Leflair bắt đầu tạm ngưng hoạt động tại Việt Nam. Ảnh chụp màn hình
Theo Leflair, việc xây dựng, mở rộng thị trường thương mại điện tử đòi hỏi nguồn lực đầu tư lớn. Trong đó, công nghệ, kho vận, nhân sự là những yếu tố cần thiết để những công ty như Leflair có thể cải tạo và thay đổi ngành bán lẻ. “Do đó, áp lực về nguồn vốn đối với Leflair ngày càng lớn theo sự phát triển của chúng tôi, cùng với áp lực mục tiêu tạo lợi nhuận”.
“Dưới áp lực về nguồn vốn hữu hạn và yêu cầu cắt giảm chi phí vận hành, chúng tôi phải đưa ra quyết định khó khăn là tạm dừng hoạt động kinh doanh Leflair tại Việt Nam” – đại diện Leflair chia sẻ.
Ra đời năm 2015 tại Việt Nam, Leflair được sáng lập bởi hai doanh nhân trẻ người Pháp là Loic Gautier và Pierre-Antoine Brun. Hai doanh nhân này đã gây ấn tượng mạnh mẽ khi xây dựng Leflair theo mô hình kinh doanh giữ hàng qua kho để đảm bảo quá trình kiểm tra quản lý chặt chẽ thay vì theo mô hình “chợ trực tuyến” (marketplace).
Ngoài ra, đơn vị này còn áp dụng mô hình flash-sales, vốn đã khá thành công tại châu Âu và Trung Quốc, để mang đến cho khách hàng các ưu đãi giảm giá lên tới 70% trong một khoảng thời gian có hạn.
Thông qua mối quan hệ thân thiết với các hãng và những nhà phân phối uy tín, Leflair còn được ưu ái những mặt hàng độc đáo dành riêng. Điều này giúp tín đồ hàng hiệu có một nơi để “săn” những mặt hàng yêu thích mà hầu như khó tìm thấy ở nơi khác. Chính những món đồ hiệu tưởng chừng như không bao giờ giảm giá khi mua ở store, những mẫu hiếm thấy lại xuất hiện trên Leflair.
Dù đã gọi vốn được tổng cộng 12 triệu USD và trang web từng thu hút hơn 1 triệu lượt truy cập mỗi tháng, Leflair vẫn phải rời bỏ thị trường Việt Nam với lý do “khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn vốn”. Điều này cho thấy thương mại điện tử là thị trường còn nhiều tiềm ẩn rủi ro.