*Tên nạn nhân đã được thay đổi
Lucy – 23 tuổi, là một nạn nhân bị người yêu cũ tấn công tình dục. Sở cảnh sát trình báo, Lucy cho biết cô đã dành hàng tháng trời trong khổ sở, với suy nghĩ có nên đi tố cáo vụ việc này hay không.
Lý do của sự chờ đợi này đến từ một lời bào chữa hết sức phổ biến: “thô bạo” – thứ vẫn được dùng trong các vụ gây ra chết người hoặc thương tật trong quá trình quan hệ tình dục tại Anh. Và giờ khi luật pháp quyết định bác bỏ, không chấp nhận lời bào chữa này vào đầu tháng 7, các nạn nhân cũng dần lộ diện.
Vụ kiện vô vọng
Nói về Lucy, cô đã tìm hiểu trên internet về quá trình tố tụng và phát hiện ra một yếu tố có ảnh hưởng rất lớn – chính là lời bào chữa “tình dục thô bạo”. Lucy lo ngại rằng lời bào chữa này sẽ gây ảnh hưởng đến vụ án của cô, nhưng nhận được lời trấn an của các điều tra viên.
“Họ bảo không cần phải lo nghĩ về điều đó. Họ cho tôi rất nhiều hy vọng, dù trước đó đây là vấn đề khiến tôi băn khoăn rất nhiều khi trình báo.”
Trong chiếc điện thoại Lucy nộp cho cảnh sát, có một đoạn video ghi lại cảnh cô và tình cũ đang quan hệ. Theo lời cô, gã người yêu cũ bị ám ảnh trong chuyện ghi hình, và buộc cô phải làm theo nếu không muốn đường ai nấy đi.
“Trước khi bị cưỡng hiếp, tôi và hắn có cãi nhau, chỉ vì tôi để lại bình luận trên Instagram của một anh chàng khác. Hắn kiểu ‘Cô hẳn không còn yêu tôi nữa khi vẫn nghĩ đến thằng khác.'”
“Tôi đã cố gắng xin lỗi, rồi cả hai chẳng nói gì nữa. Chán nản, tôi định rời đi, nhưng hắn ngăn cản. Hắn muốn chúng tôi làm ‘chuyện đó’ liên tục 4 – 5h, như một cách trừng phạt.”
“Trong đoạn video đêm ấy, tôi lặp đi lặp lại ‘Em không làm được, em không muốn làm nữa.'”
“Rồi hắn nói ‘Cô phải làm, đừng có để tôi điên lên.’ Tôi đau đớn đến muốn khóc thét, cố gắng đẩy hắn ra. Và rồi hắn bắt đầu đánh tôi.”
6 tháng sau, Lucy nhận được lời thông báo của cảnh sát rằng họ sẽ không tiếp tục điều tra sâu hơn, mà chuyển nó sang Dịch vụ Công tố Hoàng gia (CPS), bởi lời bào chữa “quan hệ thô bạo” đã được đưa ra.
“Cảnh sát bảo rằng những video cho thấy chúng tôi đã từng quan hệ như vậy, và có thể hắn đã không biết khi đó tôi thực sự không muốn ‘làm’.”
Kết luận của cơ quan điều tra đã đánh đúng vào nỗi sợ lớn nhất của Lucy. Cô thậm chí chẳng thể đối diện với tòa, vì cái kết đã được định sẵn.
Lời bào chữa giống như “lệnh bài miễn tội”
Dẫu vậy thì với quy định mới được ban hành, quốc hội đang kêu gọi chính phủ tiến hành tái điều tra các vụ trình báo xâm hại tình dục, vốn đã bị bỏ qua vì lời bào chữa trên. Theo Harriet Harman – thành viên Quốc hội, cũng là người kiến nghị thay đổi về luật – việc điều tra lại là rất quan trọng, để tiến hành thay đổi hệ thống tư pháp nước nhà.
“Hệ thống này đã khiến các nạn nhân thất vọng. Cưỡng hiếp là một hành vi phạm tội nghiêm trọng, một hình thức xâm hại nặng nề với phụ nữ, cả về thể chất lẫn tinh thần.”
