng Văn phòng luật sư Đồng Đội, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội
Theo Điểm g, Khoản 3, Điều 102, Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định hành vi “Cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác” có mức phạt từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.
Trong trường hợp hành vi mang tính chất nghiêm trọng thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Khoản 2 Điều 155 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 về “Tội làm nhục người khác” có mức phạt tù lên tới 2 năm với tình tiết định khung tăng nặng là “sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội.
“Trước vụ việc trên, ca sỹ Hương Giang có quyền yêu cầu những người đăng bài xúc phạm danh dự, nhân phẩm của mình gỡ bỏ bài viết và bồi thường thiệt hại về tinh thần theo quy định của Bộ luật dân sự, mức bồi thường tối đa là 10 tháng lương cơ sở”, Luật sư Trần Xuân Tiền chia sẻ.
Trao đổi thêm, Luật sư Tiền cho rằng, nhiều người sử dụng mạng xã hội có thể do hiểu biết pháp luật chưa đầy đủ hoặc không nhận thức được hậu quả pháp lý có thể gánh chịu nên vẫn có những hành vi vi phạm Luật An ninh mạng.
“Thời gian gần đây, các cơ quan chức năng đã xử phạt nhiều trường hợp nhưng có lẽ chưa đủ sức răn đe nên tình trạng này vẫn diễn ra khá phổ biến. Do đó, các cơ quan có thẩm quyền cần tăng cường công tác kiểm tra, rà soát các trường hợp vi phạm và xử lý thích đáng, mang tính răn đe. Bên cạnh đó, cộng đồng xã hội cần đấu tranh mạnh mẽ đối với những hành vi vi phạm trên không gian mạng, kịp thời tố giác đến cơ quan công an để lành mạnh hóa không gian mạng”, Luật sư Tiền chia sẻ.
Long Quyền