Trốn tránh vấn đề
Xung quanh chúng ta luôn có một bộ phận người, luôn túc trực bên mình suy nghĩ “trốn tránh dù xấu hổ những cũng có ích”, thực ra, trốn tránh về cơ bản không thể giải quyết vấn đề, mà chỉ là đặt vấn đề ra phía sau mà thôi.
Trốn tránh không chỉ đáng xấu hổ mà còn không có chút giá trị gì, giống như các cụ bảo “thợ kém mới chê đồ nghề rởm”.
Trốn tránh trông có vẻ rất nhẹ nhàng, nhưng thực ra vấn đề vẫn còn đó, chất đống thành núi, vô hình đè nén lên lưng của chúng ta.
Kiểu người này ở thời điểm hiện tại trông có vẻ hứa hẹn, nhưng thực ra mọi vấn đề đều rơi vào ngày mai. Khi vấn đề bị tồn đọng buộc họ phải đối mặt với nó, áp lực đối với họ sẽ lớn hơn nhiều so với khi họ đối mặt với vấn đề ngay từ đầu.
Trốn tránh, vốn dĩ là bản năng của bất cứ sinh vật nào. Nhưng chạy trốn một khi trở thành lối mòn, con người ta sẽ có xu hướng hình thành nên thói quen chạy trốn trước tiên chứ không phải suy nghĩ nên làm sao để giải quyết vấn đề.
Một nhà tâm lý học từng nói: “Nếu bạn không thể giải quyết vấn đề, bạn sẽ trở thành vấn đề.” Tích lũy vấn đề của ngày hôm nay sang ngày mai, rồi sẽ có lúc bạn bắt buộc phải đối mặt; cứ đặt những gánh nặng trên lưng, sớm muộn cũng có ngày bạn bị đè bẹp tới vỡ vụn.
Thế nên, thuốc giải duy nhất cho mọi tình huống khó khăn không phải là trốn chạy hay đối đầu mà là vượt qua nó.
Cố trở thành ai đó
“Ai đó” là một từ trừu tượng, bởi vì nó có nghĩa là rất nhiều người xung quanh bạn. Nhiều người dành thời gian quý báu trong cuộc đời mình để cố gắng trở thành một người nào đó, một người khác họ, nhưng thực tế là mỗi con người là một thực thể duy nhất, không có ai giống ai. Tất cả những gì mà họ làm, hóa ra chỉ là đeo đuổi một cái bóng, một thứ không tồn tại.
Trong thế giới đòi hỏi sự sáng tạo và những điều mới lạ, việc bạn sống đúng với con người mình sẽ là nét hấp dẫn đối với người khác. Lần đầu tiên danh hài Charlie Chaplin đóng phim, vị đạo diễn đã yêu cầu ông bắt chước một diễn viên hài nổi tiếng thời bấy giờ, nhưng điều đó chẳng dẫn sự nghiệp của Charlie Chaplin đi đến đâu cả. Chỉ đến khi ông quyết định lột bỏ mặt nạ và diễn kịch câm như ông thích, vua hài mới được cả thế giới biết đến.
Thế nên, đừng bao giờ cố gắng trở thành một người khác, cũng đừng so sánh mình với người khác, mà hãy là chính mình, đi theo con đường mà bạn chọn.
Đầu tư cho sai người
Sai lầm mà không ít người mắc phải chính là đầu tư quá nhiều thời gian, tâm sức cho người không xứng. Tức là, bạn chọn sai người, khiến bản thân lãng phí thời gian, tuổi trẻ, cuộc sống tốt đẹp của chính mình.
Sự đầu tư sai người có thể trong nhiều khía cạnh đời sống: chọn sai người yêu/bạn đời, chọn sai đối tác làm ăn, chọn sai người bạn tâm giao… Tất cả đều khiến cho bạn phải trả giá đắt.
Cuộc đời rất ngắn ngủi. Đừng phí thời gian và năng lượng vào những người, việc, thứ không cần thiết. Nếu làm đựơc như vậy, sau này sẽ nhận ra rằng ta đã chẳng lãng phí những ngày tháng đã qua. Nhận ra điều này càng sớm, càng tận hưởng được cuộc sống nhiều hơn. Hãy luôn trân trọng và tận hưởng cuộc sống. Điều đó tốt hơn nhiều so với việc cố gắng kéo dài tuổi thọ.
Dành thời gian cho những người tốt với bạn sẽ là một khoản đầu tư đáng giá nhất, có giá trị lâu dài trong chính cuộc sống của bạn.
Sống mãi trong quá khứ
Câu nói “Không ai tắm hai lần trên một dòng sông” lại một lần nữa là lời nhắc nhở cho bạn. Mỗi khoảnh khắc đểu chỉ hiện diện một lần duy nhất, rồi sẽ đi qua.
