Phụ nữ nhiều chồng bị cười chê?
Diễn viên Hoàng Yến mới đây bị chồng cũ đấm giữa mũi, hành hung công khai trước mặt con nhỏ. Có những người xót chị vì đã chia tay mà vẫn không yên với người đàn ông vũ phu. Nhưng buồn thay, đó không phải là tất cả những gì người ta đề cập đến.
Đa phần trong những lời bàn tán trên mạng xã hội, người ta đem chuyện chị có 4 đời chồng, thích phi công ra làm “mồi nhậu”. Người ta ngầm khen anh chồng đã “vượt qua thị phi”, “bước qua quá khứ” để đón nhận chị, cuối cùng cũng tan vỡ. Người ta xì xào, diễn viên Hoàng Yến “phải thế nào” thì mới bị đánh dã man như thế…
Diễn viên Hoàng Yến bị chồng cũ đấm vỡ mũi, nhưng nhiều người lại lôi quá khứ yêu đương của chị ra chê trách.
Diễn viên Hoàng Yến không phải người phụ nữ duy nhất, dù là nạn nhân nhưng lại chẳng được bênh, vì chị đã có một tình trường phức tạp. Nếu theo dõi những lời ồn ào xung quanh lễ dạm ngõ của ca sĩ Thanh Lam mới đây, không khó để bắt gặp những lời cà khịa kiểu: “Mong rằng đây là lần cuối chị cưới”. Người đàn bà đẹp của làng nhạc Việt cũng từng bị dè bỉu, chê trách vì lỡ… yêu quá nhiều.
Mà lạ, đó không phải chuyện riêng ở Việt Nam. Hồi cặp đôi Song Hye Kyo – Song Joong Ki tan vỡ hôn nhân đẹp, dư luận cũng ra sức đào bới quá khứ yêu toàn mỹ nam của Song Hye Kyo, xôn xao về chuyện những người đàn ông đã đi qua đời cô đều lặng lẽ ra đi, rồi tặc lưỡi: Chắc phải thế nào mới bị chồng bỏ…
Không chỉ ở giới nghệ sĩ được xem là nhiều cảm xúc. Ngay cả người thường, như cô gái Đoan Minh khoe đã trải qua 12 mối tình trong show hẹn hò mới đây, hoặc cô dâu Thu Sao lấy chồng 26 tuổi năm chị bước sang tuổi 62… cũng bị miệt thị nặng nề. Những người phụ nữ nhiều (hơn 2) chồng, công khai nói rằng mình có nhiều bạn trai hoặc “dám” yêu trai tân khi mình đã đổ vỡ thường sẽ bị nhận những lời bình phẩm xấu xí.
Nếu họ hấp dẫn, họ được đàn ông săn đuổi và đáp lại tình cảm đó bằng sự say mê, họ chỉ được phép… hạnh phúc. Vì không thế, bao lời cay đắng sẽ trút xuống đầu họ, nhân phẩm họ sẽ bị chà đạp, vì cái tội… lẳng lơ. Vì theo logic đó, một người “thông minh”, “có giá trị”, chẳng ai yêu nhiều lần mà vẫn nhầm như thế (?!) Và cũng trong logic độc hại đó, đàn bà đã qua mấy lần đò thì phải “biết điều” hơn.
Đàn ông phong độ mới có nhiều người mê
Thật nực cười là chuyện đó chẳng mấy khi xảy đến với đàn ông. Nếu một người đàn ông đã trải qua nhiều mối tình, đó đơn giản chỉ là chọn ra cô gái phù hợp nhất. Thậm chí, trong những cuộc chuyện phiếm của đàn ông, người ta còn thích thú khoe nhau mình đã được “nếm” bao nhiêu phụ nữ, như một thứ chiến tích đáng tự hào. (Ngay cả khi con số người cũ ấy đã được nhân đôi, nhân ba lên, cũng không có gì là xấu hổ, thậm chí còn khiến đàn ông có vẻ phong độ hơn.)
Khi một người đàn ông trải qua tan vỡ hôn nhân, dù là bị vợ bỏ hay bỏ vợ, không ai gọi họ là “đàn ông đã cũ” như cách người ta gọi đàn bà. Nếu người đàn ông ấy kết hôn (nhiều) lần nữa, họ vẫn được ủng hộ để có thể lựa chọn mối “thơm” hơn người trước.
Và khác với phụ nữ phải lòng “phi công”, việc đàn ông chọn một đối tác trẻ tuổi hơn cho lần yêu tiếp theo chẳng mấy khi bị dị nghị, phản ứng dữ dội. Ở đâu đó có ai sẽ nói “trâu già gặm cỏ non”, nhưng phi vụ tình ái kiểu ấy vẫn được đánh giá là thành công. Vì đàn ông có giá hơn? Vì những gì đã qua chỉ khiến họ từng trải hơn? Vì đàn ông phong độ thì càng có nhiều người mê?
Sau tan vỡ hôn nhân, đàn ông đi tiếp thì được khen phong độ, còn phụ nữ tìm tình yêu mới thì lại bị dị nghị?
