Tôi thường nhận được tin nhắn xin tư vấn rằng: “Hai người không còn tình cảm, còn cần cố níu lấy cuộc hôn nhân nữa không? Kiên trì tiếp thì quá mệt mỏi, mà buông tay thì lại không cam lòng”.
Có lẽ, lúc đầu hai người ở bên nhau vì tình yêu nhưng sau khi kết hôn, tình yêu sẽ dần dần biến mất. Nó sẽ bị áp lực cơm áo gạo tiền mài mòn, sẽ bị hiện thực bóp nát.
Câu hỏi được đặt ra ở đây, một cuộc hôn nhân tốt đẹp rốt cuộc là như thế nào?
01
Tình yêu là một loại lý tưởng, hôn nhân là một loại thực tế
Có người nói, cứ tìm bừa một người để lấy có phải sau này sẽ hối hận không?
Câu trả lời là chắc chắn. Hôn nhân vốn không phải một con đường bằng phẳng và cuộc sống hậu hôn nhân có đôi khi là một đống hỗn tạp không hơn không kém. Chúng ta hẳn sẽ có ít nhất một lần tự hỏi: Rốt cuộc ngày đó tại sao mình lại muốn kết hôn? Kết hôn nhằm mục đích gì?
Tình yêu, chỉ nói về trăng về sao, toàn là những lời ngọt ngào. Hôn nhân, chỉ nói về cơm ăn áo mặc, toàn là những lời đắng cay.
Tôi từng đọc đâu đó trên mạng một đoạn trích: “Tình yêu như mộng xuân thu, tỉnh dậy thấy khắp mặt đất sương mờ bao phủ. Kết hôn lại giống như chơi cờ, đặt quân nào xuống là không hối hận, chỉ mong trận hòa”.
Câu này đọc nghe có chút bi thương. Hôn nhân quả thực không êm đềm và trong sáng như hồi còn yêu đương. Nó giờ đây dính liền với những thứ trách nhiệm như nhà cửa, con cái. Ai là người trả tiền điện nước, ai nấu ăn giặt giũ, cãi nhau thì ai xin lỗi trước?
Những vì trăng ông sao thời còn yêu nhau trở thành hiện thực tàn khốc mà nhiều người khó lòng đối mặt. Nhưng sóng gió hôn nhân thì vẫn đến bất ngờ, điều bạn cần làm là giữ vững trái tim buổi ban sơ, nắm chặt tay nhau mà chống chọi với giông tố.
Như ai đó từng nói: “Tình yêu là một loại lý tưởng, hôn nhân là một loại hiện thực. Người có được cả hai sẽ là những chuyên gia pha chế xuất sắc nhất”.
02
Trong hôn nhân, thủ khó hơn công, gìn giữ khó hơn phá hủy
Cách đây 15 năm, dì tôi lấy chồng. Lúc đầu, ông bà tôi nhất quyết không đồng ý vì lý do: “Cậu ta chẳng có cái gì, trong nhà còn có ông bố tuổi cao sức yếu, con sẽ hối hận đấy”.
Dì tôi bỏ ngoài ta lời khuyên can của người khác và quyết tâm kết hôn lấy chú tôi. Cuối cùng, chú và dì chỉ đăng ký hết hôn mà không tổ chức đám cưới. Dù ông bà tôi đã từng nói rất nhiều lời cay nghiệt nhưng họ vẫn thấy thương con gái mình. Để con gái yên tâm lấy chồng, ông bà còn cho dì tôi một khoản tiền hồi môn cực lớn.
Cuộc sống hậu hôn nhân của dì tôi không nghi ngờ gì là rất khó khăn. Hai vợ chồng thường xuyên cãi nhau, năm bữa nửa tháng lại thấy dì tôi chạy về nhà ông bà. Còn chú tôi thì cũng vậy, cứ năm bữa nửa tháng lại chạy đến đón vợ về. Dù cãi vã thật đấy nhưng chú tôi luôn là người xuống nước cúi đầu nhận lỗi trước.
Dần dà, chú dì tôi ít cãi nhau hơn, cuộc sống cũng cứ thế mà êm đềm trôi qua. Sau này, chú tôi đầu tư vào một nhà hàng nhưng bị thua lỗ nặng chỉ trong vòng chưa đầy nửa năm. Dì tôi vẫn một lòng: “Không sao đâu, còn có em đây”.
Sau khi con được 1 tuổi, hai vợ chồng dì tôi chuyển tới thành phố khác, sống trong một căn phòng trọ chật hẹp. Dì tôi tốt nghiệp bằng giỏi, tìm được việc trong một công ty về kinh doanh. Chú tôi thì không học hành đến nơi đến chốn nên tự học thêm về trà. 2 năm sau, chú tôi mở được quán trà đầu tiên, công việc càng ngày càng phát đạt. Cả hai không mất nhiều thời gian để mua được nhà, rồi quay về hiếu kính ông bà tôi.
Câu chuyện này tính ra không có gì đặc sắc nhưng nó giúp tôi hiểu ra một điều rằng muốn cuộc sống mỗi ngày một tốt hơn nhất định cần có sự đồng hành của cả vợ lẫn chồng.
