Showbiz chưa bao giờ ngừng biến động, điều đó là chắc chắn. Ở các năm trước, người ta thường nói đến số lượng scandal ‘không thể đếm hết’ trong làng giải trí khi viết về những bài tổng kết một năm đã trôi qua.
Song, ở năm 2020, tất cả các scandal đều phải ‘nhường đường’ cho một xu thế đang trỗi dậy mạnh mẽ – cơn bão antifan.
Từ đâu mà ra?
Làn sóng antifan xuất phát từ ngọn nguồn là sự kiện của Hương Giang. Một nửa năm 2020 đã trôi qua thành công với Hương Giang khi các chương trình có sự góp mặt của nàng hậu tại vị trí host đều đạt sự chú ý từ phía khán giả.
Những Người ấy là ai, Bài hát đầu tiên hay Chị em chúng mình đều có tỷ suất rating ổn định, riêng Người ấy là ai với màn ‘tìm bạn trai’ và công khai hẹn hò sau chương trình càng đẩy tên tuổi Hương Giang lên cao.
Chưa dừng lại đó, người đẹp sinh năm 1991 còn phủ sóng dày đặc trên mọi mặt trận, từ âm nhạc với sản phẩm Tặng anh cho cô ấy ‘chốt hạ’ vũ trụ ‘Tuesday’ với hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ, hay bộ phim điện ảnh Sắc đẹp dối trá gây sốc khi được dựng lên dựa trên một phần câu chuyện có thật của Hương Giang. Đồng thời, cựu Hoa hậu chuyển giới quốc tế còn bận rộn chuẩn bị cho chương trình sắc đẹp Miss International Queen dự kiến lên sóng vào cuối năm.
Tuy nhiên, việc phủ sóng với tần suất quá cao không phải lúc nào cũng mang lại ưu điểm. Chẳng biết tự lúc nào, Hương Giang bỗng trở thành tâm điểm chỉ trích trên các diễn đàn mạng xã hội, khi từng lời cô nàng nói trên các chương trình đều bị bóc tách khỏi ngữ cảnh và đem lên bàn cân so sánh với nhau.
Từ đó, khán giả cho rằng Hương Giang có lời nói bất nhất, lúc thế này, khi thế kia, và biệt danh ‘Nữ hoàng đạo lý’ cũng xuất phát từ chuyện Hương Giang chia sẻ quá nhiều, đưa ra lời khuyên quá nhiều qua các chương trình cô nàng tham gia.
Các hội nhóm antifan của Hương Giang xuất hiện ngày một nhiều và số lượng thành viên thì có thể đếm đến chục nghìn người. Ở thời điểm đó, Hương Giang có một nước đi tưởng là đúng đắn nhưng thực chất lại ‘sai không thể tả’: công khai tuyên chiến với antifan.
Antifan – vốn đã sẵn sự ghét bỏ đối với từng hành động, lời nói của Hương Giang – đương nhiên sẽ không vì chuyện này mà nao núng. Mà những ‘người qua đường’ từ ban đầu không hề quan tâm đến những ồn ào này rồi cũng phải chú ý đến.
Nói đi cũng phải nói lại, đã là người nổi tiếng thì luôn sẽ phải nhận về hai luồng ý kiến: tiêu cực hoặc tích cực. Gần như rất ít những nghệ sĩ nào hoàn toàn bị ghét, hay hoàn toàn được thích. Với một ngôi sao tham gia nhiều lĩnh vực như Hương Giang thì điều đó lại càng không thể.
Khi mọi chuyện đi quá xa, nào là antifan đòi làm cho rõ việc Hương Giang và một người mặc trang phục cảnh sát đến tận nhà antifan, đến việc tẩy chay hình ảnh của nữ nghệ sĩ trên mọi mặt trận, từ báo cáo kênh Youtube của Hương Giang đến đòi các nhãn hàng phải chấm dứt hợp tác với cô nàng, thì Hương Giang đã lên tiếng xin lỗi với hy vọng mọi thứ có thể kết thúc tại đây.
