Nếu hỏi người dân xã Vân Từ (huyện Phú Xuyên, TP Hà Nội) về làng Cựu, bạn sẽ nhận được câu trả lời rất giống nhau, đó là “làng của người giàu” hay “làng Tây”.
Làng Cựu nổi tiếng từ khi Việt Nam còn là thuộc địa của Pháp. Cái tài may vá, khéo léo thêu thùa của người dân làng Cựu được người Pháp và giới tư sản cả nước tín nhiệm và dần dà, họ nhanh chóng nổi tiếng, mệnh danh làng thợ may “đệ nhất Hà thành”. Đơn hàng liên tục được chuyển về, hàng trăm lượt khách Tây ra vào may đo comple, veston mang đến cho làng Cựu biệt danh mới là “làng Tây”.
Làng Cựu với ngõ vắng trầm mặc
Cũng chính nhờ sự cần cù, chịu khó, số tiền kiếm được từ nghề may đã giúp dân làng sớm trở thành tầng lớp thượng lưu ở TP Hà Nội. Những biệt thự nguy nga, đẹp nhất mang dáng dấp của những ngôi biệt thự kiểu Pháp mọc lên trong khoảng năm 1920-1945 cũng nhờ vào sự thịnh vượng đó.
Xuôi dòng sông Nhuệ xuống phía Nam, bất cứ ai vào làng Cựu cũng đều như lạc vào một khung cảnh hoàn toàn khác lạ. Mặc dù vẫn là phong cảnh làng quê Việt với cây đa, giếng nước, sân đình nhưng kiến trúc của những căn nhà tại đây đều pha trộn giữa nét văn hóa Á Đông và Tây phương. Chính sự nửa Tây – nửa Ta, nửa tráng lệ – nửa bình dân, nửa cổ kính – nửa tân thời đã đem đến sự khác biệt cho ngôi làng này so với những ngôi làng cổ khác ở Hà Nội như Đường Lâm, Ước Lễ hay Cự Đà.
Căn nhà có tuổi đời gần 100 năm với hoa văn và thiết kế tinh xảo
Con đường làng sạch sẽ trải dài qua vài chục ngôi nhà cổ với mái vòm, cột nhà kiểu Gothic theo lối kiến trúc Phục Hưng phương Tây. Nhưng bên cạnh đó lại là 2 hàng câu đối, liễn đối chữ Hán – Nôm quen thuộc trên tấm đại tự vòm cổng hoặc chạm trổ hình con nghê truyền thống của người Việt. Đặc biệt, có căn biệt thự nằm trong ngõ thênh thang lát đá tảng xanh, 2 tòa nhà ở hai bên nối với nhau bằng cầu bê-tông uốn lượn, cổng vào được trang trí đặc sắc, hoa văn sơn thủy hữu tình khéo léo cầu kỳ đến từng chi tiết, thể hiện đẳng cấp giàu sang của chủ nhân ngôi nhà.
Nếu ngoài đường khang trang, sạch sẽ thì những con ngõ uốn cong sâu hun hút lại ẩn chứa nhiều câu chuyện thú vị. Bước vào đây, bạn như đắm mình trong một không gian tĩnh mịch, yên bình với sân vườn, hàng cau, khung cửa sổ màu xanh lục khép hờ trên các bức tường đã bị bong tróc từng mảng vôi vữa, lộ ra những lớp gạch đỏ lồi lõm. Tất cả như trở về những năm tháng xa xưa, khi nền kinh tế thị trường chưa tác động đến ngôi làng.
Theo cô Huyền, một người dân sống trong làng, hiện nay ở đây chỉ còn khoảng 20 ngôi nhà cổ. Có những căn vẫn vang tiếng người sinh hoạt nhưng cũng có vài biệt thự bỏ hoang, cài then, vắng chủ. Những ngôi nhà với vòm cuốn, mái đổ, gỗ lim đã mục, những mảng ố màu rêu phong bị quên lãng, không người ở, không bàn tay chăm sóc hằng ngày.
Ngõ vắng rợp bóng hàng cây, thảng hoặc vài cơn gió thổi tung lên những chiếc lá khô rơi xuống mặt sân gạch ẩm ướt. Xa xa tiếng gà gáy ban trưa rõ nét, càng biểu lộ sự im lìm của không gian làng cổ. Hoa cau, hoa bưởi, rụng trắng sân. Thơm nhưng buồn bã. Dường như thời gian đã dừng lại hoàn toàn tại từng căn gác, từng nếp nhà.
Cô Huyền giải thích thêm là các chủ nhân hoặc đã bỏ làng đi nơi khác hoặc vẫn còn ở trong làng nhưng không có tiền tu bổ lại ngôi nhà, cũng không dám ở vì sợ sập. Khoảng những năm 2000, có đến gần chục ngôi biệt thự cổ bị đập bỏ, xây nhà hiện đại vì nhu cầu thời cuộc. Cũng đã từng có nhiều ý kiến phục dựng nhưng vì hạn hẹp kinh phí cũng như không tìm được nguyên liệu gốc thay thế nên những căn nhà cổ ấy vẫn mặc mưa nắng làm hư hại.
Trong khi các làng Đường Lâm, Cự Đà đã trở thành những điểm du lịch được yêu thích thì làng Cựu vẫn giữ mình phía bên ngoài vòng xoáy thương mại lữ hành. Hầu hết chỉ những ai yêu thích kiến trúc cổ mới tìm về với làng, tìm về nét nguyên sơ của thế kỷ trước đang dần mai một theo thời gian. Không gian làng Cựu như lắng đọng, nhẹ nhàng trôi khiến người ta không kịp nhận ra ngoài kia là cả một cuộc sống vội vã xô bồ.