Tình yêu là ngây thơ, hôn nhân là trưởng thành. Có lúc nó rất nhẹ nhàng, cũng có lúc lại cuộn trào, và mỗi người đều có trách nhiệm riêng, cần phải chu toàn và thấu hiểu lẫn nhau. Cuộc sống đòi hỏi sự nhẫn lại trong khi hôn nhân cần nhiều hơn thế chính là sự tự nguyện.
Người ta bảo: “Trên đời này có hai loại người hiếm thấy nhất, một là người phụ nữ sẵn sàng ở bên bạn không rời xa khi bạn gặp khó khăn, và một loại khác là người đàn ông không bỏ rơi vợ mình lúc khổ tận cam lai”.
Có thể thấy, trong hôn nhân, thủ còn khó hơn công. Hôn nhân đòi hỏi hai người phải tuân theo lời hứa cùng nhau già đi, và cần sự tận tụy của hai người.
03
Chân tướng của hôn nhân chưa bao giờ là màu hồng
Có người nói: “Ngưỡng mộ cuộc hôn nhân của người khác ghê, muốn đổi một người khác để ở bên”.
Có người đáp: “Dù kết hôn với ai đều sẽ hối hận thôi”.
Sự thật là dù bạn lựa chọn điều gì thì cũng sẽ có những hối tiếc, trên đời này không có sự lựa chọn hoàn hảo tuyệt đối nào.
Tâm lý học chỉ rằng rằng trong tiềm thức của mỗi chúng ta đều có một kim chỉ nam để tìm được người bạn đời lý tưởng của mình. Ai cũng có kỳ vọng về hôn nhân, nhưng sau khi bước vào hôn nhân sẽ có sai lệch xuất hiện. Ngay cả khi bạn chọn đúng người, theo thời gian, khi hai người va chạm nhiều hơn sẽ nảy sinh sự thay đổi. Trên thực tế, khi hai người bước vào cung điện hôn nhân đồng nghĩa với việc họ không còn là người lúc ban đầu nữa. Chân tướng của hôn nhân chính là một quá trình “vỡ mộng” nơi các ảo tưởng của bạn dần vỡ vụn.
Chị Hoa hàng xóm nhà tôi và chồng đã lấy nhau 20 năm. Cả hai suốt ngày cãi nhau, lý do thì toàn vì những chuyện vụn vặt. Chị Hoa không thích chồng ngủ ngáy, thích bia bọt, đi ngủ không chịu thay quần áo, hay xì hơi trên giường và cắt móng tay khi ăn. Chồng chị Hoa lại không thích tính nóng, hay càm ràm, thích than vãn của chị.
Hai người suốt ngày dọa ly hôn. Sau đó chồng chị đi khám ra bệnh tiểu đường. Sau một hồi suy nghĩ, chồng chị đề nghị ly hôn. Cứ tưởng chị vốn ghét bỏ chồng nên sẽ đồng ý ngay lập tức, chẳng ngờ chị lại gạt phắt: “Tôi xa ông thì ai chăm sóc ông?”.
Ngoài đời thực có rất nhiều cặp đôi giống chị Hoa hàng xóm nhà tôi, dù tình yêu không nhưng vẫn khó chia lìa.
Bạn hỏi tại sao ư? Bởi vì họ hiểu rằng cuộc đời này họ sống không chỉ vì tình yêu mà còn vì trách nhiệm và nghĩa vụ.
Tôi rất đồng ý câu nói rằng: “Ai bảo bạn rằng hôn nhân nhất định phải hạnh phúc? Chỉ cần nụ cười nhiều hơn nước mắt, đó đã là một cuộc hôn nhân tốt đẹp”.
Không phải ai cũng đủ tinh tế và chu đáo, không phải ai cũng có thể quan tâm đối phương từng ly từng tí. Phần lớn thời gian, luôn có một bên hy sinh nhiều hơn và một bên được chăm sóc. Đường bằng phẳng, đường gập ghềnh, tương lai bất định, sóng gió mấp mô, em và anh cùng nhau đi. Đây chính là hôn nhân.
Có người hỏi: “Hôn nhân chẳng khác gì cực hình, tại sao người ta vẫn cứ chọn kết hôn?”.
Tôi nghĩ có lẽ vì khi cô đơn và hụt hẫng sẽ có một người nắm tay bạn và cùng bạn vượt qua những khắc nghiệt cuộc đời.
Một người khác lại hỏi: “Hôn nhân thế nào mới được coi là tuyệt vời?”.
Tôi nghĩ có lẽ là, dù hai người đều ghét bỏ nhau đến cùng cực, thậm chí mất hết kỳ vọng vào hôn nhân nhưng đôi bên vẫn trân trọng nhau và không bao giờ bỏ cuộc hay buông tay.
Hôn nhân luôn đòi hỏi bạn phải đánh mất thứ gì đó, thậm chí sẵn sàng từ bỏ một phần của chính mình, để đổi lấy hạnh phúc của một gia đình, niềm vui của nửa kia và sự trưởng thành của con trẻ. Cho dù hôn nhân là một bộ phim nhàm chán được chiếu đi phát lại nhiều lần, vẫn mong các bạn có thể bao dung cho nhau. Bởi lẽ tình yêu suy cho cùng có thể đồng bộ từ trái tim đến trái tim.
Ảnh: Tổng hợp