Chỉ còn 2 ngày nữa (15/8), TP.HCM sẽ kết thúc thời hạn giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Tuy nhiên, tình hình dịch trên địa bàn thành phố vẫn rất phức tạp, số ca mắc vẫn ở mức cao; trong khi đó, lượng người dân đổ ra đường ngày một đông những ngày gần đây.
Phó bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết theo tinh thần của Nghị quyết 86, thành phố xây dựng kế hoạch thực hiện mục tiêu kiểm soát dịch đến 15/9. “Dự kiến, chủ nhật tuần này thành phố công bố kế hoạch theo hướng tiếp tục giãn cách xã hội theo tinh thần Chỉ thị 16”, ông Mãi nói.
Tăng cường lực lượng kiểm soát
Nắm được tình hình lượng người dân đổ ra đường ngày một đông, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cho biết đã chỉ đạo kiểm tra, tăng cường các lực lượng kiểm soát, đồng thời, yêu cầu các địa bàn giám sát chặt chẽ việc thực hiện Chỉ thị 16.
Phó bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM Phan Văn Mãi cũng cho biết thời gian qua, ông có nhận được phản ánh về việc người dân dường như ra đường nhiều hơn. Một số người chia sẻ do ở nhà lâu quá nên muốn ra ngoài cho có không khí.
“Người dân thành phố đã chịu đựng rồi, đã hy sinh rồi thì cố gắng làm sao để sự hy sinh đó có kết quả. Còn nếu lúc này ‘buông súng’, không kiên trì nữa thì kết quả thời gian qua sẽ đổ sông đổ biển, kéo dài thì cuối cùng, người dân sẽ phải gánh chịu”, ông Mãi nói.
Xe cộ nhộn nhịp trên nhiều tuyến đường ở TP.HCM giữa lúc giãn cách
Dưới góc nhìn chuyên môn, PGS.TS Trần Đắc Phu nhấn mạnh nguy cơ dịch Covid-19 ở TP.HCM còn rất cao, diễn biến dịch còn rất phức tạp, số ca nhiễm nhiều nên việc giãn cách vẫn cần được đặt lên hàng đầu. “Chỉ có giãn cách xã hội thì mới cách ly được người bệnh với người lành để ngăn dịch lây lan, nên phải tiếp tục giãn cách nghiêm ngặt nữa”, ông Phu nêu quan điểm.
Vị chuyên gia cảnh báo nếu không thực hiện nghiêm biện pháp giãn cách sẽ không bao giờ chấm dứt được dịch, và cũng khiến công sức chống dịch của TP.HCM trong suốt thời gian qua “đổ sông đổ biển”.
Nói thêm về nguy cơ dịch tại TP.HCM hiện nay, ông Phu nhận định “rất phức tạp” vì số ca mắc nhiều, không thể bóc tách và truy vết F0 ngay trong khi việc xét nghiệm cũng không thể bao trùm và phát hiện hết.
“Tức là F0 vẫn có trong cộng đồng, chắc chắn vẫn còn những ca mắc lẩn khuất mà chúng ta không biết được, nếu buông lỏng biện pháp quản lý sẽ khiến dịch lây lan ngay”, ông Phu cảnh báo nguy cơ lây lan từ biến chủng Delta.
Ông Phu một lần nữa khẳng định “chỉ có giãn cách mới là biện pháp tối ưu” để có thể hạn chế sự lây lan dịch bệnh. Dẫn chứng có những nước trên thế giới phải giãn cách, phong tỏa 6 tháng, thậm chí cả năm, ông Phu cho rằng khi dịch phức tạp thì đây là giải pháp bắt buộc phải làm.
Người dân cần nâng cao ý thức
Đánh giá TP.HCM đã có những chỉ đạo rất quyết liệt trong việc này, PGS.TS Trần Đắc Phu mong người dân chung sức cùng chính quyền, mỗi người tự nâng cao ý thức và trách nhiệm để giảm bớt nguy cơ lây lan dịch bệnh, giúp TP.HCM sớm kiểm soát tình hình và trở lại trạng thái bình thường mới.
Trong 7 ngày (từ 5/8 đến nay), trung bình TP.HCM ghi nhận 3.687 ca nhiễm/ngày, trong đó 78,6% ở khu phong tỏa, 2,3% trong khu cách ly, 17,7% qua sàng lọc tại bệnh viện. Như vậy, số ca lây nhiễm chủ yếu được ghi nhận trong khu phong tỏa.
Tại cuộc họp báo sáng 13/8, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức cho hay theo dự báo, sau 15/8, F0 vẫn ở mức khoảng 3.000 ca/ngày. Nếu không quyết liệt, triệt để thực hiện chống dịch mạnh mẽ thì khó giữ vững thành quả, thậm chí tình hình có thể xấu đi khi không đồng lòng, quyết tâm thực hiện nghiêm phòng chống dịch. Bởi thực tế, dịch đã thấm sâu tại thành phố.
Ông Đức khẳng định phải đảm bảo giãn cách “chặt trong chặt ngoài” thì mới giảm được lây nhiễm. Thực hiện được giãn cách là mấu chốt để kìm hãm, giảm nhanh F0 thời gian tới. “Nếu chỉ cần giảm khoảng 50% số F0 trong khu phong tỏa thì TP sẽ giảm hàng nghìn ca mỗi ngày”, ông nói.
Theo Hoài Thu & Thu Hằng/zingnews.vn