Mở cửa nhưng biết bán cho ai?
Kể từ ngày 5/9, Đà Nẵng cho phép các cửa hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống tại các phường, xã vùng xanh (qua 14 ngày không có ca Covid-19 cộng đồng) có thể hoạt động trở lại, nhưng chỉ được phép bán mang về. Tuy nhiên, qua 5 ngày được “nới lỏng”, đa số các cửa hàng dịch vụ ăn uống tại vùng xanh vẫn trong tình trạng “cửa đóng, then cài”. Dường như họ vẫn không mặn mà với việc kinh doanh trở lại.
Ở vùng xanh nhưng quán phở Nam Định trên đường Lê Đình Dương (phường Phước Ninh, quận Hải Châu, Đà Nẵng) của bà Nguyễn Thị Kém vẫn “ngại” mở bán dù đã được phép.
Ở vùng xanh nhưng bà Kém vẫn chưa hoạt động kinh doanh ăn uống trở lại
Theo bà Kém, mặc dù bản thân cũng thấy phấn khởi hơn khi việc kinh doanh đã bước đầu được mở cửa trở lại, tuy nhiên, quy định ở vùng xanh 5 ngày mới được phát phiếu đi chợ một lần. Trong khi kinh doanh mặt hàng này đòi hỏi nguyên liệu tươi ngon, mua hàng ngày. Do đó, hiện bà Kém vẫn chưa có ý định hoạt động lại.
“Không chỉ khó khăn trong việc mua nguyên liệu mà hiện việc đi lại của người dân vẫn đang bị kiểm soát chặt, không có khách thì nấu ra rồi biết bán cho ai?”, bà Kém thở dài.
Cùng chung cảnh ngộ, chị Nguyễn Thị Thu Hà (chủ quán cà phê và quán nhậu trên đường Pasteur, phường Hải Châu 1, quận Hải Châu, Đà Nẵng) “lắc đầu” cho biết, quán của mình đã nghỉ bán hơn 1 tháng nay. Tuy giờ đã được mở bán mang về nhưng việc đặt cà phê mang đi thời điểm này dự báo sẽ ít ỏi, trong khi tìm shipper cũng rất khó khăn và chỉ giao hàng trong khu vực hẹp nên việc mở lại cũng chưa chắc mang lại lợi nhuận.
Không chỉ vậy, chi phí cho nhân sự lúc này cũng là điều phải cân nhắc. Liệu mở cửa bán mang đi có thu được tiền bù đắp các chi phí khi mở cửa lại hay không? Nhân lực bây giờ tứ tán hết cả, không phải cứ gọi là người ta đi làm được. Do đó, chị đành đóng cửa tiếp thêm 1 tuần nữa để chờ quyết định mới của thành phố.
“Thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội, người dân ra đường phải có giấy đi đường. Vì vậy, có mở bán cũng không có khách nên đành tiếp tục đóng cửa vậy”, chị Hà nói.
Nhiều hàng quán ở Đà Nẵng vẫn “cửa đóng then cài” dù được phép bán hàng mang đi
Đồng quan điểm, anh Trần Thịnh Thái, chủ quán bún bò Huế trên đường Ngô Quyền (phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà, Đà Nẵng) cho biết thêm, mình cũng dự định mở quán lại nhưng sau khi tính toán cũng phải trì hoãn chưa thể mở ngay vì vướng mắc nhiều khâu.
“Bây giờ việc đi chợ còn gặp nhều hạn chế nên đảm bảo nguyên liệu, đồ tươi để bán cũng khó. Trong khi giá nguyên vật liệu tăng cao so với ngày thường. Còn người mua thì hạn chế, liên hệ shipper để giao đơn cho khách thì rối rắm nên tôi chưa vội mở cửa, để chờ thêm xem sao”, anh Thịnh chia sẻ.
Anh Trần Thịnh Thái, chủ quán bún bò Huế trên đường Ngô Quyền vẫn đang nghe ngóng tình hình, chờ thêm thời gian mới quyết định vận hành trở lại
Dù ở vùng xanh nhưng anh Nguyễn Xuân Quyết vẫn chưa mở bán vì sợ rủi ro lỗ vốn
Theo ông Trần Văn Hùng – Chủ tịch UBND phường An Hải Bắc (quận Sơn Trà), hiện trên địa bàn phường có 40 – 50 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống nhưng vẫn chưa có đơn vị nào đăng kí mở bán trở lại.
“Do chưa có khách và dịch bệnh nên người dân vẫn có tâm lí e ngại chưa muốn kinh doanh trở lại. Các quán ăn có nhu cầu mở bán lại chỉ cần đáp ứng các tiêu chí theo quy định như địa điểm thông thoáng, có giăng dây, kẻ vạch đảm bảo giãn cách…”, ông Hùng chia sẻ.
Tại phường Hòa Khê (quận Thanh Khê) dù có hơn 100 cửa hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống nhưng đến thời điểm này chỉ một vài hàng quán mở cửa. Theo ông Đinh Viết Hồng Lễ – Chủ tịch UBND phường, chủ quán phải cam kết thực hiện đúng quy trình phòng chống dịch thì mới được mở cửa bán hàng. Có nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống nộp hồ sơ nhưng chưa đảm bảo điều kiện nên phường chưa cho phép mở.
Ghi nhận tại vùng xanh như phường Phước Ninh, Hải Châu 1, An Hải Bắc…, phần lớn các quán ăn lớn bé vẫn chưa mở cửa dọn dẹp, chuẩn bị tái hoạt động
Còn ông Nguyễn Phúc Bảo Nam – Chủ tịch UBND phường Nam Dương (quận Hải Châu) cho biết: “Nhìn chung các hàng quán mở bán trở lại tại phường còn ít bởi hàng quán chỉ được bán mang đi nhưng shipper thì còn hạn chế, chủ yếu tập trung tại các hàng quán với số lượng đơn đặt nhiều. Ngoài ra, nguồn nguyên liệu để các cửa hàng mở bán chưa có, thuê nhân công thì không có đủ điều kiện chi trả nên nhiều hàng quán còn rất khó để mở cửa trở lại”.