Vậy nhưng, làn sóng antifan đó vẫn không dừng lại. Mãi đến thời gian gần đây, khi xuất hiện nhiều gương mặt để… anti hơn, ‘đại chiến’ của Hương Giang và antifan mới dần lắng xuống.
Có lẽ rằng phát hiện quyền lực của mình trong việc tác động đến danh tiếng các ngôi sao có một phần nào đó đang trở nên lớn hơn, quan trọng hơn, nên từ đó cộng đồng mạng rộ lên phong trào antifan. Sau Hương Giang, đến vợ chồng Trấn Thành – Hari Won bị tấn công vì ‘nói đạo lý’ trên truyền hình và ‘khóc quá nhiều’.
Năm 2020, Trấn Thành đầu tư sản xuất phim điện ảnh Bố Già, làm MC Rap Việt – một chương trình thiên về Hip Hop/ Rap và thậm chí còn góp giọng trong một sản phẩm âm nhạc. Đây là những điều mà trước nay anh chưa từng làm.
Việc một MC không chuyên về Hip Hop/ Rap dẫn một chương trình thuộc lĩnh vực âm nhạc này đã làm dấy lên những ồn ào nhất định. Nhiều khán giả cho rằng Trấn Thành không có chuyên môn thì sẽ rất khó để tập trung vào cốt lõi mà chương trình muốn truyền tải.
Điều này thực ra không khó hiểu, những khán giả của Hip Hop/ Rap hiển nhiên vẫn mong muốn được thưởng thức thuần Hip Hop/ Rap hơn. Trấn Thành như một ‘nốt lệch tông’ trong một bản nhạc đã quá chuẩn chỉnh như Rap Việt. Những người làm chương trình hy vọng anh sẽ mang đến yếu tố giải trí, song không phải khán giả nào cũng hiểu.
Chuyện này chưa hết, chuyện khác lại đến, Trấn Thành lại tiếp tục bị anti vì… những giọt nước mắt. Mỗi khi thí sinh Rap Việt trình bày những bản rap dạt dào cảm xúc, có thể là dựa trên cảm hứng nào đó hoặc khai thác từ chính câu chuyện của họ, thì đôi mắt của nam MC đỏ hoe. Nhiều lần khán giả còn ‘tia’ được mắt anh rơm rớm nước mắt. Thay vì cảm thông và cùng Trấn Thành đồng cảm với điều đó, họ lại nhận xét nam MC quá mau nước mắt và không biết kiểm soát cảm xúc trên sóng truyền hình.
Cùng với nhiều yếu tố khác, như Hari Won làm MC biết bao năm nhưng vẫn nói theo kiểu lơ lớ, có thái độ không nghiêm túc khi được MC Trường Giang góp ý… Thế là đôi vợ chồng quyền lực trở thành ‘con mồi’ mới của làn sóng antifan.
Phải chăng đang ngày càng đi xa mục đích ban đầu?
Phải thừa nhận một điều rằng, antifan bây giờ đã văn minh hơn xưa. Trong một số hội nhóm antifan thậm chí còn đặt rõ điều lệ: không được phép xúc phạm ngoại hình, vóc dáng của ‘người bị anti’. Những lý do bị anti phải được liệt kê rõ ràng, có bằng chứng và căn cứ xác đáng chứ không phải ‘khơi khơi’ hay ‘ai đó đồn đoán’ mà ra.
Nhìn từ một khía cạnh khác, làn sóng antifan không phải hoàn toàn có hại. Đó là một hồi chuông cảnh tỉnh đối với các nghệ sĩ, rằng họ không phải là người có quyền lực lớn nhất. ‘Kẻ định đoạt’ tất cả chính là khán giả. Năm 2021 đã đến, không còn chuyện một nghệ sĩ có thể đi lên bằng ồn ào, lùm xùm hay tranh cãi, mà phải có sự công nhận đến từ phía công chúng.