Lời bào chữa “thô bạo” thường gắn với các vụ án mạng liên quan đến quan hệ tình dục, nhưng trên thực tế nó còn được sử dụng trong các vụ gây thương tích. Theo BBC, chỉ riêng trong năm 2020 đã có 4 trường hợp án cưỡng hiếp và tấn công tình dục được biện hộ bằng khái niệm này. Còn trong 5 năm qua, tổng cộng là 17 vụ. Và theo người phát ngôn của We Can’t Consent To This (Chúng tôi không đồng ý với điều này) – một chiến dịch bảo vệ các nạn nhân bị tấn công tình dục, số lượng các sự vụ chìm vào quên lãng thực sự khó mà đong đếm.
1 năm trước khi Lucy nhận được thông tin vụ án của mình bị ngưng điều tra, cô nhận được một cuộc điện thoại từ cảnh sát, về việc liệu cô có đang trong một mối quan hệ bị lạm dụng hay không.
“Tôi đáp ‘chúng tôi đã chia tay,'” – Lucy hồi tưởng, và bắt đầu thuật lại chi tiết câu chuyện.
Lucy chia sẻ khi mới yêu, cô nói đùa rằng mình đã phải giả vờ được thỏa mãn. Nào ngờ trong lần quan hệ kế tiếp, “hắn siết cổ tôi đến mức chết ngất, sau đó đe dọa đừng bao giờ nói dối nữa, nếu không muốn ăn đòn nhiều hơn,” – cô thuật lại. Sau lần đó, gã người cũ sử dụng sex giống như một sự trừng phạt, làm rất nhiều điều bất chấp mong muốn của cô, chỉ để xem người phụ nữ đáng thương phản ứng như thế nào.
Lucy thậm chí còn cố lưu lại một vài đoạn tin nhắn, với nội dung có phần đáng sợ.
“Tôi sẽ cưỡng hiếp cô nếu không nghe lời,” – trích một đoạn tin nhắn.
Hoặc “Tôi có thể làm mọi thứ với cơ thể cô nếu muốn,” |
Ngay sau đó, Lucy báo cáo sự việc với đội điều tra tấn công tình dục. Tuy nhiên do cảm thấy lo sợ, ban đầu cô chỉ trình báo về việc nhận được tin nhắn đe dọa. Gã tình cũ nhận lỗi, thừa nhận đã gửi những tin nhắn với nội dung bạo hành. Điều này mang đến cho Lucy sự tự tin, để tiến hành một đơn kiện tiếp theo.
Nhưng với lời bào chữa “tình dục thô bạo”, Lucy cảm thấy như thể bị tấn công lần nữa vậy. “Tôi đã phải cho điều tra viên xem mọi đoạn video, để nhận lại phản hồi rằng lời bào chữa ấy là lý do khiến vụ tấn công bị ngưng điều tra?”
“Thực sự không thấy công lý ở đâu cả,” – cô phẫn nộ.
Chuyện tương tự không hiếm
3 năm trước, Ella cũng nhận được một email từ cảnh sát, liên quan đến lá đơn trình báo bị tấn công tình dục của cô. Nội dung của email đại khái liên quan đến việc bị cáo tin rằng cô đã đồng thuận trong vấn đề quan hệ tình dục, và nó khiến người phụ nữ thực sự tức giận.
Trường hợp của Ella không giống như Lucy – cô chưa từng gặp kẻ đã tấn công mình trước đó. Họ chỉ hẹn nhau đi ăn tối, thông qua một website hẹn hò.
Ella cho biết, cuộc hẹn ban đầu diễn ra rất suôn sẻ, cho đến khi một vụ tấn công xảy ra ở cầu London (London Bridge terror – sự kiện khủng bố năm 2017). Mọi chuyến tàu để trở về đều bị hủy bỏ. Gã đàn ông mời cô về nhà, và cô gái buộc phải đồng ý.
Tại đây, họ bắt đầu làm “chuyện ấy”, nhưng rồi mọi thứ đột nhiên thay đổi 180 độ, khi gã bắt đầu sử dụng bạo lực.
“Hắn siết cổ tôi, đánh đập tôi. Toàn thân tôi bầm tím, từ đầu đến chân.”
Sau khi trở về nhà, Ella cảm thấy cơ thể như vỡ vụn ra. Cô thuật lại chuyện cho một vài người bạn, và được khuyên đến gặp bác sĩ đa khoa để lưu lại các vết thương làm bằng chứng.
Nhớ lại đêm hôm đó, Ella vẫn rất sợ hãi. “Tinh thần tôi bị tổn thương. Tôi khóc rất nhiều, rất căng thẳng. Đến cuối cùng, tôi quyết định trình báo cảnh sát.”