Mà ngộ là, nếu người đàn ông có tuổi, có cả tiền, việc anh ta hẹn hò với gái trẻ sau tan vỡ cũng là chuyện chấp nhận được. Như đại gia Đức Huy là một ví dụ, chia tay vợ, tung hint hẹn hò với gái trẻ kém 27 tuổi, phần lớn là trầm trồ ngưỡng mộ. Trong khi vợ cũ anh, ca sĩ Lệ Quyên công khai yêu trai trẻ thì chỉ thấy xì xào, cười cợt, chế giễu.
Tư tưởng nữ quyền là “độc hại” hay xã hội vẫn quá nuông chiều đàn ông?
Tranh cãi xung quanh câu chuyện trải qua 4 đời chồng cũ mà vẫn chưa yên ấm của diễn viên Hoàng Yến không phải là chuyện lạ lẫm gì. Cũng không phải lần đầu sự bất công trong việc đánh giá đàn ông và phụ nữ qua tình trường được đưa ra. Nhưng thật nực cười, những người lên tiếng bảo vệ “cô Xuyến”, bảo vệ cho quyền lựa chọn của phụ nữ lại bị chỉ trích là “nữ quyền độc hại”.
Người ta lập luận rằng, thế giới vốn chẳng có công bằng, nên đòi hỏi phụ nữ ngang với đàn ông là một tư duy lệch lạc. Người ta nói rằng, thật ngớ ngẩn khi phụ nữ, với tuổi xuân chóng tàn, lại mong được hồi xuân khi ở bên “phi công”; rằng đó có thể chỉ là lợi dụng. Còn đàn ông có bỏ chút tiền ra để được gái trẻ cung phụng, là vì họ xứng đáng (!?)
Sự nuông chiều, coi trọng đàn ông không phải là chuyện riêng thấy ở Việt Nam hay ở phương Đông, mà là ý thức hệ có thể tìm thấy trên khắp thế giới, không dễ xoay chuyển trong một sớm một chiều.
Nhưng sự “gào thét” của những người (được coi là) ủng hộ nữ quyền, thực ra không phải để đòi phụ nữ ngồi lên đầu đàn ông, thống trị thế giới như ai đó lu loa. Họ lên tiếng, chỉ đơn giản để đòi cho phụ nữ quyền được tôn trọng và ủng hộ lựa chọn của họ, ngang với đàn ông.
Nói riêng trong chuyện yêu đương, thật lạ kỳ là một người đàn ông có tình trường phong phú sẽ dễ dàng được chấp nhận. Vì yêu và được yêu nhiều phụ nữ (miễn là không chồng chéo, để họ cấu xé nhau), với đàn ông sẽ được hiểu là minh chứng của sự từng trải. Ngược lại, một phụ nữ trải nghiệm nhiều đàn ông sẽ bị xem là không đứng đắn, là lẳng lơ, là mất giá trị.
Phẩm giá đàn ông được đánh giá qua cách họ ứng xử với người xung quanh, qua tài năng, qua cách họ kiếm được tiền; nhưng buồn thay, phẩm giá của phụ nữ dường như sẽ “hao mòn” nếu họ đội lên đầu quá nhiều khăn voan. Mà nhiều ở đây là hơn 2. 1 lần tan vỡ, dư luận có thể “tha thứ” vì chọn nhầm, nhưng quá lần 2, y như rằng “đàn bà thế nào mới thế”. Trong những người nói ra và nghĩ như vậy, buồn thay, có cả phụ nữ.
Nếu đàn ông được quyền chọn bước tiếp, thì hãy tôn trọng lựa chọn tương tự của phụ nữ.
Nói nữ quyền hay bình đẳng giới thì có vẻ xa xôi, chỉ cần đơn giản thế này, hãy tôn trọng sự lựa chọn của phụ nữ, như tôn trọng đàn ông. Vì 10 chồng mà chọn sai, họ vẫn có quyền bỏ, có quyền yêu lại từ đầu. Đừng sỉ vả thậm tệ một ai chỉ vì họ khao khát mưu cầu hạnh phúc. Hoặc nếu không thể ủng hộ, ít nhất đừng cứa thêm những lời cay đắng vào lòng họ.
Trong Kinh Phúc Âm của Thiên Chúa Giáo có một giai thoại mà tôi tâm đắc. Đó là khi Chúa Giêsu đang giảng đạo, luật sĩ và biệt phái dẫn đến một thiếu phụ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình, và họ đặt nàng đứng trước mặt mọi người. Theo luật cũ, những phụ nữ phạm tội như thế phải bị ném đá đến chết. Người ta hỏi ý Giêsu xem sẽ xử sao. Lúc ấy, Giêsu đứng lên và bảo họ: “Ai trong các ngươi sạch tội, hãy ném đá chị này trước đi”.
Nghe nói thế, mọi người rút lui dần, cuối cùng còn lại một mình ông và người thiếu phụ. Ông hỏi nàng: “Hỡi thiếu phụ, những người tố cáo chị đi đâu cả rồi? Không ai kết án chị ư?” Nàng đáp: “Thưa, không có ai”. Chúa Giêsu mới bảo: “Ta cũng thế, Ta không kết tội chị. Vậy chị hãy đi, và từ nay đừng phạm tội nữa”.
Vậy đấy, nếu không giúp, không ủng hộ được người khác được sống với lựa chọn của họ, đơn giản là hãy im lặng và rời đi.