Phản ánh đến Tuổi Trẻ Online, ông Võ Văn Khuyết – giám đốc Công ty TNHH MTV sản xuất bánh mì Thành Phú (phường Cát Lái, TP Thủ Đức) – cho biết từ cuối tháng 6, ông Khuyết đã đến UBND phường Cát Lái để tìm hiểu thông tin về việc có được tiếp tục sản xuất bánh mì hay không, song được yêu cầu dừng hoạt động.
Hình minh họa
Công ty này đã đóng cửa chấp hành đóng cửa phòng dịch, song khi nghe tin UBND TP.HCM khẳng định không cấm sản xuất bánh mì, cơ sở đảm bảo an toàn phòng dịch vẫn được hoạt động nên doanh nghiệp này tái sản xuất từ cuối tháng 7.
Tuy nhiên, sau đó 2 lần bị ông Phạm Văn Hương – phó chủ tịch UBND phường Cát Lái – đến làm việc, yêu cầu dừng hoạt động.
Theo ông Khuyết, cơ sở này chỉ có 6 lao động, đảm bảo các tiêu chí phòng dịch, sản xuất sản lượng chỉ bằng 1/5 so với trước, chủ yếu bán sỉ và cung cấp cho các đơn vị từ thiện.
Do đó, ông Khuyết cho rằng nếu yêu cầu đóng cửa vì “không đảm bảo 5K” thì phường cần hướng dẫn cụ thể để doanh nghiệp được hoạt động nhưng vẫn đảm bảo các tiêu chí phòng dịch bởi DN đã trang bị khẩu trang, khử khuẩn, găng gay, khoảng cách… khi làm việc.
Trả lời Tuổi Trẻ Online, ông Phạm Văn Hương cho biết không riêng gì doanh nghiệp Thành Phú mà nhiều cơ sở bánh mì khác ở phường Cát Lái không đảm bảo 5K đều bị lập biên bản yêu cầu dừng sản xuất, nếu vi phạm sẽ xử lý.
Còn với cơ sở Thành Phú, phường đã nhắc nhở nhiều lần, lập biên bản nhưng chưa xử phạt. Tuy vậy, ông Hương không cho biết tiêu chí nào để các cơ sở bánh mì được phép tái hoạt động.
Bà Phan Thị Thắng – phó chủ tịch UBND TP.HCM – cho biết các văn bản của TP đã ban hành không có văn bản nào cấm sản xuất, bán bánh mì, do đó các đơn vị thuộc ngành lương thực, thực phẩm nếu đảm bảo các tiêu chí về phòng chống dịch vẫn tiếp tục sản xuất mặt hàng này, không có chuyện cấm.
Bà Lý Kim Chi – chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM – cho biết hội đã làm việc với UBND TP.HCM để tháo gỡ vướng mắc cho các cơ sở bánh mì, bún, đậu phụ… được hoạt động với điều kiện an toàn, đảm bảo các tiêu chí phòng dịch.
Theo bà Chi, sau buổi làm việc, lãnh đạo TP đã kết luận không cấm các mặt hàng thiết yếu này và các cơ sở sản xuất những mặt hàng thiết yếu trên đã được tạo điều kiện hoạt động.
Trong đó, các cơ sở này phải tuân thủ các tiêu chí 5K như đeo khẩu trang, khử khuẩn, đeo găng tay, có giấy xét nghiệm COVID-19 với kết quả âm tính của người sản xuất…
Với trường hợp của doanh nghiệp Thành Phú, bà Chi hướng dẫn chủ doanh nghiệp cần đi xét nghiệm COVID-19 với các lao động bên cạnh các biện pháp 5K để tái sản xuất.
Chiều 13-8, ông Võ Văn Khuyết cho biết sau khi được hướng dẫn, các lao động đã đi xét nghiệm COVID-19, tất cả đều âm tính và đã tái sản xuất sáng cùng ngày.
NGỌC HIỂN – Tuổi Trẻ Online