Thế nhưng, dường như khía cạnh tốt này đã bị lu mờ bởi trào lưu antifan ồ ạt. Thấy ai đó ‘có vẻ đáng ghét’, một bộ phận cư dân mạng lập tức lập hội nhóm anti vô tội vạ. Mục đích có thể là vì hạ bệ nghệ sĩ, hoặc cũng có thể vì tiền, để bán group (vốn đã có sẵn lượt tương tác và số lượng thành viên cực cao).
Hiện tượng này xảy ra từ vụ việc của Thủy Tiên. Ban đầu, khi Thủy Tiên phát động chiến dịch huy động tiền làm từ thiện, hỗ trợ cho người dân miền Trung vượt qua thiên tai, nữ ca sĩ đã nhận được sự ủng hộ từ mạnh thường quân khắp đất nước. Tuy nhiên, vì chỉ có một team nhỏ với vài bạn trẻ, cộng thêm số tiền nhận được lớn ngoài dự định nên team của Thủy Tiên không tránh khỏi một vài sai sót.
Cụ thể nhất là việc Thủy Tiên có cách xử lý, giải quyết vụ việc bác trưởng thôn ở Hải Lăng, Quảng Trị chưa đúng. Nữ ca sĩ cũng đã nhận sai về mình và viết tâm thư gửi lời đến công chúng. Tuy nhiên, một bộ phận antifan ‘ngứa mắt’ với cách Thủy Tiên tổ chức từ thiện và đặt biệt danh cho cô là ‘Lũ Hậu’, lập hội nhóm antifan.
Chưa dừng lại đó, một số netizen quá khích đã bắt đầu chiến dịch tấn công các nhãn hàng hợp tác quảng cáo với Thủy Tiên, yêu cầu họ phải cắt hợp đồng với nữ ca sĩ, nếu không thì tẩy chay, không tiếp tục mua hàng. Chưa hết, những chương trình có mặt Thủy Tiên cũng bị tấn công bằng cách thức tương tự.
Rồi tiếp đó lại đến Ninh Dương Lan Ngọc – Linh Chi – Ngọc Trinh bị anti lũ lượt. Nguyên nhân vì trong một sự kiện, cả ba đã có hành động được cho là không đúng mực phải lối với đàn chị Thủy Tiên: Linh Chi nhiều lần hất tóc trúng bà xã Công Vinh, Lan Ngọc lại có ánh nhìn hơi ‘cáu bẳn’ với đàn chị khi Thủy Tiên rời khỏi chỗ ngồi. Ngọc Trinh vì ngồi cạnh, lại là bạn thân nên cũng vô tình ‘trúng đạn’.
Và một lần nữa lịch sử lại lặp lại: Linh Chi bị antifan đổ bộ vào các tài khoản mạng xã hội cá nhân để công kích, chửi bới, Ninh Dương Lan Ngọc bị antifan gây sức ép lên nhãn hàng để ‘đuổi’ cô nàng khỏi các hợp đồng quảng cáo. Càng không thể thiếu những hội nhóm antifan được lập nên như ‘nấm mọc sau mưa’.
Đỉnh điểm của trào lưu antifan ồ ạt chính là vụ việc của cô nàng Khánh Vân. Trong chương trình Sao nhập ngũ 2020, tình huống Khánh Vân bật khóc khi Kỳ Duyên, Nam Thư đề nghị tắm chung với các đồng đội nhằm tiết kiệm thời gian gây nên tranh cãi lớn. Một bộ phận cư dân mạng cho rằng cô nàng ‘ỏng ẹo công chúa’, ‘bánh bèo vô dụng’, và hành động bật khóc bỏ đi trong lúc Nam Thư, Kỳ Duyên đang nói là không tôn trọng đến các chị em.
