Có nhiều loại bệnh về đường hô hấp có thể lây nhiễm thông qua aerosol. Trên thực tế aerosol không phải là một con đường truyền nhiễm mới, nhưng do ít được đề cập nên phần nào dễ dẫn đến hoang mang.
Phó chủ nhiệm Khoa truyền nhiễm Bệnh viện Đồng Tế, Trung Quốc, ông Quách Uy chỉ ra, aerosol là những vi hạt lơ lửng trong không khí, hình thành nên những hạt lỏng nhỏ li ti trong không khí.
Hạt này không phải là luôn luôn lơ lửng mà rất dễ “chìm” xuống, đọng trên bề mặt các vật thể. Điều này mang đến những tương đồng với việc ngăn ngừa lây nhiễm qua con đường tiếp xúc [đồ vật].
“Ngay cả là khi aerosol trong trạng thái lơ lửng, thứ nhất chúng ta có khẩu trang bảo vệ, do đó chúng tôi khuyến nghị đeo khẩu trang đúng cách, khẩu trang cần che kín mũi và miệng, hạn chế tối đa khe hở giữa phần mặt với khẩu trang”.
Thứ hai, theo ông Quách, virus corona muốn gây bệnh cho người cần phải đạt tỉ lệ nhất định về lượng. Ở các môi trường trống trải, ít người, aerosol bị pha loãng và thổi bay đi, như vậy hàm lượng virus ít ỏi trong aerosol (nếu có) cũng không nhiều khả năng khiến người bị “trúng bệnh”.
Ở các không gian kín như thang máy, văn phòng thì rủi ro về aerosol mới cao hơn một chút, do đó khuyến cáo mọi người không nên tụ tập, xếp hàng cách nhau 1.5-2m là khoảng cách cách ly tương đối an toàn.
Quách Uy nói, trong tình huống hô hấp thông thường, virus không dễ phát tán ra từ khí quản, nhưng nếu ho mạnh, ho đờm thì có thể phát ra aerosol. Điều này giống với lây nhiễm qua “giọt bắn”.
Trên thực tế, lây nhiễm qua aerosol cũng đã bao hàm trong hình thức lây nhiễm qua giọt bắn và tiếp xúc. Ngăn ngừa lây nhiễm qua aerosol thực ra có ý nghĩa lớn hơn đối với các đội ngũ y tế. Cần nhắc nhở nhân viên y tế trong quá trình thao tác với khí quản cần áp dụng biện pháp cách ly không khí như đeo khẩu trang phòng hộ, kính phòng hộ…