Thế nên, đừng đặt mình vào khoảnh khắc trong quá khứ, mà quên đi rằng bạn đang sống trong hiện tại, cần phải tập trung vào hiện tại. Dù bạn có quan tâm đến quá khứ bao nhiêu đi nữa, những gì đã đi qua vẫn không thể nào thay đổi. Trong khi bạn có thể thay đổi tương lai, và để làm điều đó, thì bạn buộc phải nắm bắt từng khoảnh khắc của hiện tại.
Sợ sai
Trong cuộc sống ngày nay, điều hạn chế khiến người ta không tiến lên được không hẳn là do năng lực kém, mà do sự sợ hãi. Sợ hãi không dám hành động chỉ bởi tính so sánh và chọn lựa: Thà làm người bình thường tuy vô vị nhưng vẫn hơn “làm kẻ thất bại”…
Nhà phê bình George Bernard Shaw từng nói: “Thành công không phải là không bao giờ phạm sai lầm, mà là không bao giờ mắc lỗi đó lần thứ hai”. Thế nên, đừng ngại mắc lỗi. Điều quan trọng là bạn cần phải tự nhủ rằng mình sẽ không lặp lại sai lầm đó, bằng những hành động “sửa sai” mang tính thực tế. Còn nếu bạn sợ sai lầm ư? Cả đời bạn sẽ mãi là ốc sên nấp trong chiếc vỏ, rụt rè không dám bước ra ngoài để trải nghiệm cuộc sống.
Thiếu quyết đoán
Các nhà khoa học đã xác nhận tính cách thiếu quyết đoán có thể dẫn đến nhiều hệ lụy, kìm hãm chúng ta trên con đường chinh phục thành công sự nghiệp lẫn hạnh phúc cá nhân.
Sự thiếu quyết đoán giống như bị mắc kẹt trong vũng bùn, đến nỗi nhà tâm lý học nổi tiếng William James từng thốt lên rằng: “Kẻ bất hạnh nhất thế gian chính là người không thể tự mình quyết định được việc gì.”
Tính thiếu quyết đoán trở nên nghiêm trọng khi nó kéo dài. Bạn cần thời gian để đưa ra quyết định, nhưng cụ thể là bao lâu? Đừng quên rằng quá lâu sẽ đồng nghĩa với muộn màng: Bạn sẽ đánh mất một cơ hội quý giá, hoặc bạn sẽ lỡ mất thứ gì đó mình hằng mơ ước…
Hãy nhớ, sẽ có những trường hợp, sự trì hoãn của bạn cũng đồng nghĩa với một quyết định: Bạn vừa vô tình nhường quyền lựa chọn cho những người khác nhanh chân và quyết đoán hơn bạn, và họ tóm lấy cơ hội hoặc quyền lợi lẽ ra thuộc về bạn! Đừng quên, ngay cả khi bạn đưa ra một quyết định sai, bạn vẫn có thể có thời gian để thử các lựa chọn khác, với điều kiện đừng do dự cả đời.
Phàn nàn
Vì cuộc đời rất dài, mỗi điều bạn phàn nàn đều không hề thay đổi thì lâu dần, chính vấn đề và quan điểm nhìn nhận của bạn sẽ trở nên “biến chất”. Thay vì tìm cách giải quyết vấn đề, bạn bắt đầu tránh nặng tìm nhẹ mà hướng suy nghĩ của mình theo một hướng khác, ví dụ như không dám bỏ việc sẽ trở thành gắn bó lâu dài cùng công ty, không dám chia tay bạn trai sẽ trở thành trung thành trong tình yêu, không dám gây gổ với bạn bè sẽ trở thành bao dung rộng lượng với người khác…
Chỉ cần dừng phàn nàn, bạn sẽ thấy cuộc sống của bạn tốt đẹp hơn. Khi dừng phàn nàn, tức là bạn chọn cách không để những cảm xúc xấu hủy hoại cuộc sống của chính mình. Thay vì phàn nàn, hãy tự hành động và cải thiện tình thế, điều đó hiệu quả hơn rất nhiều.
Làm điều mà bạn không muốn làm
Làm điều bản thân mong muốn là một trong những điều quan trọng nhất của cuộc sống. Đôi khi, bạn sẽ rơi vào trạng thái “không biết mình muốn gì”, nhưng đi qua giai đoạn đó, khi nhìn thấu vào tâm trí mình, bạn sẽ biết đâu là điều mà mình mong muốn thật sự. Một cuộc sống ý nghĩa chính là dành thời gian cho những gì mà bạn cho là quan trọng nhất. Nhờ thế, mỗi phút giây trong đời bạn sẽ đều giá trị.