Khi tranh cãi xảy ra, hội chị em đồng loại đứng ra bênh vực Khánh Vân. Ai cũng hiểu được, nếp sống và thói quen của mỗi người mỗi khác. Sao nhập ngũ đã chiếu đến tập 4 và qua 1 tháng trời nhưng thực tế trong chương trình thì các cô gái chỉ mới trải qua ngày đầu tiên, vẫn còn nhiều bỡ ngỡ, hoang mang lẫn một chút không quen thuộc. Huống chi, Khánh Vân đã sống tự lập và xa nhà từ sớm. Mấy năm bước vào showbiz cũng là ngần ấy năm cô nàng ở nhà một mình.
Đến cả ekip sản xuất và Mũi trưởng Việt Long – người trực tiếp chỉ huy tiểu đội của 6 cô gái – cũng giải vây cho Khánh Vân. Như vậy có thể phần nào hiểu được, Khánh Vân không phạm phải lỗi gì nặng nề hay nghiêm trọng cả, đặc biệt là với những người trực tiếp liên quan đến vụ việc.
Khi hiện tượng hội nhóm antifan của Khánh Vân bắt đầu cán mốc những con số ‘khủng’, rất nhiều netizen đã bất bình thay cho Khánh Vân, rằng chỉ một tình huống trong chương trình không đủ để nói lên nhân cách của nàng diễn viên Mắt Biếc như thế nào. Những bài viết trong hội nhóm antifan này hầu như cũng chỉ lặp đi lặp lại một vài vụ việc, bằng chứng thì được cắt ghép, chắp vá bởi những story trên mạng xã hội hay một vài khoảnh khắc của cô nàng trong các chương trình từng tham gia.
Kết
Khán giả có đặc quyền rất lớn trong việc quyết định ‘số phận’ của nghệ sĩ – điều này không sai. Thế nhưng, đừng để quyền lực đó biến một bộ phận trong chúng ta trở thành những người có thể ‘ném đá’, hạ bệ các nghệ sĩ một cách vô tội vạ. Hãy giữ cho quyền lực của khán giả nằm đúng ở bản chất và cốt lõi: lên án khi các nghệ sĩ muốn nổi tiếng bằng lùm xùm, ồn ào, hay họ vi phạm pháp luật, đạo đức.
Không ít những hội nhóm với hàng nghìn, hàng chục nghìn thành viên của Hương Giang giờ đây đều đã đổi tên và bị bán đi với giá trị không nhỏ. Và tương tự, một bộ phận những hội nhóm anti Trấn Thành, Hari Won, Lâm Vỹ Dạ, Thủy Tiên, Ninh Dương Lan Ngọc,… cũng tương tự. Phải chăng, chúng ta đang vô tình góp sức cho những kẻ xấu kiếm tiền bằng mọi cách?
Ở một phương diện khác, các nghệ sĩ có lẽ cũng nên hiểu được một điều rằng thời thế giờ đã khác, khán giả hoàn toàn có quyền tẩy chay những người khiến họ không thích. Một người bình thường còn có kẻ ghét, người thích, nói chi những nhân vật đứng dưới ánh hào quang, xuất hiện trên những chương trình triệu view hay đứng trên những sân khấu với hàng chục nghìn khán giả như nghệ sĩ?
Các nghệ sĩ cần nhìn nhận khách quan rằng không phải lúc nào những ‘người không thích’ đều là antifan, và lúc nào antifan cũng chỉ chăm chăm ném đá. Đối với những ý kiến góp ý khách quan, hãy thẳng thắn tiếp thu để hoàn thiện bản thân mình hơn. Và điều quan trọng nhất: cốt lõi để tạo nên một vị trí vững vàng trong làng giải trí mà ‘sóng sau xô đổ sóng trước’ chính là tài năng và tác phẩm. Vì vậy, hãy luôn đầu tư cho 2 yếu tố này để không trở thành những người bị đào thải.