BDSM: Cách 2 người tham gia quan hệ tình dục chọn đóng vai hoặc chọn lối sống tình dục theo kiểu tạo ra những căng thẳng, khoái cảm và giải thoát trong tình dục bằng những trải nghiệm đau đớn và quyền lực. |
Một điều tra viên xuất hiện trước cửa nhà cô. Tuy nhiên, thứ đầu tiên viên cảnh sát nhắc đến lại chính là lời bào chữa “tình dục thô bạo”, kèm theo những câu hỏi liên quan đến BDSM. “Nó giống như thể bạn không thể phân biệt được đâu là tấn công tình dục, đâu là quan hệ thô bạo vậy. Câu hỏi ấy làm giảm giá trị cảm xúc, mà quên đi rằng tôi đã bị tổn thương như thế nào sau những gì đã xảy ra.”
Năm 2019, một cuộc điều tra của BBC cho thấy 37% phụ nữ Anh dưới 40 tuổi đã phải hứng chịu những hành động bạo lực không mong muốn, bao gồm tát, siết cổ, bịt miệng, thậm chí là khạc nhổ khi quan hệ tình dục. Gần 2/3 trong số đó cho biết họ bị siết cổ khi làm chuyện đó dù chưa đồng ý – một kết quả đáng báo động, cho thấy những hành động bạo lực không đồng thuận khi sex đang dần bị bình thường hóa.
Theo Silva Neves, một chuyên gia tâm lý trị liệu, thì ngay cả trong cộng đồng BDSM cũng cần đến sự đồng thuận để có một mối quan hệ an toàn.
“Một lầm tưởng khá lớn dành cho cộng đồng BDSM, đó là họ quan hệ thô bạo. Tuy nhiên, sự đồng thuận cần được đưa ra, nghĩa là 2 bên cần phải truyền đạt chính xác những gì họ mong muốn, và đặc biệt sự đồng thuận có thể thay đổi bất kỳ lúc nào, nếu như quá trình diễn ra không thực sự tốt đẹp.”
“Nếu một người bị thương tổn nghiêm trọng sau khi quan hệ, nghĩa là họ thực hành BDSM không đúng, hoặc họ cố tình ngụy trang việc tấn công tình dục dưới danh nghĩa BDSM, và điều này không thể chấp nhận được.”
Nói về Lucy, trước khi bắt đầu mối quan hệ với người tình cũ, cô chưa hề làm quen với các hành vi tình dục thô bạo. “Đó không phải là những gì tôi mong muốn.” Sau khi vụ điều tra bị từ chối, sự căng thẳng trong cô trở nên nghiêm trọng hơn bao giờ hết.
“Giống như thể tôi mới là người bị điều tra vậy. Nó gây ảnh hưởng rất nhiều, khiến tôi phải suy nghĩ mọi lúc, kể cả bây giờ.”
Tại Anh, chỉ có 1,7% các vụ trình báo tấn công tình dục là bị truy tố. Và thậm chí, các nhà hoạt động tin rằng con số ấy mới chỉ phản ánh 1 phần của vấn đề, khi có nhiều vụ việc khác chưa được trình báo.
Với sự thay đổi trong luật pháp, cả Ella và Lucy đều mong muốn chính phủ đảm bảo sẽ điều tra lại – không chỉ vụ của họ mà cả các trường hợp tương tự. Lần này, họ mong muốn một vụ xét xử công bằng.
“Tôi thực sự không hiểu tại sao cảnh sát có thể xem những đoạn video như thế, và nhận định nó không phải là cưỡng hiếp,” – Lucy phẫn nộ.
Theo Sarah Crew – người đứng đầu lực lượng điều tra các vụ tấn công tình dục tại Hội đồng cảnh sát quốc gia: “Cưỡng hiếp là một tội ác đáng sợ, có thể gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng với nạn nhân. Chúng tôi cam kết sẽ đảm bảo công lý, và giúp cộng đồng trở nên an toàn hơn.”
“Việc đồng thuận với “quan hệ thô bạo” không đồng nghĩa với việc đồng ý bị cưỡng hiếp, và cũng không thể bị xem là yếu tố đánh giá danh phẩm của nạn nhân. Ngay từ đầu, lực lượng điều tra cần phải làm mọi cách để thay đổi những định kiến như vậy.”
Nguồn: BBC