So với hàng không, đường sắt có thể không tiết kiệm thời gian. Tuy nhiên nếu bạn muốn ngắm nhìn phong cảnh tuyệt đẹp trải dài theo chiều dọc đất nước thì đi tàu chính là lựa chọn tốt nhất. Hãy thử một lần cùng gia đình lên những chuyến tàu này, bạn sẽ nhận ra Việt Nam tươi đẹp đến nhường nào.
Chuyến đi Huế – Đà Nẵng
Nếu không thể ngồi dọc các đoàn tàu SE của tuyến đường sắt Bắc Nam, các gia đình có thể trải nghiệm riêng một chặng Huế – Đà Nẵng. Cung đường sắt đi qua vịnh Lăng Cô tới đèo Hải Vân, hành khách sẽ được chìm đắm trong vẻ đẹp bao la tuyệt vời của thiên nhiên khi một bên là núi cao sừng sững, một bên là biển xanh sâu thẳm.
Ảnh: Dương Thùy Trang.
Hình ảnh đoàn tàu với hai màu xanh – đỏ chạy rầm rập trên đường ray uốn lượn vang lên những tiếng xình xịch khiến hành khách như lạc vào một bộ phim đầy hoài niệm. Nhìn từ những ô cửa trên tòa tàu, bạn sẽ thấy một vịnh Lăng Cô hoang sơ và yên bình, một đèo Hải Vân ngập tràn sắc xanh hay những bài cát vàng trắng mịn lung linh dưới nắng…
Giờ tàu chạy chiều Đà Nẵng – Huế: 03:25, 05:35, 08:31, 09:25, 10:50, 11:33, 20:16
Giá vé: 87.000 – 211.000
Thời gian di chuyển: ~2h30 phút
Đường tàu ga Đà Lạt – Trại Mát
Đà Lạt vốn nổi tiếng là thành phố lãng mạn với những vườn hoa bạt ngàn như truyện cổ tích. Các công trình đường sắt còn lại ở Đà Lạt không hề ít, nhưng nổi bật nhất vẫn là đoạn đường tàu đi qua Trần Quý Cáp. Vì nơi đây có rất ít người sinh sống, hầu như mỗi ngày chỉ có các đoàn xe lửa nối tiếp nhau phục vụ du khách tham quan chứ không khai thác đường dài, cho nên đoạn đường này vẫn giữ được dáng vẻ hoang sơ, yên bình.
Ảnh: @chiakiindalat
Nếu đi qua đây vào mùa xuân, bạn sẽ choáng ngợp trước sắc hồng mộng mơ của hoa mai anh đào. Dọc hai bên đường, những cây mai anh đào nở chi chít hoa từ gốc tới ngọn kết hợp cùng hình ảnh đoàn tàu chầm chập chạy qua khiến ta liên tưởng tới một Nhật Bản thu nhỏ. Còn nếu bỏ lỡ chuyến tàu mùa xuân, bạn có thể đến đây vào mùa hạ để trải nghiệm sắc vàng rực rỡ của hoa dã quỳ.
Giờ tàu chạy: 09:55, 12:00, 14:05
Giá vé: 90.000đ
Thời gian di chuyển: ~15 phút
Tàu leo núi Mường Hoa – Sapa
Đến Sapa mà bỏ qua đường tàu leo núi Mường Hoa thì quả là một thiếu sót lớn. Dù mới đưa vào khai thác từ năm 2018 nhưng tuyến tàu hỏa leo núi Mường Hoa từng tạo nên kỷ lục “Đường tàu hỏa leo núi dài nhất Việt Nam”, giúp rút ngắn khoảng cách từ thị trấn Sapa tới cáp treo Fansipan.
Tàu được thiết kế theo phong cách cổ kim kết hợp, đậm chất phương tây với hai màu đỏ – vàng mang lại vẻ sang trọng. Đường tàu Mường Hoa có chiều dài 2km, tổng thời gian di chuyển là 6 phút. Đây không chỉ là một phương tiện di chuyển mà còn là cách thức độc đáo để du khách ngắm nhìn Sapa và thung lũng Mường Hoa.
Ảnh: Fansipanlegend.
Giờ tàu chạy: liên tục từ 6h30 đến 18h30 hàng ngày
Giá vé:
Tàu Mường Hoa – khứ hồi: 150.000đ/khách
Tàu Fasipan – chiều lên đỉnh Fansipan: 150.000đ
Tàu Fasipan – chiều xuống: 120.000đ
Tàu Fansipan – khứ hồi: 270.000đ
Thời gian di chuyển: ~6 phút
Tuyến Hà Nội – Hải Phòng
Vài năm gần đây, Hải Phòng nổi lên như một kinh đô ẩm thực với bánh mì que, bánh đa cua, pate cột đèn… thu hút hàng nghìn bạn trẻ tới đây mỗi ngày. Cùng với sự hot rần rần của “food tour Hải Phòng”, tàu hỏa cũng trở thành phương tiện được nhiều người lựa chọn khi di chuyển từ Hà Nội.
Tuyến đường sắt Hà Nội – Hải Phòng có chiều dài 102km, thời gian di chuyển 2h40 phút. Điểm nhấn trên hành trình này là khi tàu chuẩn bị rời Hà Nội và đi qua cây cầu Long Biên 119 tuổi. Trên cây cầu lịch sử gắn liền hàng chục năm chiến tranh, con tàu chầm chậm lướt qua những nhịp dầm bằng sắt khiến bạn cảm giác như đang ngồi trên một chuyến đi trở về quá khứ.
Đoạn tàu ở ga Long Biên. Ảnh: Tô Hòa Nguyễn
Những chuyến tàu chở khách về ga Hải Phòng cũng được đầu tư trang trí hình ảnh. Ảnh: Chi nhánh vận tải đường sắt Hải Phòng
Giờ tàu chạy: 06:00, 09:20, 15:15, 18:10
Giá vé: 90.000đ – 150.000đ
Thời gian di chuyển: ~2h40 phút
Tuyến đường Sài Gòn – Bình Thuận
Với độ dài gần 200km, tuyến đường sắt Sài Gòn – Bình Thuận được bình chọn là một trong những tuyến đường tàu hỏa đẹp nhất băng qua vườn thanh long, đi qua biển Phan Thiết. Chỉ cần mất 3 tiếng di chuyển, bạn sẽ được rời xa chốn Sài Thành xô bồ để chiêm ngưỡng khung cảnh những vườn thanh long xanh mướt – niềm tự hào của người dân Bình Thuận.
Từ ga Bình Thuận, di chuyển thêm 38km nữa hành khách có thể đến các điểm du lịch nổi tiếng như ngọn Hải đăng Kê Gà – ngọn hải đăng cao nhất và lâu đời nhất của Việt Nam có từ năm 1897.
Ảnh: Pinterest
Giờ tàu chạy: 6h10; 6h45; 11h00; 13h00; 15h30; 19h00, 20:55
Giá vé: 140.000 – 277.000
Thời gian di chuyển: ~3h30 phút
Theo Tổ Quốc