Bán được hay không là… tùy shipper
Theo ghi nhận của PV, tại một số tuyến đường của vùng xanh, thỉnh thoảng vẫn bắt gặp một số hàng quán đã hoạt động trở lại, tuy nhiên hầu hết cũng chỉ bán “cầm chừng”.
Chị Lê Thị Hiếu (trú phường Phước Ninh, quận Hải Châu, Đà Nẵng) cho biết, bình thường quán của chị bán bún mắm, cao lầu, bánh xèo, pizza, nhưng bữa nay chỉ bán pizza. Cũng theo chị Hiếu, do việc đi lại của người dân trên địa bàn phường cũng như toàn thành phố vẫn đang được kiểm soát chặt chẽ để đảm bảo phòng, chống dịch nên dù có mở bán lại nhưng lượng khách cũng rất lẻ tẻ.
“Đi chợ đã khó khăn mà giờ đồ gì cũng đắt cả, như xà lách 50.000 đồng/kg, hành tây, cà rốt: 60.000 đồng/kg, phô mai thì không nhập được hàng. Do đó, quán tôi giờ chỉ có bán pizza thôi”, chị Hiếu nói.
Lực lượng shipper công nghệ hỗ trợ hoạt động vận chuyển các đơn hàng trong thời điểm người dân vẫn đang tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội
Theo ghi nhận, mặt hàng bán “chạy” nhất trong những ngày này ở Đà Nẵng là trà sữa
Một số quán ăn uống lớn tại các vùng xanh cũng đã hoạt động nhưng cũng “ế ẩm”
Suốt 3 ngày nay, cửa hàng trà sữa của anh Hồ Nguyên Vỹ (phường Hải Châu 1, quận Hải Châu) tấp nập nhận đơn đặt hàng từ các đơn vị vận chuyển công nghệ.
“Dù đơn đặt nhiều nhưng mấy hôm nay tôi chỉ có thể mở bán vài tiếng mỗi ngày vì nguyên liệu không đủ. Hiện, quán cũng chỉ nhận ship 2 loại đồ uống chứ menu không thể phong phú như lúc trước. Để đảm bảo phòng, chống dịch, giờ mỗi vị trí chỉ có một nhân viên phụ trách vì vậy cũng khá vất vả”, anh Vỹ trải lòng.
Còn anh Lê Hữu Hoàng, chủ quán pizza (phường Hải Châu 1, quận Hải Châu) cho biết, ngay khi nhận được thông báo hàng quán trong vùng xanh được bán mang về, anh đã gấp rút dọn dẹp lại hàng quán, liên hệ với nhà cung ứng thực phẩm và mở cửa hàng bán lại trong 2 ngày vừa qua.
“Sau 20 ngày phải đóng cửa, quán đã nhận được hàng chục đơn đặt hàng đặt qua hệ thống mỗi ngày. Do ảnh hưởng của dịch khiến giá nhập nguyên vật liệu về cao hơn so với ngày thường, giá bánh theo đó cũng tăng nhưng khách hàng vẫn chấp nhận vì lâu rồi họ mới được ăn ngoài”, anh Hoàng nói.
Người dân ở vùng xanh chỉ mở bán cầm chừng
Theo các chủ quán, thời điểm này bán được hay không là… tùy shipper
Cũng theo anh Hoàng, việc bán mang đi phải thông qua các đối tác giao hàng công nghệ nhưng hiện các đối tác yêu cầu nhiều thủ tục, trong khi số lượng shipper đủ điều kiện để hoạt động rất ít ỏi đã ảnh hưởng rất nhiều đến số lượng đơn đặt hàng của quán trong những ngày qua.
“Khách chủ yếu đặt qua app trong khi số lượng shipper vẫn còn rất hạn chế, nhiều khách hàng chờ quá lâu nên huỷ đơn. Do đó, thời điểm này, bán được hay không là… tùy shipper”, anh Hoàng cười nói.
Anh Hữu Long, một shipper công nghệ cho biết, những ngày qua, lượng đơn hàng của anh và các đồng nghiệp chủ yếu đều từ các cửa hàng thực phẩm, cửa hàng tiện lợi… vì nhu cầu mua thực phẩm, nhu yếu phẩm của người dân khá lớn.
“Dù chúng tôi cũng đã bắt đầu nhận được các đơn hàng từ các cửa hàng, quán ăn uống trở lại, tuy nhiên cũng không đáng kể vì số lượng cửa hàng hoạt động vẫn chưa nhiều”, tài xế Long thông tin.
Shipper cẩn thận xịt khử khuẩn tiền trước khi thối lại cho khách hàng
Hiện, các shipper đáp ứng đủ các điều kiện để hoạt động lại tại Đà Nẵng còn khá hạn chế
Theo ông Trương Thanh Dũng – Phó Chủ tịch UBND quận Hải Châu, đối với các cửa hàng mở cửa trở lại trên địa bàn quận, địa phương đã yêu cầu thực hiện nghiêm quy định 5K trong suốt quá trình mua bán.
“Quận cũng đã lập danh sách để tiêm vắc xin cho các hộ kinh doanh này. Tinh thần là nới lỏng một số hoạt động theo quy định của thành phố kết hợp với việc bảo vệ vùng xanh an toàn”, ông Dũng nói.
THEO NHỊP SỐNG VIỆT